Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn

26/08/2024 6:05 PM

(Chinhphu.vn) - Nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi trong nửa cuối năm, cùng với việc TPHCM triển khai hiệu quả các giải pháp, kết thúc năm, kinh tế Thành phố có thể đạt tăng trưởng 7-7,5%. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, TPHCM cần phải tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp Thành phố nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.

Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn- Ảnh 1.

Tăng trưởng GRDP TPHCM so với cùng kỳ năm trước - Nguồn: Cục Thống kê TPHCM

Đó là nhận định trong báo cáo "Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức" được Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê Thành phố công bố mới đây.

Đà phục hồi tiệm tiến về mức tiềm năng

Báo cáo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi và đạt được mức tăng trưởng tương đối cao so với dự báo, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng là Mỹ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh thuận lợi này, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng GDP tương đối so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phục hồi ổn định của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ. Xuất khẩu là một yếu tố đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu. Trong khi đó, tiêu dùng và đầu tư vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ so với xu hướng trước đại dịch COVID-19.

TPHCM cũng đạt được mức tăng trưởng GRDP tương đối cao trong 6 tháng so với cùng kỳ năm trước (ước đạt 568 nghìn tỷ đồng, tăng 6,46%). Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao và ổn định nhất, theo sau là công nghiệp. Trong khi đó, khu vực xây dựng vẫn còn tăng trưởng khá khiêm tốn.

Tốc độ hồi phục của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM đến từ tiêu dùng, tiếp đến là xuất khẩu. Trong đó tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng nhỉnh hơn cả nước, còn xuất khẩu lại tăng trưởng tương đối thấp hơn cả nước.

Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn- Ảnh 2.

Tiêu dùng TPHCM 6 tháng đầu năm (Bản quyền: UEH và HCMCSO; Nguồn: Cục Thống kê TPHCM)

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế TPHCM và Cục Thống kê Thành phố cho rằng, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM vẫn đang phục hồi tiệm tiến về mức xu hướng tiềm năng. Điều này phản ánh tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM vẫn đang tiếp tục đà hồi phục ổn định nhưng vẫn ở dưới mức sản xuất tiềm năng.

Đáng chú ý, nhiều chỉ số cho thấy các doanh nghiệp nội địa tại TPHCM vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu hồi phục vững chắc trong hoạt động đầu tư 6 tháng đầu năm 2024.

Giá trị xuất khẩu của TPHCM trong 6 tháng đầu năm vào khoảng 20,6 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không cao so với cùng thời kỳ các năm trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố chưa tận dụng được những thuận lợi từ sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của TPHCM là Trung Quốc và Mỹ.

Đây có thể là một bước chậm trong ngắn hạn đến từ việc TPHCM đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Tuy nhiên, Thành phố cần phải nghiên cứu chi tiết hơn để có thể đánh giá đúng đắn hiện trạng và xu hướng của hoạt động xuất khẩu để kịp thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn- Ảnh 3.

Xuất khẩu của TPHCM trong quý I và quý II (Bản quyền UEH và HCMCSO: Nguồn: Cục Thống kê TPHCM

Triển vọng kinh tế TPHCM 6 tháng cuối năm

Về triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 của TPHCM, Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trước hết phụ thuộc vào tình hình kinh tế của thế giới.

Theo đó, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi trong 6 tháng cuối năm và hoạt động xuất khẩu của TPHCM sẽ tiếp tục nhận được những lực kéo thuận lợi từ hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc. Tăng trưởng trong xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của tổng cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn TPHCM.

Cùng với đó, tiêu dùng trên địa bàn TPHCM sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục so với cùng kỳ năm trước và có xu hướng nhỉnh hơn mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên tốc độ hồi phục của tiêu dùng nhìn chung sẽ mang tính tiệm tiến do tâm lý phòng ngừa của người dân.

Đối với các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn, cần phải chú ý hơn trong nửa cuối năm. Tăng trưởng đầu tư trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các doanh nghiệp nội địa có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Đây là điểm mà TPHCM cần phải tập trung theo dõi.

Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn- Ảnh 4.

Chỉ số sản xuất công nghiệp TPHCM so với cùng kỳ năm trước (Bản quyền: UEH và HCMCSO; Nguồn: Cục Thống kê TPHCM)

Yếu tố then chốt để nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn

Gợi ý chính sách, báo cáo "Kinh tế TPHCM: Phục hồi và Thách thức" cho rằng những tháng cuối năm, Chính quyền TPHCM nên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để kích thích tiêu dùng của người dân. Nghiên cứu kết nối các chương trình này với các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch để tăng hiệu ứng lan tỏa; tổ chức các sự kiện tập trung ở cấp quận, huyện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm tới người dân.

Nếu được tổ chức hiệu quả, các chương trình sự kiện này sẽ là một cách hỗ trợ rất thiết thực của Thành phố đối với các doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kết nối với các địa phương lân cận để hỗ trợ các doanh nghiệp của TPHCM quảng bá sản phẩm tới các thị trường này và ngược lại.

Thành phố cũng cần tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thành phố cần có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.

Yếu tố giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn- Ảnh 5.

Tình hình doanh nghiệp TPHCM 6 tháng đầu năm 2024 - Nguồn: Cục Thống kê TPHCM

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Đối với xuất khẩu, phải nhanh chóng đánh giá một cách chi tiết hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp để kịp thời đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường thế giới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm.

Song song đó, cần đưa ra các chương trình cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng sang các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Mỹ nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Theo số liệu năm 2022, có ba quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện nhưng hiện đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM, gồm: Nhật Bản (7,16%), Hàn Quốc (4,31%) và Ấn Độ (1,41%).

Đặc biệt, TPHCM cần phải nỗ lực hết sức trong những tháng còn lại của năm để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm. Bởi bên cạnh đóng góp trực tiếp của các khoản chi đầu tư công vào tăng trưởng kinh tế, việc hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm sẽ góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh và gia tăng lợi nhuận, từ đó góp phần thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo Nhóm nghiên cứu, nếu nền kinh tế thế giới diễn biến thuận lợi như kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2024, cộng thêm việc TPHCM quyết liệt triển khai hiệu quả đồng bộ các giải pháp thì cả năm Thành phố có thể đạt mức tăng trưởng 7-7,5%. Nhưng quan trọng hơn cả con số tăng trưởng năm 2024, Thành phố cần phải tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghệ cao và xanh hóa. Đây là yếu tố then chốt giúp TPHCM nâng cao tốc độ tăng trưởng trong trung hạn.

Ngọc Tấn

Top