Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo

28/07/2022 12:37 PM

(Chinhphu.vn) - Hội thảo xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sau nửa ngày làm việc, Hội thảo quốc gia với chủ đề "Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã kết thúc tốt đẹp. Hội thảo đã tập hợp, tuyển chọn được hơn 70 báo cáo tham luận, ý kiến có chất lượng, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc của hơn 200 đại biểu, từ các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia… Hội thảo cũng nhận được các tham luận từ các chuyên gia quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam.

KHCN, đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực của CNH, HĐH

Các tham luận, ý kiến từ Hội thảo cho thấy các đại biểu thống nhất rằng mô hình CNH, HĐH đất nước trong thời gian tới cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới, với mô hình mới. Theo đó, CNH, HĐH cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng, đồng thời khẳng định rõ CNH, HĐH cũng là sự nghiệp toàn dân. Cần bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình CNH, HĐH với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Cần thực hiện mô hình CNH, HĐH giai đoạn tới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.

Hội thảo cũng xác định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của CNH, HĐH, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình CNH, HĐH trong giai đoạn tới. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện CNH, HĐH.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu kết luận Hội thảo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Nâng cao năng lực cạnh tranh trong CNH, HĐH đất nước

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã nêu lên một số vấn đề cần thiết, quan trọng đặt ra trong tiến trình CNH, HĐH đất nước, đặc biệt về cách thức Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, tham gia và tận dụng tốt nhất những cơ hội, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, tăng tốc, phát triển nhanh nhưng bền vững, nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển…

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là những vấn đề rất lớn, có tính chất phức tạp, không chỉ là những vấn đề của riêng Việt Nam mà còn gắn với những tác động, ảnh hưởng có tính toàn cầu. Do đó, cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Theo ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Ngoài ra, chúng ta cần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước; chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, cần chú trọng và phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của quá trình CNH, HĐH đất nước; coi trọng và đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp mới có tính chiến lược theo từng giai đoạn; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội.

Các kết quả quan trọng của Hội thảo sẽ được Tổ Biên tập Đề án trân trọng tổng hợp, tiếp thu. Tổ Biên tập Đề án sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án với chất lượng cao nhất để có thể đảm bảo trình Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII vào tháng 10/2022 này.

Anh Thơ

Top