Doanh nghiệp FDI lạc quan về triển vọng phát triển năm 2022

07/02/2022 4:01 PM

(Chinhphu.vn) - Nỗ lực kiểm soát dịch của chính quyền TPHCM đến thời điểm này có thể khẳng định đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn giữ ổn định tình hình sản xuất, không đứt gãy lực lượng lao động và phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm 2021. Điều này đã củng cố niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh và lạc quan vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022.

Doanh nghiệp FDI lạc quan về triển vọng phát triển trong năm 2022 - Ảnh 1.

Sản xuất tại công ty TNHH Worldon Việt Nam, Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi.

Ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công ty TNHH Worldon Việt Nam đóng tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi tổ chức bữa cơm tất niên cho gần 13.000 công nhân. Năm vừa qua, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty Worldon Việt Nam vẫn bảo đảm chế độ thưởng tết như thông lệ hằng năm. Năm nay, ngoài hơn 100 công nhân đón Tết trong khu lưu trú, khoảng 95% công nhân trở lại làm việc trong ngày khai Xuân, 7/2/2022.

Đây là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm dệt kim hoàn chỉnh, từ công đoạn ban đầu gồm sợi, dệt vải, in hoa... đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Nike, Adidas, Puma, Uniqlo...

"Mọi năm, tỉ lệ lao động trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rất cao. Năm nay do ảnh hưởng COVID-19 nên chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho tình huống lao động trở lại sau Tết sẽ giảm nhưng thật bất ngờ là hầu hết người lao động quay lại làm việc sớm". Ông Zhou Gao Feng, Tổng giám đốc Công ty Worldon Việt Nam, tự tin khi doanh nghiệp không còn lo thiếu lao động, và kỳ vọng sẽ sớm phục hồi công suất sau kỳ nghỉ Tết.

Đến nay, Worldon Việt Nam đã lên kế hoạch để tuyển thêm công nhân phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất ngay trong quý I/2022. Trước đó, doanh nghiệp đã bàn giao một khu nhà xưởng mới cho Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM để tổ chức một khu thu dung F0 cho toàn Khu Công nghiệp Đông Nam. Các khu xưởng mới còn lại sẽ từng bước đưa vào hoạt động trong năm 2022, dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 8.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, trước mắt là khoảng 3.000 công nhân cho hai tháng sau Tết.

Ông Zhou Gao Feng rất phấn khởi khi gần 13.000 lao động của doanh nghiệp đã tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 từ giữa tháng 1/2022. "Kể từ thời điểm đó chúng tôi không phát sinh ca nhiễm mới trong nhà máy. Điều này thật tuyệt vời. Có thể nói tình hình kiểm soát dịch tại TPHCM và huyện Củ Chi đang tiến triển tốt. Đây là cơ sở để chúng tôi mở rộng sản xuất trong năm nay, theo kế hoạch chúng tôi sẽ nâng công suất lên 10 triệu sản phẩm mỗi tháng so với hiện tại là 7 triệu sản phẩm", ông Zhou chia sẻ.

Trong khi đó, trước câu hỏi về khả năng đáp ứng nhu cầu chip toàn cầu của nhà máy tại Việt Nam, đại diện Intel Việt Nam cho hay, khả năng thích ứng của nhà máy Intel Việt Nam trong đợt dịch thứ 4 vừa qua đã củng cố vai trò quan trọng của nhà máy trong Tập đoàn toàn cầu.

Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho rằng, giai đoạn vừa qua đi vào lịch sử 15 năm Intel  đặt nhà máy tại Việt Nam. "Một giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử của Intel Việt Nam, tuy có khó khăn nhưng chúng tôi đồng hành với chính quyền để đảm bảo duy trì sản xuất, ổn định việc làm. Người lao động của chúng tôi không bị ảnh hưởng đến thu nhập, thậm chí là tăng thêm thu nhập từ chính sách hỗ trợ ảnh hưởng COVID-19. Quan trọng nhất là người lao động yên tâm và cam kết tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của chính quyền và của nhà máy", bà Hồ Thị Thu Uyên chia sẻ.

Doanh nghiệp FDI lạc quan về triển vọng phát triển trong năm 2022 - Ảnh 2.

Intel Việt Nam giữ được an toàn, đảm bảo sản xuất trong suốt đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TPHCM.

Intel Việt Nam sản xuất chip bán dẫn, tức là dòng  sản phẩm thiết yếu. Bà Uyên cho biết, tình hình dịch COVID-19 như vừa qua ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ có "insight Intel" rất cao, như việc học online, làm việc online, các cơ sở y tế cũng rất cần những con chip có bộ vi xử lý của Intel. Do vậy sản phẩm từ nhà máy Intel Việt Nam rất cần thiết cho thị trường toàn cầu. "Intel Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và đóng vai trò chủ lực của Intel toàn cầu. Hiện nay sản phẩm của chúng tôi rất đa dạng, điều đó cho thấy năng lực của người lao động tại Việt Nam cũng như nhu cầu của sản phẩm này vẫn sẽ là cơ hội cho chúng tôi, tiếp tục duy trì và mở rộng trong tương lai", bà Uyên khẳng định.

Năm 2022 đánh dấu 15 năm Intel đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm chip tại Việt Nam. Đến nay, sản phẩm của Intel Việt Nam đã đạt giá trị gần 59 tỷ USD. Năm 2021, Intel Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ lực về xuất khẩu của Khu Công nghệ Cao TPHCM.

"Chúng tôi một lần nữa khẳng định với Tập đoàn Intel cũng như với Chính phủ Việt Nam và chính quyền TPHCM rằng, Intel là nhà đầu tư có cam kết lâu dài, một đối tác tin cậy và đồng hành với TPHCM trong thuận lợi cũng như khó khăn như dịch bệnh hiện nay. Hy vọng với sự hỗ trợ của Chính phủ thì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất, giúp cho nền kinh tế Thành phố và cả nước cũng như người lao động có thêm thu nhập, thêm việc làm", bà Hồ Thị Thu Uyên chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, với tốc độ tiêm phủ vaccine và chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam đã củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh ổn định, cho dù đại dịch tiếp tục hoành hành.

Củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng là quan điểm của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan khi trao đổi với lãnh đạo TPHCM trong buổi gặp mặt đầu năm 2022.

Ông Park cho rằng, chính sách chống dịch và phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, mang lại những hiệu quả tích cực. Rất nhiều khuyến nghị của cộng đồng nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đã được chính quyền TPHCM xem xét, thực hiện và thực hiện rất nghiêm túc. Đây là lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chọn TPHCM làm điểm đến để phát triển doanh nghiệp và dự báo trong thời gian tới đây, doanh nghiệp nước này sẽ tiếp tục tăng mạnh đầu tư vào TPHCM.

Để chuẩn  bị cho hoạt động kết nối đầu tư hiệu quả, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có kế hoạch tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư - thương mại - công nghệ tại TPHCM vào tháng 6/2022. Hiện đã có 50 doanh nghiệp Hàn Quốc đăng ký sang TPHCM tìm kiếm cơ hội giao thương.

Bên cạnh các chương trình kết nối cho các nhà đầu tư mới, ngay cả những doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư kinh doanh nhiều năm qua ở Việt Nam cũng có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư. Mới đây, Tập đoàn CJ cho biết đang có kế hoạch đầu tư dự án khu phức hợp công nghiệp văn hóa quy mô lớn tại quận Tân Phú.

Hiện các nhà đầu tư Hàn Quốc đang kiến nghị chính quyền TPHCM nối lại các đường bay và điều kiện nhập cảnh thuận lợi để chuyên gia và kỹ thuật viên Hàn Quốc sớm trở lại TPHCM làm việc.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan cho hay, tính đến hết năm 2021, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3/116 của TPHCM, với 1.937 dự án. Hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn Thành phố. Năm 2021, mặc dù TPHCM là tâm điểm của làn sóng dịch thứ tư nhưng hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn là điểm sáng của Thành phố với số vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,23 tỉ USD, tăng 38,48% so với năm 2020. Điều này cho thấy tiềm năng, môi trường, phản ánh sức thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Thành phố hiện nay.

Băng Tâm

Top