Độc đáo ‘Tô chiết yêu’, choé trăm tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

12/05/2023 6:32 PM

(Chinhphu.vn) - Sau 2 năm chuẩn bị, triển lãm “Tiếng nói của đất” chính thức khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Nơi đây đang lưu giữ những hiện vật quý hiếm về gốm có niên đại cả trăm năm, trong đó không ít hiện vật do người dân gửi tặng.

Độc đáo ‘Tô chiết yêu’, choé trăm tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - Ảnh 1.

Cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề ‘Tiếng nói của đất’ - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Ngày 12/5, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ chính thức khai mạc trưng bày chuyên đề "Tiếng nói của đất" nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 46 năm ngày Quốc tế Bảo tàng.

Độc đáo sản phẩm từ gốm

"Tiếng nói của đất" nhằm giới thiệu đến công chúng về nghề làm gốm truyền thống của người Việt ở Bình Dương, làng gốm Phnôm Pi của đồng bào Khmer ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang và làng gốm truyền thống Bàu Trúc của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.

Đó là những nơi tạo ra sản phẩm và cũng là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác với những sản phẩm có bản sắc riêng, tiêu biểu và độc đáo như nồi, lu, hũ, khạp, đèn, tô, chén, muỗng, đĩa, khay trà, lư hương…, gắn liền với cuộc sống người dân và cũng là hàng hóa giao thương.

Độc đáo ‘Tô chiết yêu’, choé trăm tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - Ảnh 2.

Đông đảo người dân du khách tham quan trong ngày đầu khai mạc - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Tại đây, người dân không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm độc đáo làm từ gốm mà còn hiểu hơn về quá trình làm ra sản phẩm gốm, đặc biệt là những hiện vật có giá trị lịch sử như bình đựng nước gốm Lái Thiêu thế kỷ 20, tô chiết yêu được sản xuất những năm 1930-1940, lòng trong ghi 6 chữ "Lai ngọc thành/Phước đức tụng" do nhà sưu tập Lê Nhân Kiệt tặng bảo tàng hay thố đựng cơm của tiệm cơm "Chuyên Ký" đường Tôn Thất Đạm (Quận 1) - khai trương và hoạt động từ năm 1948 đến nay, thố được nhà sưu tập Đỗ Tam Quốc tặng lại bảo tàng.

Hiện vật mang giá trị lịch sử

Trao đổi cùng Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm chia sẻ mất hai năm để có được phòng trưng bày chuyên đề "Tiếng nói của đất" giới thiệu đến công chúng hôm nay. 

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ chỉ đi được ba địa phương: Tri Tôn (An Giang), Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Lái Thiêu (Bình Dương). Những thước phim cũng do cán bộ nhân viên Bảo tàng đi thực địa đến từng địa phương, gặp gỡ các nghệ nhân quay trực tiếp.

Độc đáo ‘Tô chiết yêu’, choé trăm tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ - Ảnh 3.

‘Tô chiết yêu’ do người dân tặng được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, có gần 200 hiện vật đang được trưng bày triển lãm tại đây, trong đó có những choé có tuổi đời lâu năm, có những sản phẩm gốm có giá trị niên đại lịch sử mà bảo tàng đưa ra để giới thiệu đến công chúng thưởng thức.

"Phòng trưng bày chuyên đề là sự pha trộn giữa hiện vật gốm bảo tàng sưu tầm từ lâu năm, có tuổi đời cả trăm năm và sản phẩm gốm do người dân tặng", bà Nguyễn Thị Thắm cho biết.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nhấn mạnh đơn vị không giới thiệu chuyên sâu lịch sử gốm như thế nào, mà muốn muốn giới thiệu ở những góc độ khác. "Chúng tôi muốn giới thiệu những làng nghề truyền thống trong đó có gốm và bàn tay người phụ nữ đã góp phần bảo tồn duy trì phát triển nghề gốm cho đến bây giờ. Chúng tôi muốn nêu cao vai trò của phụ nữ với làng nghề gốm truyền thống", bà Nguyễn Thị Thắm bày tỏ.

Huy Phạm

Top