Đừng coi thường bệnh về huyết áp

18/12/2022 2:21 PM

(Chinhphu.vn) - Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỉ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên trong nhiều khu vực đã lên tới khoảng 25-47% và đặc biệt bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hoá.

Sát thủ thầm lặng

Tăng huyết áp được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng", căn bệnh này có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào khiến ta phải "dừng lại để ý". Đặc biệt, đối với người trẻ tuổi, rất nhiều trường hợp phát hiện qua những lần thăm khám sức khỏe tình cờ.

TS.BS. Trương Nguyễn Hoài Linh, Khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị cao huyết áp. Điển hình trường hợp của bệnh nhân N.G.N (nam, 20 tuổi, ngụ TPHCM) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp đo được 180/100. Trong khi đó, nếu ở độ tuổi 20 huyết áp khoảng 110/70.

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân thường xuyên thức khuya, ăn uống không điều độ. Thêm vào đó, áp lực bài vở vào kỳ thi gây căng thẳng, stress khiến tăng tiết hoc-mon adrenalin dẫn đến nhịp tim đập nhanh hơn. Sau thăm khám, bệnh nhân được xét nghiệm thêm để tìm kiếm các bệnh lý nội khoa.

"Bệnh nhân đã được loại trừ các bệnh lý nội khoa. Kết quả, bệnh nhân không có các bệnh lý kèm theo gây tăng huyết áp. Bên cạnh đó, gia đình không có tiền sử bệnh. Vì vậy, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc huyết áp cùng với thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để cải thiện bệnh", bác sĩ Linh chia sẻ.

Đừng coi thường bệnh về huyết áp - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị huyết áp tại Bệnh viện Quân y 175 - Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phúc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Quân y 175 (TPHCM) cho biết thêm tăng huyết áp hay gọi là tăng xông máu, xảy ra khi áp lực máu tác động lên thành mạch máu quá cao trong thời gian dài. "Chúng ta có thể vẫn cảm thấy "bình thường", không có bất kì triệu chứng gì, tuy nhiên, đúng như tên gọi "kẻ giết người thầm lặng", nó vẫn có thể ảnh hưởng một cách âm thầm lên hệ mạch máu và các hệ cơ quan khác, đặc biệt ở những bộ phận sống còn của chúng ta như não, tim, thận, mắt…", bác sĩ Phúc lưu ý.

Theo bác sĩ Phúc, hơn 90% trường hợp là tăng huyết áp vô căn - chưa rõ nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Nhận biết nguyên nhân này qua 1 số yếu tố nguy cơ như tiền căn gia đình, tuổi cao, ăn mặn, bệnh nền như đái tháo đường, béo phì… 10% còn lại gọi là tăng huyết áp thứ phát, do ta bị 1 số bệnh lý hoặc dùng thuốc nào đó gây nên như: bệnh lý thận-tuyến giáp-u tuyến nội tiết, tác dụng phụ của thuốc, ma tuý, nghiện rượu,…

"Tăng huyết áp diễn tiến âm thầm có thể trong 1 vài năm hoặc hơn. Khi có triệu chứng rầm rộ, có thể đã có tổn thương các cơ quan. Bình thường mạch máu của chúng ta luôn trơn tru và đàn hồi, dòng máu có thể lưu thông dễ dàng để nuôi dưỡng các cơ quan; nhưng khi có tăng huyết áp, nó sẽ ngày càng trở nên kém đàn hồi, cứng hơn, dễ tích tụ chất béo bám vào, lâu ngày gây tắc nghẽn mạch máu, ảnh hưởng nghiêm trọng lên tim gây nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp; lên não gây cơn thoáng  thiếu máu não, đột quỵ não… nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Phúc chia sẻ.

Có thể điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc cho rằng tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, cần điều trị suốt đời. Hiện có 2 phương pháp điều trị chính gồm điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc. "Điều trị không dùng thuốc là phương pháp đúng kiểu "ngon-bổ-rẻ" nhưng không kém phần quan trọng để kiểm soát huyết áp với bệnh nhân đã mắc phải, đồng thời cũng là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với những ai chưa mắc bệnh", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.

Bác sĩ Phúc lưu ý, để phòng ngừa bệnh cần có chế độ ăn uống khoa học gồm: Các loại rau củ quả, nước trái cây, ngũ cốc, cá nạc, ăn giảm muối… đều tốt cho hệ tim mạch nói chung và huyết áp nói riêng. Theo khuyến cáo AHA (Hiệp hội tim mạch Mỹ),  lượng muối bệnh nhân có thể ăn hàng ngày từ 1,5 đến 2,3 gam; nghĩa là chỉ nên dùng ¼ đến nửa muỗng cà phê muối mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực, thể thao vừa sức như đạp xe, đi bộ, bơi lội… Theo khuyến cáo của CDC (Cục phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ), trung bình cần 150 phút hoạt động thể lực mỗi tuần, tính ra mỗi người cũng chỉ cần chịu khó dành ra 30 phút mỗi ngày, tập 5 ngày trong tuần là đạt mục tiêu.

Ngoài ra, giảm cân không chỉ giúp thân hình cân đối, đẹp hơn mà còn giúp kiểm soát được huyết áp. Đặc biệt, còn có lợi cho những ai đang mắc phải bệnh khác đồng thời như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu và các bệnh lý tim mạch khác. Theo CDC Mỹ, cần giảm cân ít nhất 1 pound mỗi tuần, quy ra khoảng 0,5 kg cân nặng hàng tuần đến khi đạt cân nặng mục tiêu duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5-22,9 kg/m2; vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.

Theo bác sĩ Phúc, căng thẳng và sử dụng thuốc lá, rượu bia cũng là nguyên nhân gây nên bệnh về huyết áp. Bởi thuốc lá có thể làm mạch máu trở nên cứng hơn, không còn mềm dẻo như trước, dẫn đến áp huyết càng cao hơn, trong khi đó,  rượu thì làm co thắt mạch máu nhiều hơn, cũng sẽ dẫn đến hậu quả tương tự. "Một điều không kém phần quan trọng là người bệnh cần theo dõi, ghi chép chỉ số huyết áp hàng ngày để mỗi khi tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá được chúng ta đã đạt mục tiêu điều trị hay chưa", bác sĩ Phúc lưu ý.

Riêng đối với điều trị dùng thuốc, bác sĩ Phúc cho rằng khi mức huyết áp quá ngưỡng cần phải dùng thuốc hàng ngày. Do đó, cần tuân thủ việc uống thuốc để đạt mục tiêu, không tự ý bỏ thuốc, chỉnh thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", số người không may mắc phải đã không ngừng gia tăng trong những năm vừa qua. Năm 1975, thế giới có gần 600 triệu người bị tăng huyết áp, nhưng đến năm 2015, số người bị tăng huyết áp đã lên hơn 1,1 tỷ người, chiếm 15% dân số thế giới.

Ngọc Tấn

Top