Đổi mới sáng tạo khu vực công: Khó khăn lớn nhất là công chức thiếu tinh thần khởi tạo

05/04/2023 6:35 PM

(Chinhphu.vn) - Khu vực công ở Việt Nam chiếm 15% lực lượng lao động và 25% chi tiêu hàng năm của toàn xã hội. Quan trọng nhất, khu vực công kiến tạo “luật chơi” cho xã hội. Vì vậy, đổi mới sáng tạo trong khu vực công rất quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của xã hội.

Đổi mới sáng tạo khu vực công: Khó khăn lớn nhất là công chức thiếu tinh thần khởi tạo - Ảnh 1.

Thực tiễn luôn phát triển đòi hỏi khu vực công liên tục ĐMST theo kịp nhu cầu phát triển. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước có giới hạn, cả về tài chính và con người, cho nên phải tối ưu hóa để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM với Báo Điện tử Chính phủ khi nói về yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công trên địa bàn Thành phố.

Nhiệm vụ của đổi mới sáng tạo khu vực công

Theo TS. Nguyễn Việt Dũng, có nhiều cách hiểu về khái niệm đổi mới sáng tạo (ĐMST), nhưng về bản chất, ĐMST là tìm ý tưởng, giải pháp để giải quyết một vấn đề hiện hữu của cá nhân, tổ chức nhằm mang lại giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.

Cho nên, ĐMST phải xuất phát điểm là hiểu rõ vấn đề chúng ta đang muốn giải quyết, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo và hợp tác để tìm ra giải pháp.

Đổi mới sáng tạo có ba tiêu chí cơ bản. Thứ nhất là phải tạo ra cái mới hoặc ít nhất là có sự cải tiến đáng kể. Cái mới hay sự cải tiến, có thể là trên thế giới đã làm nhưng chúng ta chưa áp dụng, nay nghiên cứu để mình vận dụng vào trường hợp cụ thể và mang lại hiệu quả, thì vẫn được xem là ĐMST.

Thứ hai, cái mới so với cái hiện hữu nhưng phải triển khai trên thực tế, không phải ý tưởng nằm trên giấy. Điều này thúc đẩy chúng ta hành động, kết hợp nhiều bên tìm kiếm đối tác để hiện thực hóa ý tưởng. Và thứ ba là giải pháp, sáng kiến đó khi áp dụng phải có tính lan tỏa, tạo ra giá trị cho xã hội.

Đối với khu vực công, ĐMST là tìm giải pháp để giải quyết những vấn đề cụ thể trong nhiệm vụ của bộ máy chính quyền nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn hiện tại.

Cụ thể, phải xác định cần giải quyết vấn đề gì, chúng ta đang vướng mắc ở đâu, việc nào bất cập mà chưa tìm ra giải pháp? Ví dụ như Cục Thuế tìm giải pháp để chống thất thu thuế, thì phải chỉ ra cụ thể là chống thất thu thuế ở ngành nào, lĩnh vực nào, nhóm nào thường trốn thuế? Hay tình trạng quá tải ở các bệnh viện hiện nay trên địa bàn. Người dân đến từ 5h sáng, xếp hàng rồng rắn đợi đến trưa để khám bệnh. Vậy có cách nào để giải quyết vấn đề này không? Làm sao để người dân trong vòng 15 phút đến bệnh viện là tới lượt vào khám bệnh hay không?…

4 nhóm sản phẩm của khu vực công

Theo TS. Nguyễn Việt Dũng, sản phẩm của khu vực công trước hết là cung cấp dịch vụ công, vì vậy cần xác định sản phẩm của quá trình ĐMST trong khu vực công là gì, hay có thể ĐMST những gì ở lĩnh vực này?

Dịch vụ công trực tuyến là một sự cải tiến để người dân có thể làm thủ tục hành chính tại bất cứ đâu thay vì xếp hàng chờ đợi tại cơ quan chính quyền.

Vấn đề thứ hai cần liên tục đổi mới trong khu vực công là quy trình. Thủ tục hành chính là những quy định có sẵn, chúng ta có thể sáng tạo cách thực hiện, đổi mới quy trình để mang lại giá trị tốt hơn.

Thứ ba, đổi mới những quy định trong thẩm quyền của đơn vị khi không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của xã hội. Khu vực công ở khía cạnh này là các cấp trung ương, bộ, ngành…

Vấn đề thứ tư, có thể thực hiện ĐMST ở chính quyền cấp thành phố, quận, huyện là chính sách, như là chính sách hỗ trợ người nghèo, chính sách thúc đẩy ĐMST, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học…

Với 4 nhóm sản phẩm của khu vực công như vậy, việc xác định nhóm nào vướng, nhóm nào cần cải tiến sẽ rõ ràng hơn.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Với câu hỏi vì sao cần ĐMST khu vực công, TS. Nguyễn Việt Dũng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước sang mô hình dựa trên nền kinh tế tri thức hay là dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST… Đây cũng là xu hướng, là bước phát triển tất yếu trên thế giới. 

Các mô hình tăng trưởng trước đây chủ yếu dựa vào đất đai, tài nguyên, vốn, con người, lao động giá rẻ,… Nhưng các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, chỉ có trí tuệ con người là vô hạn, tức là ĐMST là vô hạn.

Như vậy, ĐMST trở thành động lực chính thúc đẩy mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Nhìn sang Israel, một quốc gia chủ yếu là sa mạc cằn cỗi nhưng bằng trí tuệ con người, họ đã phát triển một nền nông nghiệp hiện đại trên nền tảng sa mạc, trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Thực tế những gì chúng ta đang trải qua cho thấy thế giới ngày càng đối mặt với nhiều biến động, thách thức như dân số già, chiến tranh, dịch bệnh… Những vấn đề này thúc đẩy khu vực công phải liên tục ĐMST, tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp tốt hơn để giải quyết những vấn đề của xã hội.

Hiện khu vực công ở nước ta đang chiếm 15% lực lượng lao động toàn xã hội. Chi tiêu hàng năm dành cho khu vực công chiếm khoảng 25% chi tiêu toàn xã hội. Trong khi đó, khu vực công cung cấp dịch vụ công cho toàn xã hội, bao gồm các thủ tục hành chính, dịch vụ giáo dục, y tế, hạ tầng… Quan trọng nhất, khu vực công kiến tạo luật chơi cho xã hội, tức là ban hành pháp luật, chính sách cho các thành phần trong kinh tế thị trường phát triển.

Như vậy vai trò của khu vực công vô cùng quan trọng, đòi hỏi không ngừng ĐMST để giải quyết những vấn đề của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy xã hội phát triển.

Ngược lại, sự ĐMST trong khu vực công cũng thúc đẩy xã hội thích ứng theo. Ví như, khi các dịch vụ công được chuyển lên trực tuyến cấp độ 3-4 thì người dân, doanh nghiệp cũng phải tự động chuẩn bị các điều kiện để thích ứng với các giao dịch phi truyền thống như vậy, qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Việt Dũng, khó khăn lớn nhất là đội ngũ công chức hầu như thiếu tinh thần khởi tạo, nghĩa là tinh thần luôn luôn tìm cái mới, giải pháp mới để công việc thường ngày có hiệu quả hơn.

Trong các cơ quan, tổ chức thì thường thiếu chiến lược ĐMST, nói nôm na thì đó là kế hoạch ĐMST. Không tự đặt ra những câu hỏi, như: Vấn đề mình cần cải tiến là gì? Ai thực hiện? Bên nào phối hợp? Ai theo dõi, giám sát? Kinh phí như thế nào?…

"Tôi rất mong các quận, huyện, sở, ngành triển khai được một mô hình Inno Coffee. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, chúng ta ngồi lại, đưa bài toán mình cần giải trước cộng đồng ĐMST thật cụ thể, rõ ràng. Chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Một đơn vị, một địa phương làm được sẽ trở thành mô hình lan tỏa cho các nơi khác, đấy cũng là ĐMST thiết thực trong khu vực công hiện nay", TS. Nguyễn Việt Dũng kỳ vọng.

UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022 – 2025.

Thành phố xác định đây là động lực chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho người dân, thông qua việc ứng dụng KH&CN, ĐMST, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền.

Thành phố sẽ triển khai xây dựng các bài toán lớn về hoạt động ĐMST trong khu vực công cho một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, ĐMST phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ở lĩnh vực thuế, nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ trong quản lý thuế của TPHCM. Đối với lĩnh vực giáo dục, sẽ xây dựng kế hoạch triển khai chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố...

Ngoài ra, Kế hoạch còn đề cập việc xây dựng bài toán lớn phát triển mô hình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; Xây dựng nền tảng số hỗ trợ tác nghiệp cho các cán bộ quận, huyện và TP Thủ Đức.

Kế hoạch cũng ban hành một số nhiệm vụ cần triển khai như hình thành và phát triển hệ sinh thái ĐMST trong khu vực công, là nơi kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp; Phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung cho các sở ban ngành và các cơ sở dữ liệu mở cho cộng đồng để hỗ trợ cho hoạt động ĐMST trong khu vực công; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế về ĐMST trong khu vực công;…

Băng Tâm

Top