Doanh nghiệp tập trung sản xuất ngay trong ngày khai Xuân

08/02/2022 3:26 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đã khai Xuân sớm từ ngày mùng 6 Tết. Tín hiệu tích cực nhất trong ngày khai Xuân 2022 là tỉ lệ lao động trở lại làm việc cao chưa từng có.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất ngay trong ngày khai Xuân - Ảnh 1.

Cả ba thị trường lớn của dệt may Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang phục hồi - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, ông Kiều Huỳnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Việt Sơn đóng tại đây, cho biết đơn vị tập trung sản xuất ngay trong ngày khai xuân. Điều này là bởi từ trước Tết công ty đã nhận nhiều đơn hàng mới nên phải tập trung sản xuất sớm để đáp ứng cho khách hàng.

Công ty Cơ khí Việt Sơn đang sản xuất kết cấu nhà thép nhẹ và thi công 500 căn nhà cho tập đoàn Thaco ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Bên cạnh đó là các đơn hàng nhà lắp ghép nghỉ dưỡng ở các khu du lịch trong nước. "Điều quan trọng nhất là người lao động trở lại an toàn sau kỳ nghỉ tết, có nhiều năng lượng và tinh thần để bắt tay sản xuất khẩn trương ngay trong ngày khai Xuân. Ngay trong quý I/2022 chúng tôi phải đảm bảo 2 ngày xuất 1 container cho thị trường Campuchia", ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, công việc đang dồn lại sau thời gian giãn cách xã hội, do vậy không khí sản xuất như một lò xo nén, cần người lao động phối hợp tập trung để đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký.

"Chúng tôi đã khảo sát các doanh nghiệp trong Hội Cơ khí Điện TPHCM, đa phần cho biết, từ cuối năm 2021 đã đón nhận nhiều đơn hàng, đều dự đoán mức tăng trưởng tốt cho 2022. Bây giờ doanh nghiệp chỉ lo tập trung củng cố nội lực đáp ứng nhu cầu của thị trường", ông Sơn nói và cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp cơ khí tại TPHCM đặt ra mức tăng trưởng rất cao cho năm 2022, có đơn vị đặt mục tiêu tăng trưởng tới 50% so với năm 2021.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, lao động của doanh nghiệp trong ngành trở lại sản xuất cao chưa từng có. Tại các tỉnh sản xuất trọng điểm của ngành ở vùng Đông Nam bộ, doanh nghiệp đã khai Xuân ngay từ ngày mùng 6 Tết. "Chưa năm nào công nhân đi làm sớm và đông đủ như năm nay. Mọi năm cũng khai Xuân vào ngày mùng 6 nhưng công nhân chỉ đến nhà máy nhận lì xì là về nhưng năm nay các doanh nghiệp tập trung sản xuất ngay từ ngày ra quân", ông Lập cho biết.

Theo thông lệ của ngành gỗ thì từ tháng 10, tháng 11, doanh nghiệp trong ngành ký hợp đồng nguyên tắc cho cả năm sau. Khi bắt tay vào sản xuất, khách hàng thường đặt đơn theo từng tuần do vậy doanh nghiệp trở lại sản xuất rất khẩn trương và cần tập trung ngay từ ngày đầu năm. "Khí thế ra quân thực hiện các hợp đồng đã ký kết, tôi cho rằng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trong tầm tay kế hoạch của ngành từ 17,5-18 tỷ USD cho năm 2022", ông Lập chia sẻ.

Còn với dệt may, lĩnh vực thường đối diện nỗi lo thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ tết cũng đón nhận sự trở lại của trên 90% lao động. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết, hầu hết doanh nghiệp hội viên khai xuân trong ngày 8/2 để ổn định lao động. "Năm nay không có doanh nghiệp nào tổ chức phương tiện đón công nhân như các năm vì số lao động đăng ký về quê rất ít. Như vậy chúng tôi ổn định lao động ngay từ ngày ra quân đầu năm", ông Hồng cho hay.

Theo ông Xuân Hồng, có hai dấu hiệu tích cực nhất với ngành dệt may ở những ngày đầu Xuân Nhâm Dần. Thứ nhất là tín hiệu tích cực trong kiểm soát dịch bệnh tại TPHCM. Thành phố đã qua nhiều tuần giữ vùng xanh và tiếp tục duy trì số ca nhiễm COVID-19 nhập viện thấp và có xu hướng giảm. Điều này rất quan trọng với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. "Điều đó vui nhất, mang nhiều hy vọng nhất. Xã hội ổn định, dịch bệnh rồi sẽ qua đi. Công nhân của doanh nghiệp dệt may đều đã tiêm phủ mũi 3. Mức độ an toàn rất cao", ông Hồng lạc quan. Thứ hai là kế hoạch sản xuất, hợp tác của doanh nghiệp đã đủ đơn hàng quý 1/2022, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng cho cả quý 2/2022. "Kế hoạch sản xuất ổn định nghĩa là thị trường thế giới ổn định, phục hồi tốt", ông Hồng nói.

Cả ba thị trường lớn của dệt may Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang phục hồi. Năm 2022 ngành dệt may đặt hy vọng tăng trưởng mạnh ở thị trường châu Âu khi khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Trong khi các doanh nghiệp vốn tập trung cho thị trường Mỹ cũng có xu hướng mở rộng khách hàng châu Âu. Để thực hiện được mục tiêu này thì doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Băng Tâm

Top