Xác định trọng tâm kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể

19/11/2022 6:21 PM

(Chinhphu.vn) - Chiều 19/11, UBND TPHCM tổ chức Phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Xác định trọng tâm kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, Giám đốc Sở KH&ĐT Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn Thành phố ước tính lần 1 tăng 9,44% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 9,77%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,49% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,45%); khu vực dịch vụ tăng 9,88% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,97% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,84%%).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 1,0%).

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăn 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,95).

Về du lịch, tổng doanh thu trong năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19) và tăng 33,33% so với kế hoạch năm 2022. Khách quốc tế đến Thành phố năm 2022 ước đạt 3.500.000 lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. Khách du lịch nội địa đến Thành phố ước đạt  25.000.000 lượt khách, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022.

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, trong năm, UBND Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng. Căn cứ số liệu của Kho bạc Nhà nước Thành phố cung cấp, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố đã giải ngân đến ngày 31/10/2022 là 11.418,639 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,48% tổng kế hoạch vốn giao. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/1/2023), Thành phố dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, về tình hình cung ứng xăng dầu, sau rất nhiều nỗ lực của Thành phố cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay cơ bản khó khăn đã giảm bớt. Đến chiều hôm qua chỉ còn khoảng 18/550 cửa hàng thiếu xăng dầu.

Về tình hình sản xuất công nghiệp, ông Vũ cho rằng đây là một điểm sáng của Thành phố. "Chúng ta xuất phát điểm từ tăng trưởng âm, đến tháng 2 vẫn âm nhưng tổng thể cả năm 2022 dự kiến Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn thành phố tăng hơn 17%".

Về Chương trình bình ổn thị trường, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố nhấn mạnh hiện nay đang tiếp tục phát huy và năm sau sẽ đi vào đánh giá những thành công sau 20 năm tổ chức, có quy chế cho các đối tượng tham gia, mở rộng đối tượng tham gia, xây dựng thương hiệu, bộ nhân diện của chương trình để người dân và doanh nghiệp biết để cùng tham gia. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các ngân hàng để có những chính sách về nguồn vốn ưu đãi cho các nhóm doanh nghiệp sản xuất và phân phối phục vụ cho Chương trình. Hiện Thành phố đã chuẩn bị lượng vốn là 17.000 tỉ đồng để phục vụ hàng Tết cho người dân.

Xác định trọng tâm kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể - Ảnh 2.

Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Dệt may gặp khó

Tại phiên họp, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết ngành dệt may Thành phố hiện gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Hoa Kỳ, châu Âu giảm rõ rệt (châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%); lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.

Theo ông Nhân, từ quý IV/2022 và dự báo quý I/2023, khách hàng hạn chế và không tăng. Các doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nhân kiến nghị ngành thuế cần nhanh chóng hoàn thuế cho doanh nghiệp, đặc biệt là ngành gỗ, chế biến gỗ. Ông cho biết hiện quy trình hoàn thuế VAT rất phức tạp, kéo dài khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong bối cảnh đang cạn kiệt nguồn tiền. Theo quy định, quy trình hoàn thuế không quá 40 ngày, nhưng việc xác minh nguồn gốc để đánh giá doanh nghiệp được hoàn thuế hay không rất phức tạp.

Tính đến nay, lượng thuế VAT ở các doanh nghiệp sử dụng gỗ trồng rừng chưa được hoàn là hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, mức thuế chưa được hoàn phổ biến là 200 tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp chưa được hoàn 40-50%. Trong bối cảnh khó khăn về dòng tiền, một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu một số mặt hàng.

Ông Nhân cũng kiến nghị nới room tín dụng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp tục giảm 2% lãi vay ngân hàng.

27 doanh nghiệp cắt giảm lao động

Báo cáo về tình hình lao động trên địa bàn, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, năm nay, Thành phố có 27 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc vì lý do cơ cấu lại công nghệ cũng như ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế. So với cùng kỳ năm 2021 (26 doanh nghiệp) thì năm nay, Thành phố tăng 1 doanh nghiệp.

Trước tình hình có 27 doanh nghiệp cắt giảm lao động thì sở đã phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố, BHXH Thành phố cùng với các địa phương có trường hợp cắt giảm lao đông tiếp cận làm việc với các chủ doanh nghiệp để yêu cầu phương án bố trí lại lao động, thực hiện các chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời Sở cũng phối hợp với các đơn vị để kết nối giới thiệu lao động.

Thời gian tới, ông Thinh cho biết Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là những địa phương có nhiều nhà máy, nhiều lao động để thực hiện giám sát, nắm chắc được tình hình và chủ động các biện pháp ứng phó.

Bên cạnh việc đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách thì Sở cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Thành phố có các kế hoạch hỗ trợ Tết cho công nhân, nhất là công nhân bị mất việc, ngừng việc trong đợt cuối năm này.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức chuẩn bị tổng kết năm, xây dựng kế hoạch năm 2023 với tinh thần phải đánh giá sát tình hình để xác định được trọng tâm và đưa ra giải pháp.

Về việc giải ngân đầu tư công đến giờ này mới được 31%, ông Mãi cho rằng từng sở, từng chủ đầu tư, quận, huyện phải rà soát lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn từ đây đến cuối năm, nơi nào còn vướng thì phải trực tiếp tháo gỡ.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu hoàn thiện văn bảo để báo cáo với Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ về nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54; yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp để hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án đường Vành đai 3.

Về báo cáo kế hoạch năm sau, ông Mãi nhấn mạnh chủ đề năm phải có tính trọng tâm với các chỉ tiêu phù hợp, các nhiệm vụ, giải pháp phải cụ thể và đáp ứng được tình hình hiện nay.

Anh Thơ

Top