Đề xuất UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là di sản văn hóa

04/01/2023 4:42 PM

(Chinhphu.vn) - Ý nghĩa sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.

Đề xuất UNESCO công nhận sự giác ngộ của Đức Phật là di sản văn hóa - Ảnh 1.

Đại lễ Phật Thành Đạo tại Thiền Tôn Phật Quang - núi Dinh, Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu

Thượng tọa Thích Chân Quang, Giảng sư Phật học, Tiến sĩ luật học, Viện chủ Thiền tôn Phật Quang cho biết, sự kiện Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội cây Bồ Đề sau 49 ngày đêm Thiền định là một sự kiện vô cùng trọng đại, thiêng liêng đối với toàn thể nhân loại và tất cả chúng sinh. Bởi từ đó, ánh sáng Giác ngộ của Đức Phật đã mở ra một con đường chân lý, rạng ngời từ bi và trí tuệ cho thế giới.

Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, từ ngàn xưa, con người đã luôn khát khao cháy bỏng có được những niềm vui hạnh phúc trong cuộc đời. Thế nhưng, cuộc sống vốn vô thường biến đổi không thể lường trước và ẩn chứa nhiều nỗi khổ đau. Con người cứ càng loay hoay tìm cách "tránh khổ tìm vui", đuổi theo những hạnh phúc tạm bợ như tiền tài, danh vọng, quyền lực thì lại càng vướng vào đau khổ và làm khổ lẫn nhau thêm. Rồi đến cuối cùng, cũng không một ai có thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Đó là nỗi khổ đau cay đắng của dòng luân hồi dài bất tận.

Vì thương tưởng chúng sinh chìm trong đau khổ như thế, Đức Phật đã cất bước đi tìm con đường thoát khổ cho muôn loài… Và sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đắc thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chấm dứt hoàn toàn đau khổ, là một Bậc Giác Ngộ với trí tuệ siêu việt thấu suốt mọi điều trong vũ trụ và lòng từ bi bao la phủ trùm tất cả muôn vạn loài.

Mở rộng ra, nếu ai cũng biết học tập theo lời dạy của Đức Phật, ai cũng biết hướng về ý nghĩa của lễ Thành Đạo thì thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Con người sẽ vừa đạo đức vừa trí tuệ hơn và nhân loại sẽ cùng nhau xây dựng một tinh cầu tương lai đầy tiến bộ, văn minh, thịnh vượng, hòa bình, và giác ngộ.

Tại Đại lễ Phật Thành Đạo vừa diễn ra tại Thiền Tôn Phật Quang - núi Dinh, Tân Hải, Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu, trong bài pháp thoại, Thượng toạ Thích Chân Quang bày tỏ mong muốn Phật giáo Việt Nam đề xuất lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận ý nghĩa sự giác ngộ của Đức Phật là một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá của nhân loại.

Thiền Tôn Phật Quang tọa lạc tại thung lũng núi Dinh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 2018, Thiền Tôn Phật Quang vinh dự đón nhận quyết định trao bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam với danh hiệu: "Chùa Phật Quang: Khu Di tích có giá trị Lịch sử - Văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam".

Ngọc Tấn

Top