Cần thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm thực sự đối với các nhân viên y tế

05/08/2022 3:47 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh điều này tại buổi gặp gỡ các cán bộ, nhân viên ngành y tế Thành phố sáng 5/8.

Cần thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm thực sự đối với các nhân viên y tế - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi làm việc - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, hiện ngành y tế Thành phố đang phải đối mặt với 4 nguy cơ: Dịch chồng dịch; thiếu thuốc, vật tư y tế; nhân viên y tế nghỉ việc có xu hướng tăng và xuất hiện tâm trạng lo lắng trong một bộ phận nhân viên y tế.

Số liệu cho thấy, tổng số nhân viên y tế nghỉ việc 8 tháng đầu năm là 891 người. Tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021, nhưng cũng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng là nhân viên mới, cần có thời gian để thực hành, tập sự.

Cần thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm thực sự đối với các nhân viên y tế - Ảnh 2.

Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng đưa ra 6 kiến nghị với Bí thư Thành ủy. Trong đó, có vấn đề xin thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành y tế, trước hết là chức danh Giám đốc Bệnh viện Mắt.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng; củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Người đứng đầu ngành y tế Thành phố cũng kiến nghị lãnh đạo TPHCM không giảm số biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ của các đơn vị để cấp kinh phí hoạt động phù hợp; có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên về việc trích lập nguồn cải cách tiền lương nhằm đảm bảo thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế.

Cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ nhân viên y tế

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Huỳnh Lộc, Viện trưởng Viện Y học dân tộc TPHCM chia sẻ về nguyên nhân việc nhân viên y tế nghỉ việc có xu hướng tăng. Theo bác sĩ Lộc, hiện nay ông cảm nhận được trong lòng đội ngũ cán bộ y tế có một sự "tủi thân" với nghề. Trong đại dịch, các bác sĩ đã cống hiến hết mình, không có thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có những bác sĩ chăm sóc F0 nhưng khi người thân của mình mắc COVID-19 thì lại không thể làm gì được. Đại dịch qua đi, họ mới nhìn lại và nhận ra đã không có thời gian dành cho những người thân yêu của mình. Vậy nên một số người chọn giải pháp chuyển sang các bệnh viện tư nhân để có điều kiện quan tâm hơn đến gia đình. Từ đó, bác sĩ Lộc kiến nghị Thành phố có chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn đến tâm tư, tình cảm và điều kiện làm việc của các y, bác sĩ.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - một trong những bệnh viện sản phụ khoa lớn nhất Thành phố và của cả nước cho biết, ngành y tế muốn phát triển thì một trong những điều cơ bản là cơ sở vật chất và trang thiết bị. Trong những năm qua, TPHCM là một trong những địa phương có vốn kích cầu để giúp cho ngành y tế và giáo dục có thể đầu tư được cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn vay kích cầu của Thành phố gần như bị đóng băng do những thay đổi liên quan đến Luật Đầu tư công và một số dự án của ngành y tế cũng bị dừng. Từ đó, bác sĩ Tuyết kiến nghị Bí thư Thành ủy quan tâm chỉ đạo UBND Thành phố để chương trình vay vốn kích cầu có thể quay trở lại, giúp các bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Ngoài ra, bác sĩ Tuyết mong muốn Thành phố có những chính sách, cơ chế hỗ trợ cho nhân viên y tế, từ đó họ có thể yên tâm, cống hiến lâu dài cho ngành y tế. Phải làm thế nào để nhân viên y tế cảm thấy hãnh diện khi phục vụ ngành y tế Thành phố vì được làm việc trong môi trường đầy đủ phương tiện làm việc, có mức lương tương đối.

Cần thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm thực sự đối với các nhân viên y tế - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Còn bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 nêu vấn đề, y tế có 3 module rất quan trọng: Y học dự phòng, y học lâm sàng (bệnh viện) và y học phục hồi. Tuy nhiên, hiện Thành phố mới chỉ có một chút về y học lâm sàng (trang thiết bị, công nghệ, thuốc men) nhưng tổ chức như thế nào thì lại là bài toán đặt ra đối với Thành phố 10 triệu dân này.

Bác sĩ Sơn cho biết thêm, đề tài Cấp cứu ngoại viện đã được Bệnh viện 175 bảo vệ ở cấp quốc gia. Bộ Quốc phòng đã quyết đinh thành lập Trung tâm Cấp cứu đường bộ, đường không và đường thủy tại Bệnh viện Quân y 175. Thời gian vừa qua, Bệnh viện đã thực tập những chuyến bay cấp cứu. Trong tương lai, Bệnh viện Quân y 175 sẽ phối hợp với Sở Y tế và Trung tâm Cấp cứu 115 xây dựng hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại Thành phố.

"Tôi tin rằng đây là mô hình mới, hình ảnh mới của TPHCM trong công tác phục vụ sức khỏe người dân", bác sĩ Sơn cho hay.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng kiến nghị sớm thành lập trung tâm mua sắm thiết bị y tế Thành phố.

Ngoài ra, đa phần các ý kiến phát biểu của đại diện các trạm y tế phường, quận trên địa bàn đều nhấn mạnh đến việc tăng cường nhân viên y tế cơ sở và kiến nghị có thêm chế độ lương, thưởng cho các y, bác sĩ.

Cần thấu hiểu, sẻ chia, quan tâm thực sự đối với các nhân viên y tế - Ảnh 4.

Bí thư Thành ủy yêu cầu làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho các nhân viên y tế - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cám ơn những ý kiến, kiến nghị của các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Đó đều là những ý kiến chân thành, sâu sắc và trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy bày tỏ, đại dịch đã để lại cho chúng ta những sang chấn nặng nề về tinh thần, tâm lý, tình cảm. Chúng ta có được hôm nay sau khi đã phải chiến đấu và đương đầu với thử thách sinh tử, với những tình huống tưởng chừng như không vượt qua được. Và có những chiến sĩ áo trắng đã ngã xuống cho cuộc chiến chưa có tiền lệ này.

Còn hiện tại, ngành y tế tiếp tục đối diện với nhiều thách thức: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh; nguy cơ về đậu mùa khỉ, đòi hỏi ngành y phải tiếp tục chiến đấu, hy sinh và vượt qua.

Để nhân viên y tế yên tâm thực hiện sứ mệnh của mình, người đứng đầu Thành ủy đề nghị toàn hệ thống y tế cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, đó là tình cảm, sự chia sẻ, quan tâm, là điểm tựa cho các y, bác sĩ.

Điều quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Văn Nên, vẫn là tình cảm, môi trường làm việc cho nhân viên y tế để họ an tâm làm việc, cống hiến. Bên cạnh đó, cần có sự thấu cảm, tạo điều kiện cho họ. Lãnh đạo phải làm điểm tựa cho nhân viên. Đây là liều vaccine tinh thần bởi chỉ khi toàn ngành y tế đoàn kết thì mới đủ vững mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách.

Anh Thơ

Top