Đề xuất thành lập các ban chuyên môn để phòng, chống sốt xuất huyết
(Chinhphu.vn) - Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM nêu đề xuất trên tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống sốt xuất huyết chiều 13/6 tại TPHCM. Hội nghị do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Pasteur tổ chức.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát phòng chống dịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng tại khu vực miền Nam.
Theo thống kê từ các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 74,9%, tử vong tăng 24 trường hợp. Trong đó, khu vực miền Nam chiến hơn 80% số ca mắc và 100% số ca tử vong trên toàn quốc.
Hiện cả nước đang bước vào những tháng cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, do diễn biến thời tiết vào mùa mưa là điều kiện hết sức thuận lợi cho muỗi phát triển, trong khi đó nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy/loăng còn chưa cao, tình trạng di biến động dân, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng; có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng; thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp của người dân... là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh sốt xuất huyết lan rộng
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã liên tục theo dõi tình hình dịch và ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur, sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh để nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, điều trị, truyền thông phòng chống dịch ngay từ đầu mùa dịch.
Cần có những biện pháp can thiệp hiệu quả
Tại Hội nghị, thông báo về tình hình dịch SXH tại khu vực phía nam, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính đến tuần thứ 23 của năm 2022, khu vực phía nam có 39.317 ca mắc SXH, trong đó có 1.193 ca nặng, 36 ca tử vong (chiếm 3% tổng số ca mắc). Con số này tăng so với những năm trước. Cụ thể, cùng kỳ năm 2021, phía nam ghi nhận 22.893 ca mắc SXH, còn trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 (cùng kỳ đến tuần 23), ghi nhận 26.395 ca mắc SXH.
TPHCM vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc, ca nặng và ca tử vong cao nhất, với lần lượt 12.624, 232 và 8 trường hợp; tiếp đến là các tỉnh An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An…
Ông Lương Chấn Quang nhân định, dịch SXH có xu hướng tăng nhanh và dự báo số ca tử vong sẽ còn tiếp tục nếu không triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả.
Từ đó, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để phòng, chống SXH.
Về hệ thống tổ chức, theo ông Quang, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ra văn bản chỉ đạo về tăng cường phòng, chống SXH và ở các cấp tuyến huyện, xã cũng làm tương tự như vậy.
Ngoài ra, cần tháo gỡ vướng mắc về mức chi cho phòng, chống dịch, từ đó mới có thể phê duyệt, ban hành phòng, chống SXH theo kế hoạch năm và có thể mua sắm, cung ứng trang thiết bị, thuốc men, hóa chất diệt côn trùng…
Một vấn đề rất quan trọng, theo ông Quang, đó là cần lập các đoàn kiểm tra, giám sát. "Vừa rồi, chúng tôi thấy các tỉnh bắt đầu có các đoàn kiểm tra, giám sát nhưng chỉ ở những điểm nóng thôi… Còn tuyến huyện chưa có các đoàn kiểm tra, giám sát", ông Quang cho biết.
Về nhân sự và tập huấn, cần thành lập các tổ, nhóm kỹ thuật trong bệnh viện với các chức năng trong nội viện là để hội chẩn, hỗ trợ cho các bác sĩ mới. Các bệnh viện tuyến trên cần hỗ trợ, chỉ đạo cho các bệnh viện tuyến dưới để có thể chuyển viện an toàn cho bệnh nhân.
Về huấn luyện cho bác sĩ mới, cần thực hiện việc này rộng hơn, nhiều hơn và kỹ hơn. Ngoài ra, huy động lực lượng cộng tác viên để hỗ trợ diệt loăng quăng, phun hóa chất…
Về giải pháp kỹ thuật, cần tuân thủ những quy trình đã có của Bộ Y tế, các quy trình của các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến về mặt điều trị...
Riêng đối với khu vực phía nam, đại diện Viện Pasteur đề xuất với Bộ Y tế cho phép thành lập các ban chuyên môn phòng chống SXH phía nam, dựa trên nền tảng ban quản lý các dự án phòng, chống SXH trước đây.
Ngoài ra, đề nghị Bộ Y tế phê duyệt sớm kinh phí phòng, chống dịch SXH cho Viện Pasteur để có cơ sở tổ chức các hoạt động cũng như mua sắm trang thiết bị…; đề xuất Bộ Y tế cấp kinh phí cho các bệnh viện tuyến cuối để các bệnh viện này có thể triển khai thực hiện chỉ đạo tuyến (khu vực miền Nam và chi viện miền Trung, Tây Nguyên)…
Anh Thơ