Hoạt động kinh tế Đảng: Không đầu tư chứng khoán, ngân hàng, BĐS

27/04/2022 6:18 PM

(Chinhphu.vn) - Hội nghị thống nhất trong hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ Thành phố, không đầu tư trên các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản trừ các hoạt động đầu tư, khai thác, cho thuê tài sản, nhà đất thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố như kế hoạch trong Đề án đề ra.

Hoạt động kinh tế Đảng: Không đầu tư chứng khoán, ngân hàng, BĐS - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 27/4, Hội nghị Ban Chấp hàng Đảng bộ TPHCM lần thứ 13 khóa XI đã bế mạc sau khi hoàn thành các chương trình, kế hoạch đề ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, về đề án sắp xếp, tổ chức, cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Đảng của Đảng bộ Thành phố giai đoạn 2022-2025, định hướng năm 2030, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất cao sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế Đảng nhằm tạo nguồn thu hợp pháp, đúng quy định của pháp luật để bổ sung ngân sách Đảng bộ Thành phố, vừa đáp ứng yêu cầu chi hoạt động đặc thù vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành ủy và các tổ chức Đảng trực thuộc.

Ngoài ra, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định, quy chế của Đảng bộ Thành phố, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước, không để xảy ra lãng phí, vi phạm, tiêu cực trong quá trình tổ chức, quản lý và thực hiện.

Người đứng đầu Thành ủy TPHCM cũng nhấn mạnh, Hội nghị thống nhất cơ cấu lại và đổi mới hoạt động kinh tế Đảng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung đầu tư trên các lĩnh vực có rủi ro thấp, nguồn thu ổn định; bảo đảm, bảo toàn và phát triển vốn của Đảng bộ Thành phố; không đầu tư trên các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản trừ các hoạt động đầu tư, khai thác, cho thuê tài sản, nhà đất thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố như kế hoạch trong Đề án đề ra.

Hội nghị thống nhất đổi mới, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp kinh tế Đảng và phần vốn đầu tư của Đảng bộ Thành phố tại doanh nghiệp, trong đó tạo đột phá về tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp để quản lý ngày càng hiệu quả, tránh rủi ro, va vấp mà Thành phố đã từng có những bài học kinh nghiệm rất lớn trong thời gian qua. 

Nhiều thách thức kinh tế-xã hội

Về kinh tế-xã hội của TPHCM quý I và 4 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm quý II năm 2022, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Hội nghị thống nhất nhận định bước sang quý II và thời gian còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội TPHCM đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng không được chủ quan, lơ là mà luôn phải chuẩn bị những diễn biến phức tạp, khó lường có thể xảy ra.

Trong khi đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Thành phố đã và đang đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả song vẫn còn độ trễ nhất định, thị trường lao động chậm phục hồi, nguy cơ lạm phát có biểu hiện gia tăng; nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực đất đai, chưa được khai thác có hiệu quả. Một số vấn đề tồn đọng đã được xử lý nhưng vẫn còn không ít vụ việc chưa hoặc xử lý chậm. Bên cạnh những chỉ số đạt được rất tích cực vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt được, thậm chí vẫn còn giảm sâu như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu, dịch vụ, tiêu dùng giảm 4,8%; tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 31,69%; giải ngân vốn đầu tư công rất chậm; chi đầu tư phát triển chiếm tỉ lệ thấp và giảm mạnh… Việc triển khai lại quy hoạch TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung cho TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 chưa đạt tiến độ đề ra. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý thực hiện quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế.

Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khách quan, chủ quan và những hạn chế tồn tại, Hội nghị đã thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đề xuất, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển; cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường năng lực quản trị, quản lý đô thị hiện đại; chủ động đề xuất với Trung ương những cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc mà địa phương không thể giải quyết được.

Hội nghị nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm cần ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thời gian tới, trong đó chú trọng chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2022, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khẩn trương thực hiện các chương trình chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 128 và Nghị quyết 38 của Chính phủ về chương trình phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tăng cường, củng cố hệ thống y tế cơ sở và đào tạo trong lĩnh vực y tế; triển khai kịp thời các chính sách đặc thù, củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở; bình ổn thị trường; bảo đảm nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục ra soát nhu cầu tiêm vaccine, vận động và tạo điều kiện để người có nguy cơ cao tiếp cận đầy đủ vaccine…

Anh Thơ

Top