Hội tụ văn hoá ở Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh

25/07/2011 12:00 AM

Trải qua hàng trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử, có thể nói văn hoá cả thế giới như hội tụ lại dưới vòm trời Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh khiến thành phố này có một bộ mặt văn hoá đa dạng và nhiều sắc thái. Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh "vùng đất lành chim đậu" không mang tính kỳ thị, nơi hội thụ dân cư của cả nước và nhiều sắc dân trên thế giới đã tiếp nhận, chắt lọc, hấp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại từ Đông sang Tây, từ khối các nước xã hội chủ nghĩa cho đến khối các nước tư bản chủ nghĩa. Tất cả những chủ thuyết, học thuyết trường phái triết học hữu thần hoặc vô thần đều được hội nhập và "Sài Gòn hoá" trên cơ sở của văn hoá Việt Nam – văn hoá cách mạng. Tất cả những dòng chảy văn hoá đó đã hoà nhập cùng nhau, bổ túc cho nhau tạo nên hiện tượng "Mái nhà chung văn hoá” với những đường nét mang tính toàn cầu: Việt – Hoa – Anh - Ấn – Nga – Hàn - Mỹ - Pháp - Nhật… (1) Ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh tùy thuận theo nhận định mà người ta phát biểu đại khái như: "Sài Gòn thập cẩm", "Sài Gòn muôn mặt", "Sài Gòn tạp pín-lù"… cũng hàm ý diễn tả độc đáo muôn màu muôn sắc có một không hai của thành phố trẻ năng động và giàu sức sống này.

1. Chính thức vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý và bình định đất Sài Gòn. Đây là một hoạt động chính trị - quân sự mang tính chiến lược của triều đình nhà Nguyễn vào Nam lập nghiệp. Văn hoá biển đã đồng hành với người Trung Bộ trên con đường Nam tiến hội nhập vào đất Sài Gòn. Văn hoá biển Miền Trung với tinh thần năng động thích ứng bởi những cư dân sinh sống dọc dài đất cằn khô eo hẹp: Một bên là núi non chập chùng sỏi đá và một bên là biển cả thăm thẳm bao la. Quy luật tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt đã trui rèn người dân Trung bộ thành những con người "lên non xuống biển", "ăn sóng nói gió" cần cù, nhẫn nại, giỏi chịu đựng, óc mạo hiểm dám nghĩ, dám làm… đã là những tố chất tích cực góp phần giúp cộng đồng người Việt đủ sức đương đầu với mọi trở ngại và vạch ra nhiều dự phóng ước mơ trên vùng đất mới đang được khai phá. Về mặt nghề nghiệp, đáng kể nhất là người dân miền Trung đã đưa vào Sài Gòn những nét tài hoa độc đáo của ngành nghề chạm khắc gỗ và điêu khắc đá, vốn là thế mạnh của những phường thợ chuyên lo xây dựng kinh thành và thiết kế cung đình Huế dưới triều đại nhà Nguyễn. Về mặt ẩm thực, phải kể đến những món ăn đặc sắc Miền Trung trên đất Sài Gòn như món mì Quảng, bún bò Huế, tré Huế… như vậy ngay từ đầu văn hoá biển Trung Bộ đã là một phần của văn hoá Sài Gòn .

2. Muộn hơn thời kỳ này một chút còn có một dòng văn hoá Trung Hoa hội nhập vào đất Sài Gòn thông qua những nhóm nghĩa binh "phản Thanh phục Minh" tìm đến nơi này lánh nạn. Họ như những con ong theo dòng lịch sử đã đem phấn hoa của văn hoá Trung Hoa gieo trồng trên đất Sài Gòn. Con cháu hậu duệ của những nhóm nghĩa binh này đã phát triển mạnh như ta thấy ngày nay. Tiêu biểu và gây ấn tượng nhất là ở vùng Chợ Lớn, nơi được mệnh danh là "China Town" trên đất Sài Gòn. Đặc điểm của cộng đồng người Hoa - vốn là những lưu dân tha phương ít sở hữu đất đai – là thương mại xuất nhập khẩu và công kỹ nghệ nhẹ. Từ xưa người Hoa ở trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn đã rất nhanh nhạy với "nền kinh tế thị trường"; họ tiên đoán được nhu cầu xã hội, bắt mạch được tâm lý người tiêu dùng. Trên thương trường ở đất Sài Gòn sở trường đó khó ai hơn được người Hoa. Nhờ họ hàng hoá được lưu thông phân phối, sản phẩm nội địa và ngoại quốc có “đầu ra đầu vào" nhờ xuất nhập khẩu. Ở Sài Gòn, cần bất cứ cái gì tới ngay Chợ Lớn: từ đồ kim khí điện máy đến ngành hàng nhựa rồi Đông tây y dược… thượng vàng hạ cám ở China town đều có đủ. “Ăn quận năm nằm quận ba”… hay nói cho sát nghĩa hơn là "ăn ở China town" mới thực là thưởng thức được hết cái thứ ăn uống ở đất Sài Gòn. Tất nhiên China town không phải là nơi có đủ mọi thứ đặc sản, sơn hào hải vị của miền Đất Phương Nam hoặc là tất cả những món trân châu kỳ vị quốc tế nhưng điều đáng nói ở đây là ngoài cái tài làm bếp nấu ăn còn kèm theo cái bầu không khí vui nhộn, hào sảng, nghĩa hiệp, hiếu khách khi ẩm thực chè chén của người Hoa. Một cái gì đó rất đồng chất đồng điệu, rất Trung Hoa, rất Nam Bộ và cũng rất… Sài Gòn. China town còn có những khu phố cổ, những hội quán Miếu Ông, Miếu Bà, Tinh Võ Môn, Nhân Nghĩa Đường, Tụ nghĩa Đường, gánh hát tuồng Hồ Quảng, những đội diễn múa Lân Sư Rồng… Chợ Lớn đúng là một sân khấu hoành tráng diễn tả đủ mọi sắc thái của cộng đồng người Hoa trên đất Sài Gòn.

3. Năm 1861, Thực dân Pháp chiếm Sài Gòn phá vỡ thế "bế quan tỏa cảng" của triều đình nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ văn hoá Sài Gòn đã giàu chất văn hoá bản địa: văn hoá đồng bằng Nam Bộ, văn hoá biển Trung Bộ, văn hóa của các cộng đồng dân tộc Khmer, Hoa… trên đất Sài Gòn lại có sự phát triển giao thoa văn hoá với các nước khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là những mối quan hệ ảnh hưởng văn hóa với hai nước lớn Trung Hoa và Ấn Độ về hai lĩnh vực triết học và tôn giáo. Dưới chiêu bài "bảo hộ", văn hoá Âu Tây xâm nhập mạnh vào đất Sài Gòn. Bỏ qua những yếu tố tiêu cực, những thủ đoạn thực dân. Những nhân tố tích cực của nền văn hoá Pháp – văn hoá Âu Tây được truyền tải qua những con người, có lý tưởng xã hội: những kỹ sư, bác sĩ, ông cố bà sơ, những nhà thám hiểm, khảo cổ học v.v… do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy họ có mặt trong đoàn quân viễn chinh Pháp đi “khai hoá thuộc địa”. Qua họ, tinh hoa văn hoá Pháp đã đâm chồi, nảy lộc trên đất Sài Gòn mà thành quả là những ngành nghề bách khoa, triết học, tôn giáo, mỹ thuật, nghệ thuật khảo cổ, văn chương và ẩm thực…với những tiêu chuẩn Chân - Thiện - Mỹ theo kiểu tư duy Âu Châu.

4. Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp tại Việt Nam. Hiệp định Geneve tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam tạo biến động lịch sử gây nên làn sóng di cư từ Bắc vào Nam. Thực sự từ trước biến cố này, vẫn có ít nhiều di dân Bắc Bộ vào Nam lập nghiệp, nhưng phong trào di cư 1954 vô tình đã trở thành một cao trào tạo dịp để văn hoá đồng bằng Bắc Bộ hội nhập mạnh hơn vào đất Sài Gòn. Những khu vực tập trung dân cư Bắc Bộ như: Ngã ba Ông Tạ, Xóm chiếu Khánh Hội, Xóm Mới Gò Vấp, Trung Chánh Hóc Môn… đã làm cho bộ mặt Sài Gòn những sắc màu văn hoá mới. Văn hoá đồng bằng Bắc Bộ với cơ cấu tổ chức làng xã chặt chẽ mang đậm tính kỷ cương trật tự xã hội đã góp phần xây dựng và làm phong phú tính cách người Sài Gòn: vừa hào sản phóng khoáng kiểu phương Nam lại vừa điều độ mực thước như người phương Bắc. Dấu ấn của văn hoá đồng bằng Bắc Bộ còn là mô hình sản xuất kinh tế theo kiểu làng nghề, phường nghề. Cái tinh thần "cùng hội cùng phường" mang đầy “tính giai cấp” nhằm bảo vệ lẫn nhau ấy phải chăng đã phát triển thành những hiệp hội thương mại, những công hội lao động đủ các ngành nghề hầu có thể cạnh tranh đối chọi, đảm bảo quyền lợi người Sài Gòn trên thương trường trước sự thao túng của những tập đoàn tư sản mại bản trong và ngoài nước. Về mặt ẩm thực, dân Sài Gòn ai cũng biết những món ngon vật lạ rất đặc trưng của miền Bắc như: phở, bánh cuốn, chả giò, bánh cốm, bánh phu thê… những thức uống như nước chè xanh, nước vối, nước bột sắn… điếu thuốc lào cũng là một nét đặc trưng “văn hoá húc” của đồng bằng Bắc Bộ. Về mặt thời trang, ấn tượng nhất là chiếc áo dài được cải biên theo thời gian dựa trên cảm hứng xuất phát từ chiếc áo dài tứ thân trong trang phục đồng bằng Bắc Bộ. Chiếc áo dài là niềm tự hào của người dân Sài Gòn vì đã góp phần làm phong phú văn hoá Việt Nam và tôn vinh cá tính người Việt trước những trào lưu thời trang quốc tế đầy sôi động tại thành phố này. Có thể nói hơi thở của văn hoá đồng bằng Bắc Bộ quyện chặt và len lỏi vào mọi nếp sinh hoạt và cuộc sống của người dân trên đất Sài Gòn.

5. Sài Gòn thời kỳ Nam Bắc phân chia. Vào cuối thập niên 1950 lợi dụng tình hình thực dân Pháp suy yếu ở Đông Dương, đế quốc Mỹ thừa cơ hất cẳng Pháp ở miền Nam Việt Nam. Sài Gòn trở thành thủ phủ "đứng mũi chịu sào" những tác hại của chủ nghĩa tư bản và nền văn hoá công nghiệp kiểu Mỹ. Trong thời kỳ đối kháng văn hoá này, những “của nợ” từ nền văn hoá phương Tây như: tự do chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa, duy tâm, duy trí, duy linh, duy nghiệm, siêu hình hay thần bí… chủ nghĩa đã "lần lượt" "đổ bộ" lên đất Sài Gòn gây ra một khung cảnh văn hoá vô cùng lộn xộn và phức tạp. Cái môi trường văn hoá độc hại ấy đã gieo rắc vô vàn tệ nạn trên đất Sài Gòn bởi khuynh hướng sùng bái vật chất, tiền bạc, tình dục, bạo lực hưởng thụ và thoát ly cuộc sống thực tế biểu hiện qua những lỗi sống "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", những nghề gian hồ, bảo kê, những mối quan hệ buông thả. Quả thực văn hoá Sài Gòn dưới thời Mỹ ngụy đã bị sự tấn công mạnh mẽ của văn hoá đồi trụy. Thế nhưng cây văn hoá Sài Gòn sâu gốc, bền rễ trên nền tảng văn hoá Việt Nam, giàu chất văn hoá của bản địa ba miền Bắc, Trung, Nam lại thêm tinh hoa hội tụ từ những nền văn hoá Á châu đã đủ nội lực đề kháng và thải loại những độc tố phi nhân, vô luân đi ngược lại với những giá trị truyền thống ngàn đời của dân tộc. Mặt khác văn hoá Sài Gòn cũng biết gạn đục khơi trong, thâu hóa những yếu tố tích cực của nền văn hoá công nghiệp tư bản “sức mạnh khoa học, sáng tạo kỹ thuật, kinh tế vĩ mô…” những giá trị đã làm cho Âu, Mỹ có những quốc gia phát triển giàu mạnh, siêu cường hiện đại về một số lĩnh vực trên thế giới - biến chúng thành những kinh nghiệm thực tiễn trong thời kỳ hậu chiến tranh để xây dựng đất nước. Tính “tùy cơ ứng biến” của văn hoá Việt Nam cái khéo “dĩ bất biến ứng vạn biến” của người Sài Gòn là thế. Sự tranh thắng trong cuộc đối đầu giữa văn hoá Sài Gòn và văn hoá Pháp - Mỹ không chỉ biểu hiện những phạm trù: "hơn kém", "mạnh yếu", "đúng sai", mà còn phản ánh sâu xa quy luật sinh tồn trong vũ trụ và xã hội loài người trên nền tảng nhân sinh quan, vũ trụ quan sâu sắc của triết học, đạo học Á Châu và văn hóa Đại Việt: “nhu thắng cang, nhược thắng cường”, “Đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”. Sự cọ xát văn hoá Á – Âu trên đất Sài Gòn như diễn lại tích xưa trong thời chiến quốc: ở Tề thì ngọt mà ở Sở thì chua. Người Âu Mỹ lạm dụng sức mạnh khoa học kỹ thuật, chế tạo vũ khí phát động chiến tranh xâm lược để thoả mãn tham vọng bá quyền thế giới. Ngược lại nền văn hoá công nghiệp khi du nhập vào đất Sài Gòn trên nền tảng của văn hoá Việt Nam đã được “Sài Gòn hoá": tận dụng sức mạnh khoa học công nghiệp, sáng tạo khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống kiến tạo hoà bình, phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc của con người. Sự phát triển không ngừng của thành phố này là một chứng minh cho định hướng ấy.

Tóm lại qua hai thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thành phố Sài Gòn đã đứng trước những thử thách nặng nề về văn hoá bởi những áp đặt của nền văn hoá tư bản tiêu cực. Nhưng cũng như trong quá khứ "thuở ngàn năm nô lệ của giặc Tàu" thì thời kỳ "trăm năm nô lệ giặc Tây” người Sài Gòn vẫn giữ được bản sắc văn hoá của mình, thoát khỏi một nguy cơ vong bản và nô dịch về văn hoá.

6. Công cuộc cách mạng vĩ đại giải phóng đất nước kết thúc vẻ vang bằng chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975. Tổ quốc thống nhất, tự do và độc lập. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hoá Sài Gòn bắt đầu “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi" (2). Với những thành tích vẻ vang, năm 1976 Sài Gòn chính thức vinh dự được Quốc hội phê chuẩn cho đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu thể hiện sức mạnh truyền thống đại đoàn kết dân tộc và ý chí thống nhất non sông. Một biểu tượng văn hoá đẹp và giàu ý nghĩa. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, từ đây văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh mở cửa giao lưu và hội nhập vào dòng văn hoá cách mạng của các nước cộng sản anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và cả một số những quốc gia tiến bộ trong phong trào không liên kết. Trong bầu không khí văn hoá đại đồng đó cây văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vươn cao qua sự trao đổi học tập để làm giàu thêm vốn văn hoá của chính mình.

Trong bối cảnh khó khăn vừa phải giữ vững thành quả cách mạng, vừa xoá bỏ những nọc độc văn hoá phản động còn tồn tại, vừa phải xây dựng một nền văn hoá mới lành mạnh, vừa phải phòng chống những âm mưu phá hoại văn hoá của kẻ địch, văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng văn hoá dân tộc, văn hoá xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh đã vững vàng từng bước đi lên. Những khái niệm văn hoá mới, con người mới, xã hội mới được truyền thông và hoá thân vào những phong trào thiết thực cụ thể như: người tốt việc tốt, phong trào thanh niên xung phong, xây dựng khu phố văn hoá văn minh, sống và làm việc theo pháp luật v.v… Những thiết chế văn hoá xã hội chủ nghĩa như: nhà văn hoá, nhà truyền thống, câu lạc bộ, bảo tàng, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí đã nhanh chóng được thiết lập thay cho những bar rượu, hộp đêm, vũ trường, sòng bạc… dưới thời Mỹ Ngụy đã làm biến dạng bộ mặt văn hoá Sài Gòn. Dưới ánh sáng cách mạng, những giá trị văn hoá mới mẻ như: chủ nghĩa quốc tế vô sản (vô sản toàn thế giới hiệp lại), chủ nghĩa xã hội (mình vì mọi người), lao động (lao động là vinh quang)… chủ nghĩa yêu nước và những giá trị văn hóa dân tộc đã được tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi, nâng tầm nhận thức và qui chiếu vào chủ nghĩa cách mạng, thời đại cách mạng và đạo đức cách mạng. Ví dụ như Trung với Đảng, Hiếu với Dân; Sửa đổi lề lối làm việc - đạo đức cách mạng thể hiện trong 5 điều: NHÂN – NGHĨA – TRÍ – DŨNG – LIÊM… Văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã kịp bắt nhịp và hoà mình vào dòng chảy văn hóa chung của cả nước. Đây có thể xem là thời kỳ mà văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh được bồi bổ và tăng thêm nội lực sau khi Tổ quốc thống nhất và dòng chảy văn hoá cách mạng trực tiếp khơi nguồn sáng tạo để văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị hội nhập vào cộng đồng quốc tế theo xu hướng chung của thời đại.

7. Qua thời kỳ ổn định sau chiến tranh. Trong xu thế toàn cầu hoá về nhiều phương diện, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần VI – 1986 nhà nước ta đã đề ra chủ trương đổi mới, bình thường hoá quan hệ và mở rộng cửa giao lưu với tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Trong tinh thần cởi mở, đối thoại và hợp tác văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và ngược lại nhiều đoàn văn hoá quốc tế kể cả các nước tư bản hoặc có chế độ chính trị khác biệt đã đến giao lưu với Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.

Kết thúc ngàn năm thứ hai bước sang thiên niên kỷ mới, con người đang mở ra những hoài bão, những ước mơ cho một cuộc sống hoàn hảo hơn, tốt đẹp hơn. Trong xu thế toàn cầu hoá các quốc gia đang mở tung những cửa ngõ của mình để chào đón đối thoại và hợp tác. Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là một cửa ngõ lớn của Tổ quốc Việt Nam nên chắc chắn sẽ là nơi tiếp tục đón nhận nhiều luồng văn hoá giao lưu có thể rất mới, rất xa lạ từ khắp năm châu bốn biển đổ về. Lịch sử đã nhiều lần thử thách văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh và Văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh cũng từng chứng tỏ tính chân lý của mình qua những bước đi thời gian của lịch sử.

Trước những biến động chính trị phức tạp gần đây trên thế giới nhất là sau khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ gây ảnh hưởng đến nhận thức và tư tưởng của một bộ phận quần chúng cả nước nói chung và riêng tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã nhận định về thực trạng văn hoá nước ta hiện nay rất thẳng thắn thấu đáo và rõ ràng. Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ ra những nguyên nhân gây ra sự suy thoái và đề ra những giải pháp khắc phục, đồng thời có chỉ đạo cơ bản về việc thực hiện nhiệm vụ đến từng cấp cơ sở. Dựa trên nghị quyết Trung ương 5 vận dụng vào thực trạng tại địa phương, văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng, khôi phục truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc mà đỉnh cao là liên tục mở ra những lễ hội: Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Sài Gòn 300 năm, du lịch Đất Phương Nam, Giao thừa chào đón Thiên niên kỷ - năm 2000, Hương sắc miền Nam… thu hút một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Những thành công đó gợi cho thấy tiềm năng Văn hoá Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn lao.

1. Từ sau thời kỳ mở cửa (1986) Thành phố đã có thêm một "Phố Hàn Quốc" trên đường Phạm Văn Hai – Q. Tân Bình, một "Phố Nhật Bản" là chung cư của giáo viên, sinh viên Nhật, trên đường Hồ Văn Huê – Q. Phú Nhuận.
2. Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb CTQG – 1999, tr.33

Top