Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố

26/02/2022 4:55 PM

(Chinhphu.vn) - Thoạt tiên, mới tới TPHCM du khách có thể cảm nhận rõ ràng sự sôi động của Thành phố. Nhưng khoan, chậm lại một chút, để Thành phố kể bạn nghe, bên cạnh náo nhiệt kia, nơi đây bao hàm và ẩn tàng nhiều câu chuyện, giá trị lịch sử và văn hóa lắm đấy. Cuộc hẹn đầu tiên nên bắt đầu từ đâu nhỉ?

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 1.

Hẻm 74 Hai Bà Trưng ngày nay chính là nơi xây dựng nhà máy thuốc phiện của người Pháp. Nhà máy sản xuất thuốc thuốc phiện này được xây năm 1881, trên đường Paul Blanchy, trung tâm Sài Gòn.

Khi du lịch tới mỗi nước hay mỗi thành phố, nhiều du khách thường ưu tiên điểm đến số một là nhà hát để xem các vở kịch, nhạc kịch, xiếc… nổi tiếng tại địa phương. Từ đó có thể cảm nhận thêm về cái hồn của không gian mới. Chưa kể tới kiến trúc của các nhà hát thường có câu chuyện riêng, không ít phần thú vị.

TPHCM vào mùa này ít mưa, tới khoảng hơn 17h mỗi ngày là không khí trở nên mát mẻ hơn. Nếu bạn đã đặt vé tại Nhà hát Thành phố tối nay, để xem một vở xiếc tre chẳng hạn. Hãy thử lui tới một địa danh lịch sử khác ở ngay gần để dùng bữa trước buổi biểu diễn.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 2.

Công xưởng là nơi quan trọng nhất của nhà máy. Thuốc phiện chế biến xong được đóng thành từng gói 5, 10, 15, 20, 40 hoặc 100 gram.

Hẻm Hoa Anh Túc

Được biết, thuốc phiện vào khoảng thế kỷ 19 rất phổ biến tại Đông Dương. Với mong muốn tăng nguồn thu từ Đông Dương, Pháp đã đẩy mạnh sản xuất thuốc phiện. Vào năm 1902 có tới hơn 100 tấn thuốc phiện được sản xuất và bán ra tại Đông Dương và đem lại lợi nhuận khổng lồ, chiếm tới 25% ngân sách của Pháp tại đây.

Các nhà máy thuốc phiện cũng từ đó ra đời. Tọa lạc ngay trung tâm Quận 1, hẻm 74 Hai Bà Trưng (hay còn gọi là hẻm Hoa Anh Túc) từng một thời nổi danh có nhà máy thuốc phiện lớn, bánh thuốc phiện sản xuất mỗi ngày được xếp chồng chồng lớp lớp.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 3.

Hẻm 74 Hai Bà Trưng ngày nay, vẫn còn dấu tích chiếc cổng cũ - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 4.

Chiếc công đã nhuốm màu, dấu tích thời gian nhưng vẫn giữ được nét đẹp đặc trưng, hoa văn hình hoa anh túc vẫn nguyên vẹn - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 5.

Phần hông của nhà máy thuốc phiện cũ - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Kiến trúc nhà máy khá thoáng, có những cánh cổng cong vòm đặc trưng kiểu Pháp. Công trình từng chia thành các không gian như: Công xưởng, nhà kho, phòng đóng gói, phòng thí nghiệm hóa học, bốt bảo vệ… Tuy được xây dựng từ năm 1881 nhưng hiện tại công trình vẫn còn kiên cố và tiếp tục được khai thác, sử dụng với mục đích kinh doanh nhà hàng.

Tại đây các nhà hàng có đủ món Âu - Á để phục vụ thực khách. Khoảng sân phía trước khá rộng được tận dụng để giữ xe. Bữa tối cho một người dao động từ khoảng 200.000-600.000 đồng. Ngoài tới dùng bữa, đây cũng là một địa điểm "check in" đẹp, nhất là vào buổi tối, dành cho du khách.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 6.

Bước qua cổng, hẻm mở ra khá rộng rãi với nhiều nhà hàng khác nhau - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 7.

Nhà máy thuốc phiện cũ, nay là một cơ sở kinh doanh ăn uống. Buổi tối hẻm lên đèn nhìn lung linh đẹp mắt - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Vì vị trí hẻm Hoa Anh Túc ngay phía sau Nhà hát Thành phố nên chỉ cần dạo bộ khoảng 5 phút, du khách đã có thể có mặt để thưởng thức nghệ thuật.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 8.

Hình ảnh Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh năm 1905, sau 5 năm ngày khánh thành.

Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh

Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh hay được gọi ngắn lại là Nhà hát Thành phố được xây dựng năm 1898 tới 1/1/1900 thì khánh thành (xây trước Nhà hát lớn Hà Nội - 1911). Công trình được thiết kế bởi các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret theo lối kiến trúc "flamboyant" của thời Đệ tam cộng hòa Pháp.

Phần mặt tiền Nhà hát chịu ảnh hưởng của Petit Palais tại Pháp. Năm 1998, đúng dịp kỷ niệm 300 năm của Thành phố, nhà hát đã được tu bổ, giữ lại lối kiến trúc ban đầu.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 9.

Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Sau một thời gian giãn cách, Nhà hát Thành phố đã được mở lại, những suất diễn dần dà được phủ kín khán giả.

Một trong những tiết mục được diễn đều đặn nhất tại đây là xiếc tre, có các vở phổ biến như: À Ố Show, Teh Dar, Làng tôi… rất được lòng du khách.

Nếu Làng tôi mang tới cho người xem một cảm giác an bình của làng quê Bắc Bộ thì À Ố Show lại làm người tới thưởng lãm bất ngờ bởi sự tinh tế, náo nhiệt của phố thị.

Với Teh Dar, để dàn dựng, biểu diễn, từ đạo diễn tới diễn viên của đoàn đã cất công đi thực địa, sống và sinh hoạt cùng bà con ở Tây Nguyên. Họ được học hát, múa, sử dụng nhạc cụ của bà con. Thậm chí đất đỏ của Tây Nguyên cũng được khéo léo đưa vào vở diễn. Vì là xiếc tre nên hầu hết dụng cụ trình diễn đều bắt nguồn từ loại cây phổ biến này của Việt Nam.

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 10.

Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều người háo hức được quay lại với những buổi biểu diễn nghệ thuật - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Cuộc hẹn đầu tiên với TPHCM: Ăn tối trong hẻm Hoa Anh Túc, xem xiếc ở Nhà hát Thành phố - Ảnh 11.

Diễn viên xiếc giao lưu với khán giả sau buổi diễn. Nếu trước đây, khi chưa có dịch COVID-19 họ sẽ chụp ảnh cùng khán giả trên bậc thang thì nay họ buộc phải giữ khoảng cách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch - Ảnh: VGP/Thùy Dương

Vở Teh Dar, từng được báo Thanh Niên nhận xét: "Đến với Teh Dar, người xem có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy Tây Nguyên đang ở thật gần. Vở diễn toát lên nét quyến rũ, bí ẩn, hào sảng của vùng cao nguyên đất đỏ, tuy nhiên lại hàm chứa đầy đủ sự sang trọng cũng như tính nghệ thuật để biểu diễn trên những sân khấu lớn trong và ngoài nước".

Bước ra khỏi nhà hát thời gian chưa phải là quá khuya, mới khoảng hơn 21h. 

Một buổi tối, một cuộc hẹn đầu có lịch sử, nghệ thuật và dư vị món ngon khép lại, hành trình mới sẽ tiếp tục vào hôm sau khách nhỉ.

Thùy Dương

Top