Đề xuất sử dụng Cổng 1022 là tổng đài thống nhất tiếp nhận phản ánh của người dân
(Chinhphu.vn) - Về lâu dài, Sở TT&TT sẽ kiến nghị lãnh đạo Thành phố sử dụng Cổng 1022 thành một tổng đài thống nhất để xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT Thành phố cho biết điều này tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác CCHC năm 2021 của Thành phố.
Dự Hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ); ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).
Theo người đứng đầu ngành TT&TT Thành phố, liên quan đến Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố, Sở TT&TT dự kiến trong tháng 10/2022 sẽ hoàn thành và công bố tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Thành phố.
Cổng Dịch vụ công của Thành phố sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện, cụ thể là 403 dịch vụ công trực tuyến và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Thành phố, sẽ tiếp tục lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các quận, huyện, phường, xã để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
Như vậy, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của Thành phố, kể từ tháng 10, sẽ trở thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của toàn Thành phố và sẽ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ.
Để chuẩn bị cho công tác này, Sở TT&TT đề nghị các đơn vị chủ động đăng ký chữ ký số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ cho việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính trên hệ thống này khi đi vào triển khai.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết, về Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn Thành phố, gọi tắt là Cổng Thông tin 1022, qua 7 tháng đầu năm, Cổng 1022 tiếp tục được mở rộng, có sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý. Vào tháng 4/2022, Cổng 1022 đã phát triển thêm một nhánh, đó là hệ thống trực quan giám sát việc xử lý phản ánh và kiến nghị của người dân.
Đây là hệ thống giúp theo dõi theo thời gian thực, có bản đồ, biểu đồ nhiệt, biểu đồ thống kê, giúp cho lãnh đạo Thành phố có thể theo dõi được từng ngành, từng địa phương đến từng phường, xã và từng phản ánh, kiến nghị của người dân.
Được sự chỉ đạo của UBND Thành phố, trong tháng 7/2022, Sở TT&TT đã phát triển thêm 2 tính năng: Tính năng chỉ đạo, điều hành trực tiếp trên hệ thống đối với từng lĩnh vực, từng địa phương, hoặc từng kiến nghị của người dân, dành cho lãnh đạo cấp trên đối với cấp dưới và hệ thống nhắn tin tự động vào chiều thứ Sáu hằng tuần để báo với lãnh đạo Thành phố hoặc lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành rằng trong tuần vừa qua, có bao nhiêu kiến nghị của người dân được gửi đến, việc xử lý như thế nào, việc chậm trễ như thế nào.
Trong thời gian tới, Sở sẽ bổ sung tính năng hỗ trợ xác định vị trí cuộc gọi và hệ thống giải đáp thông tin tự động cho người dân Thành phố qua Cổng 1022.
"Cổng 1022 ngày càng được người dân tín nhiệm. Trước năm 2021, mỗi năm có 10.000 đến 20.000 cuộc gọi thì trong năm 202,1 số lượng cuộc gọi đến là hơn 2 triệu cuộc", ông Thắng cho biết.
Về lâu dài, Sở TT&TT sẽ kiến nghị lãnh đạo Thành phố sử dụng Cổng 1022 thành một tổng đài thống nhất để xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.
Ngoài ra, về triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân, Sở đang nghiên cứu các giải pháp để triển khai ứng dụng này và dự kiến trong năm 2022 sẽ đi vào vận hành, trước mắt tập trung vào nhóm tính năng để phục vụ người dân.
Nhiều chỉ số CCHC giảm sút
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết, theo công bố của Bộ Nội vụ, kết quả Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2021 của Thành phố đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020.
Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của Thành phố đạt 86,69% (Năm 2020, Thành phố đạt 83,74%), nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp (từ 83% đến dưới 87%).
Cụ thể, lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành bị trừ 0,0633 điểm do hoàn thành muộn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao so với yêu cầu.
Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính bị trừ 0,3334 điểm do chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công Thành phố...
Lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính bị trừ 0,5845 điểm; lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bị trừ 0,25 điểm; lĩnh vực cải cách tài chính công bị trừ 0,6387 điểm; lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính bị trừ 1,23 điểm; lĩnh vực tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố bị trừ 02 điểm/06 điểm gồm.
Về kết quả tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (SIPAS), Thành phố đạt 8,6559/10 điểm (bị trừ 1,3441 điểm). Nội dung này do Bộ Nội vụ và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp khảo sát lấy ý kiến khảo sát người dân, tổ chức, cho thấy người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan nhà nước của Thành phố.
Kết quả Điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát, Thành phố đạt 16/23,5 điểm (bị trừ 7,5 điểm).
Về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2021, Báo cáo PAPI năm 2021 tiếp tục không xếp hạng mà chỉ phân loại các tỉnh, thành theo các nhóm. Thành phố nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, tổng điểm 08 chỉ số nội dung của Thành phố năm 2021 là 40,677 (năm 2020 là 41,99).
Tất cả 8 chỉ số nội dung của kết quả Chỉ số PAPI năm 2021 đều không đạt so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 2844/QĐ-UBND UBND Thành phố về ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Nhân cho hay, người dân ghi nhận sự cải thiện về cơ sở hạ tầng cơ bản, an ninh - trật tự ở địa phương do việc tăng đầu tư công cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ bản là cách tiếp cận được nhiều chính quyền địa phương áp dụng trong giai đoạn dịch bệnh.
Việc nâng cấp, cung ứng dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh ở phường, xã, quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Tuy nhiên, mức độ hài lòng về việc sử dụng, trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến của người dân lại giảm sút.
Tương tự, công tác xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, đơn thư liên quan đến các chính sách hỗ trợ và việc làm cũng chưa kịp thời, thỏa đáng, việc giải trình với người dân chưa thực sự hiệu quả, thực chất. Bên cạnh đó, mức độ công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất tại quận, huyện, thành phố Thủ Đức và bảng giá đất của Thành phố cũng chưa cao.
Anh Thơ