Các tổ chức hoạt động điện ảnh phải có đại diện ở Việt Nam

15/04/2023 9:41 AM

(Chinhphu.vn) - Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định tới đây, tất cả các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh phải có đại diện, có trụ sở liên lạc tại Việt Nam để khi có phản hồi từ người xem, từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kịp thời có phản hồi, điều chỉnh.

Các tổ chức hoạt động điện ảnh phải có đại diện ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Hoạt động điện ảnh phải tuân thủ luật pháp Việt Nam

Ngày 14/4, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH của Quốc hội và nghị định số 131/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại hội nghị, ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ những điểm mới, những điểm cần quan tâm về Luật Điện ảnh và Nghị định 131 như các thuật ngữ, bổ sung phân loại phim, trường quay, điểm chiếu phim công cộng, loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được xác định là phim, những nội dung hành vi bị cấm… 

Trong khoảng ba giờ đồng hồ, nhiều thảo luận sôi nổi, những câu chuyện thực tế nêu ra tại hội nghị, như: Vướng mắc của đoàn phim và địa phương khi đoàn phim về liên hệ nhà dân dàn dựng xong bối cảnh nhưng địa phương không cho tổ chức do vướng lễ hội, không đảm bảo an ninh trật tự hay tình trạng chiếu phim sai quy định ở các cơ quan ngoại giao ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam…

Câu chuyện về bộ phim MH370: Chiếc máy bay biến mất là minh chứng cho sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra một số vấn đề. Đây là tập phim sai sự thật về Việt Nam. Vào trang tìm kiếm tập phim này, người xem nhận thông tin: "Tập phim này đã bị gỡ bỏ theo yêu cầu của cơ quan quản lý".

Ông Đỗ Quốc Việt chia sẻ, phim trên không gian mạng, doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp, tổ chức phổ biến phải tự phân loại, tự chịu trách nhiệm, phía cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra.

"Tất cả các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tới đây phải có đại diện, có trụ sở liên lạc tại Việt Nam để khi có phản hồi của người xem, từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kịp thời phản hồi, điều chỉnh, phải tuân thủ luật pháp Việt Nam", ông Đỗ Quốc Việt nói.

Khát vọng Liên hoan phim Quốc tế

Về những băn khoăn liên quan đến nhập khẩu phim, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định luật quy định rất rõ. Nhập một phim cũng như 1.000 phim, phải có cam kết từng phim không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, "không phải mỗi phim là một bản cam kết mà có danh sách phim nhập khẩu, có cam kết cho mỗi lần nhập".

Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định pháp luật. 

Nhân dịp này, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM chia sẻ trong thời gian tới đây, Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM sẽ phối hợp cùng Hội Điện ảnh Thành phố tổ chức Liên hoan phim ngắn Thành phố lần đầu tiên. Đó là bước khởi động để tổ chức Liên hoan phim Quốc tế lần thứ nhất.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM hi vọng sự chung tay của các đơn vị, tổ chức sẽ giúp phát triển và đưa Liên hoan phim trở thành thương hiệu riêng của Thành phố, qua đó đóng góp vào phát triển du lịch TPHCM. 

Huy Phạm

Top