Xu hướng tiêu dùng sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe ngày càng lên ngôi

17/06/2022 6:13 PM

(Chinhphu.vn) - Quyết định mua hàng của người tiêu dùng có nhiều thay đổi sau đại dịch như: Quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn; chú ý đa dạng chế độ ăn uống; thân thiện với môi trường. Đây là những yếu tố mà các DN sản xuất và bán lẻ cần chú ý để hướng tới đối tượng khách hàng vốn đang tăng dần.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe ngày càng lên ngôi - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe ngày càng lên ngôi - Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Cần làm gì trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe hậu đại dịch" do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 17/6 tại TPHCM.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao NielsenIQ Việt Nam, cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe tăng vượt trội. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn những yếu tố tác động đến cuộc sống của họ.

Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng tìm kiếm nhóm sản phẩm lành mạnh hơn để ngăn ngừa những vấn đề về sức khỏe; trong đó, có 39% người tiêu dùng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) đã mua sản phẩm có yếu tố lành mạnh trong 2 năm qua, 32% sản phẩm lành mạnh có ghi nhãn, 29% sản phẩm có tính thư giãn; 26% sản phẩm có chế độ dinh dưỡng đặc biệt...

Hiện nay, Việt Nam đang từng bước thay đổi và hướng đế thói quen sống xanh, sạch và lành mạnh hơn. Điển hình, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, nguyên liệu bao bì tái chế, thay đổi hướng đến bền vững...

Nhiều doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Co.opXtra cũng hưởng ứng, tham gia tích cực vào xu hướng tiêu dùng xanh. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng ngày càng có ý thức trong tiêu dùng như ưu chuộng hàng nội địa và mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn sau đại dịch COVID-19. Lý giải nguyên nhân dẫn đến xu hướng này, doanh nghiệp cho hay, ngày càng nhiều hàng Việt Nam cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, những sàn thương mại điện tử ngày càng nâng cao năng lực, cung cấp sản phẩm chất lượng, giao hàng nhanh... sẽ ngày càng thu hút được người tiêu dùng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, chuyển dịch định dạng bao bì thân thiện và bảo vệ môi trường ngày càng mạnh mẽ, nhưng đây là bài toán khó đối với nhiều nhãn hàng khi ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với những nhóm ngành hàng xuất khẩu thì ngày càng nhiều thị trường yêu cầu bao bì tự hủy hoặc tái chế; đồng thời có những chính sách ưu tiên cho hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, cũng như công nghệ sản xuất bao bì tự hủy, công nghiệp tái chế... Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển trong xu thế mới, cộng đồng doanh nghiệp không nên dừng lại ở việc bám theo quy định chất lượng bao bì nội địa, mà còn phải khảo sát và tham khảo bao bì ở nhiều thị trường trên toàn cầu để cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như thị hiếu tiêu dùng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, người tiêu dùng toàn cầu có những mối âu lo về sức khỏe và miễn dịch, cũng như kinh tế toàn cầu suy giảm. Từ đó, người tiêu dùng toàn cầu có chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe, nhưng đồng thời phải tiện lợi.

Do đó, các DN xuất khẩu cần lưu ý tới các thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng mang lại sự đa dạng cho chế độ ăn uống và tiện lợi.

Lê Anh

Top