Cải cách hành chính ở TPHCM: Luôn đổi mới, không có điểm dừng

26/03/2024 5:25 PM

(Chinhphu.vn) - Đây là chỉ đạo và cũng là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) Thành phố, cũng là sự quyết tâm của chính quyền Thành phố nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Cải cách hành chính ở TPHCM: Luôn đổi mới, không có điểm dừng- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, để đẩy mạnh cải cách hành chính, cần cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm công chức, viên chức, lãnh đạo cơ quan, gắn với đánh giá, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của sở, ngành, địa phương - Ảnh: VGP

Năm 2023, TPHCM ban hành 74 văn bản chỉ đạo về cải cách hành chính. So với các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch công tác cải cách hành chính (CCHC), đến nay đã hoàn thành 88/88 nhiệm vụ, đạt tỉ lệ 100%.

Trong năm ngoái, tổng số hồ sơ các sở, ban, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã giải quyết là gần 22,5 triệu hồ sơ, đang giải quyết 74.727 hồ sơ. Trong số hồ sơ đã giải quyết, có hơn 22,4 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (chiếm tỉ lệ 99,84%) và 37.649 hồ sơ giải quyết quá hạn (chiếm tỉ lệ 0,16%) và đã được thực hiện Thư xin lỗi (chiếm tỉ lệ 100%).

Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình, mức độ một phần là hơn 11,7 triệu hồ sơ, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (gần 6 triệu hồ sơ). Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến (tính đến tháng 12 năm 2023) là 740/1.837 TTHC, đạt tỉ lệ 40,28%. (trong đó dịch vụ công trực tuyến toàn trình 464 TTHC, dịch vụ công trực tuyến một phần 276 TTHC).

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, CCHC ở TPHCM không có điểm kết thúc mà phải luôn được tiếp tục cải tiến và phải được thúc đẩy bởi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, cũng như yêu cầu phát triển của Thành phố.

"Đơn vị làm tốt công tác CCHC hôm nay nếu không tiếp tục duy trì, không tiếp tục đổi mới, cải tiến sẽ bị tụt hậu ngày mai. Các đơn vị phải thi đua với nhau một cách thực chất trong công tác CCHC để nhận lại phần thưởng là sự hài lòng, sự khen ngợi của người dân, doanh nghiệp chứ không phải là đạt được thứ hạng nhưng cuối cùng nhận lại những lời phàn nàn, sự chưa hài lòng của người dân, doanh nghiệp", ông Mãi nói.

Cũng theo Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC Thành phố, từng sở, ngành, địa phương, kể cả xã, phường trên địa bàn sẽ có kế hoạch đưa tất cả thủ tục hành chính lên nền tảng số, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố liên thông, kết nối với quốc gia; hướng tới thủ tục toàn trình, có điều kiện với mục tiêu cuối năm 2025, cơ bản hoạt động hành chính của TPHCM đều được thực hiện trên nền tảng số.

TPHCM cũng sẽ đơn giản hoá thủ tục, tái cấu trúc quy trình nội bộ, số hoá hồ sơ, đồng bộ dữ liệu, công khai danh mục kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Song song đó, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm công chức, viên chức, lãnh đạo cơ quan, gắn với đánh giá, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của sở, ngành, địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, ngành, thậm chí thanh tra, kiểm tra cấp Thành phố.

Cải cách hành chính ở TPHCM: Luôn đổi mới, không có điểm dừng- Ảnh 2.

Bộ phận một cửa của Sở Công Thương TPHCM tiếp nhận hồ sơ hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Những mô hình cần nhân rộng

Sở Công Thương TPHCM là một trong số các đơn vị nhận thức được việc triển khai ứng dụng chữ ký số là xu hướng, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Thành phố, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Hiện Sở có 116 thủ tục hành chính đang thực hiện: Dịch vụ công mức toàn trình (59 thủ tục hành chính); Dịch vụ công một phần (21 thủ tục hành chính); Cung cấp thông tin trực tuyến (36 thủ tục hành chính).

Với số lượng 116 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của Sở, bình quân mỗi năm Sở tiếp nhận trên 90.000 hồ sơ hành chính tương đương khoảng 350 - 400 hồ sơ/ngày.

Trước khi đẩy mạnh thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến và ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, bình quân hằng ngày có khoảng hơn 300 khách hàng đến thực hiện thủ tục hành chính tại Sở.

Trước thực trạng đó, Sở đã triển khai các giải pháp ứng dụng chữ ký số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Cải cách hành chính ở TPHCM: Luôn đổi mới, không có điểm dừng- Ảnh 3.

File kết quả sẽ được gửi tự động vào tài khoản của doanh nghiệp thực hiện TTHC - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khi doanh nghiệp có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thì chỉ cần truy cập vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Thành phố, hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng nhập vào tài khoản đã được cấp, chọn thủ tục cần thực hiện, sau đó scan bộ hồ sơ, sử dụng chữ ký số, đính kèm file đã ký số và tiến hành gửi đi.

Sau đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở sẽ truy cập vào tài khoản đã được cấp, tiến hành kiểm tra hồ sơ doanh nghiệp đã nộp, tiếp nhận và xử lý.

Kết quả xử lý hồ sơ là file văn bản có chữ ký số của Sở Công Thương. File kết quả sẽ được gửi tự động vào tài khoản của doanh nghiệp thực hiện TTHC.

Ông Tú thông tin, qua thực tiễn triển khai, kết quả thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và Ứng dụng chữ ký số vào các giao dịch điện tử tại Sở Công Thương đã đạt được một số kết quả tích cực. Năm 2023, Tổng số hồ sơ tiếp nhận có sử dụng chữ ký số là 88.511/91.686 hồ sơ, đạt tỉ lệ 96.5%. Kết quả giải quyết TTHC có chữ ký số đạt 100%. Tổng số văn bản phát hành có sử dụng chữ ký số là 9.289/ 9.289 văn bản, đạt tỉ lệ 100%. Số lượng công chức có chữ ký số cá nhân là 96/128 công chức, đạt tỉ lệ 75%.

Chữ ký số được nhìn nhận là một công cụ đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch trực tuyến và thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, trong thực tế việc triển khai cũng còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như, nhận thức về pháp lý, công nhận văn bản đã được ký số vẫn còn hạn chế, dẫn đến một số cơ quan có cách hành xử khác nhau như thực tế doanh nghiệp vẫn đề nghị được nhận bản cứng của kết quả giải quyết TTHC để nộp cho các cơ quan khác; phương thức ứng dụng chữ ký số cũng chưa theo kịp các xu hướng công nghệ và mức độ phổ biến của các thiết bị di động thông minh…

Còn Quận 1 có mô hình "Tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy" gắn với ký kết hợp tác dịch vụ đảm bảo với bưu chính công ích và tích hợp thanh toán trực tuyến thông qua trung gian đối với TTHC toàn trình và ứng dụng "Định danh điện tử - eKYC" tích hợp vào các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ Tiếp nhận thủ tục hành chính "Không giấy" trên địa bàn.

Theo đó, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023 đều đạt trên 92%. Thời gian hoàn thành đăng ký giảm từ 5 phút xuống còn 1 - 2 phút; giảm sai sót trong quá trình nhập liệu. Các thông tin trên CMND/CCCD của người dân được hệ thống bóc, tách và điền sẵn, giúp giảm tỉ lệ từ chối do sai thông tin CMND/CCCD.

Tỉ lệ từ chối tiếp nhận do sai sót năm 2019 là 29,08%, năm 2020 là 26,4%, năm 2021 là 24,28%, năm 2022 là 17,7%, năm 2023 là 13,01%, giảm qua từng năm.

Cải cách hành chính ở TPHCM: Luôn đổi mới, không có điểm dừng- Ảnh 4.

Thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử giúp không còn cảnh người dân chờ đợi, xếp hàng ở các bộ phận một cửa - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Quận cũng tổ chức buổi công bố ra mắt sản phẩm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý quản lý hộ kinh doanh (WEBGIS), giải pháp giúp hỗ trợ người dân tra cứu thông tin, kiểm tra trước địa điểm kinh doanh có phù hợp với các quy định về cấp giấy phép ngành nghề có điều kiện, giúp việc thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, do thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử nên Quận 1 phải sử dụng Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung của Thành phố liên thông đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, bước đầu gặp nhiều khó khăn như: Lỗi vận hành, không có nguồn dữ liệu cũ phục vụ tra cứu, đối chiếu.

Ngoài ra, các bộ, ngành triển khai dịch vụ rời rạc, chưa tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Cán bộ, công chức phải truy cập nhiều địa chỉ khác nhau với tài khoản khác nhau để giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Các mô hình, giải pháp sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã và đang thực hiện hiệu quả trên Cổng Dịch vụ công của quận-phường phải ngưng sử dụng.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 đề xuất Thành phố kiến nghị các bộ, chuyên ngành cần triển khai đồng bộ trên một cổng duy nhất "Cổng dịch vụ công quốc gia đồng bộ với Cổng dịch vụ công TPHCM". Đồng thời, duy trì kết nối đồng bộ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia và trục LGSP của Thành phố, kịp thời bổ sung kết nối dữ liệu khi các bộ, ngành triển khai hệ thống thông tin mới nhằm tạo điều kiện cho Quận 1 và 10 phường đồng bộ dữ liệu vào hệ thống chuyên ngành.

Song song đó, tiếp tục ứng dụng các mô hình, giải pháp sáng tạo trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã và đang thực hiện hiệu quả trên Cổng Dịch vụ công của quận – phường, qua đó nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, giảm thao tác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tương lai.

Anh Thơ

Top