‘Cắt lỗ’ - nguyên tắc ‘sống còn’ của nhà đầu tư

05/01/2024 2:51 PM

(Chinhphu.vn) - Nhà đầu tư thành công phải biết cách bảo toàn nguồn vốn trước tiên. Giống như một chiến sĩ ra trận, giữ được sự an toàn tính mạng có yếu tố quyết định trong chiến thắng sau cùng. Đặc biệt, với các bạn Khởi nghiệp (Start up) hay các nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán cần học và thực hành nhuần nhuyễn nguyên tắc này.

‘Cắt lỗ’ - nguyên tắc ‘sống còn’ của nhà đầu tư- Ảnh 1.

Việc "cắt lỗ" sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ được nguồn vốn của mình và kiểm soát được rủi ro

Không có nhà đầu tư vĩ đại nào chưa từng thua lỗ

Cũng giống như cách huấn luyện trước khi tham gia đánh trận, đó là phải tập để giữ không cho kẻ địch tiêu diệt được mình. Nếu tính mạng không giữ được thì nói gì đến đánh trận tiếp theo. Trong đầu tư cũng vậy, nguyên tắc an toàn nguồn vốn, giảm thiểu thua lỗ là yếu tố làm nên thành công hay thất bại khi tham gia vào thị trường. Thương trường cũng như chiến trường, khốc liệt không thua kém gì nhau, chỉ có điều ở trong thương trường đối thủ, địch thủ không xuất hiện rõ ràng để người tham gia nhận biết.

Trong lịch sử, chưa có nhà đầu tư vĩ đại nào mà không từng thua lỗ. Vấn đề là họ học được cách giảm thiểu rủi ro gặp phải, cầm giữ lại thật nhiều những gì có thể giữ lại khi thất bại, sau đó rút kinh nghiệm và làm lại. Đây chính là công thức làm nên thành công của bất kì ai, ở bất kì lĩnh vực nào.

Khi chúng ta đầu tư, dù có 100 lần thắng nhỏ trước đó cũng có thể mất sạch trong một trận thua lớn. Tôi từng chứng kiến sự khốc liệt này trong những năm 2008 - 2011 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Bất động sản ảnh hưởng nhiều nhất, nhà đất, dự án làm ra không có người mua, lãi vay ngân hàng ngày một ngập đầu. Nhiều người phá sản, trắng tay, dù họ trước đó mua bán đất đai nhiều lần thắng, nhưng dồn hết vào một dự án lớn thì thua sạch khi tuổi đã lớn. Đau biết bao nhiêu!

Điều gì làm nên cơ sự như vậy

Con người có cố tật là thường say sưa trên men chiến thắng (cứ như trên cao tốc vắng xe, nên cứ thế đạp thẳng chân ga mà quên rằng xe còn có chân phanh). Ánh hào quang quá khứ làm chúng ta "kiêu hùng", không học bài học "cắt lỗ" khi phạm sai lầm. Tính cố chấp ấy "giết chết" cả một sự nghiệp lừng lẫy trước đó. Bên cạnh đó, cũng có một số thất bại do yếu tố khách quan khác như kinh tế toàn cầu đi xuống, lạm phát tăng khiến đồng tiền mất giá, dịch bệnh bùng phát, hay căng thẳng địa chính trị xảy ra xung đột khu vực...

Chúng ta thấy vấn đề này rõ ràng nhất trong đầu tư chứng khoán. Những ai tham gia đầu tư trên thị trường này sẽ dễ hình dung nhất về nguyên tắc này. Vì thị trường chứng khoán thường diễn biến rất nhanh, có khi giá cổ phiếu thay đổi hơn 10% trong vòng có vài phút. Tiền cứ thế mà bốc hơi.

Do vậy, các chuyên gia thường nói dù trái tim có nóng mấy thì cái đầu cũng phải lạnh nếu muốn đầu tư thành công. Phải gạt đi sự nối tiếc khi thua lỗ, phải bỏ qua mọi cảm xúc khác như xấu hổ, oán giận khi chọn sai cổ phiếu hay thậm chí cổ phiếu chọn căn bản tốt nhưng sai thời điểm nên cổ phiếu vẫn giảm. Khi đã giảm, muốn bảo vệ những đồng vốn cuối cùng thì chúng ta phải kiên quyết bán ra để "cắt lỗ". Giữ được vốn thì còn hy vọng cho các lần đầu tư sau đó.

Nhà đầu tư huyền thoại Warrant Buffett luôn nhắc tới nhắc lui triết lý làm nên tên tuổi lừng danh của ông: "Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Và nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1".

Lỗ bao nhiêu thì nên bán ra

Nếu đầu tư trên thị trường chứng khoán theo kiểu lướt sóng, đánh nhanh, ngắn hạn khi cổ phiếu giảm giá từ 7% đến 10% thì bán ra, "cắt lỗ" ngay. Còn đầu tư dài hạn hơn, nắm một cổ phiếu sau 2 năm vẫn không tăng, không chia cổ tức thì cũng bán ra, không nắm giữ nữa.

Trong đầu tư trực tiếp, ví dụ như mở nhà hàng, hay một công ty..., đừng để âm quá 50% vào vốn chủ sở hữu. Khi lỗ liên tiếp quá 6 tháng thì nên cấu trúc tinh gọn lại, hoặc bán bớt vốn cổ phần, hoặc sang nhượng. Hoặc dừng kinh doanh để chuyển hướng khác.

Kinh nghiệm cho thấy, việc theo dõi dòng tiền, nắm chắc lời lỗ để có phương án luôn luôn phải được ưu tiên hàng đầu. Đừng để cứ thiếu vốn là chạy đi vay mượn bù vào, đây là cái thòng lọng giết chết bất kì nhà đầu tư, kinh doanh nào. Muốn giữ vốn an toàn, khi vay hạn mức cũng phải an toàn. Không nên vay quá 60% trên tổng vốn đầu tư kinh doanh (thông thường hiện nay người vay hay sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, 70-90% vốn chủ sở hữu).

Để luôn giữ vững cán cân thanh toán, giảm thiểu rủi ro khi thị trường có bất trắc thì nên thường xuyên đánh giá lại các khoản vay của mình, nhất là các khoản vay ngắn hạn.

Tóm lại, đối với nhà đầu tư, còn tiền là còn hy vọng thành công. Hết tiền thì xem như dấu chấm hết. Tỉ lệ khi hết tiền, âm nợ sau đó xây dựng, làm lại mà có được thành công theo thống kê chiếm chưa đầy 5% trong thực tế. Do vậy, hãy biết "cắt lỗ" khi vượt ranh giới đỏ, ranh giới "sinh tử". Dù bạn là nhà đầu tư tầm cỡ, nhà đầu tư lâu năm thì cũng không được quên nguyên tắc này!

Nguyễn Anh Tài

Chuyên gia chính sách kinh tế - đầu tư

Top