Kiên định mục tiêu tăng trưởng - Bài 2: Xây dựng mô hình tăng trưởng mới, tạo sức kéo mới mạnh mẽ hơn
(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, việc nhiều địa phương học tập từ kinh nghiệm TPHCM để phát triển kinh tế cho thấy “đầu tàu” kinh tế đã truyền tải động lực cho các toa phía sau. Giờ đây, TPHCM có thể yên tâm tập trung vào việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới, tạo sức kéo mới mạnh mẽ hơn cho cả đoàn tàu.

Cải thiện hạ tầng giao thông không chỉ giúp TPHCM đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,5% trong năm 2025, tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, củng cố vai trò đầu tàu mà còn tạo giá trị gia tăng cho các địa phương lân cận, thúc đẩy phát triển toàn diện - Ảnh: VGP
Theo UBND TPHCM, tác động của thuế đối ứng mới của Hoa Kỳ đối với Thành phố thể hiện qua 3 khía cạnh chính: Đứt gẫy, chuyển hướng chuỗi cung ứng, giảm sức cạnh tranh của các ngành hàng chủ lực của Thành phố tại thị trường Mỹ; ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đang chuyển dịch theo chiến lược đầu tư các nước có lợi cho Thành phố; gia tăng sức ép lên tỉ giá và nguy cơ lạm phát do phải đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại.
Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,5%, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi. Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về chủ đề TPHCM cần làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng trước thách thức thuế quan hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, Thành phố là nơi có hoạt động kinh tế tập trung, quyền chủ động cao nhờ những cơ chế, chính sách đặc thù nên sẽ có nhiều phương án, biện pháp để ứng phó.
Đầu tư hạ tầng - động lực then chốt
PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM) cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM cần tập trung "làm mới" những động lực tăng trưởng cũ, đặc biệt đối với đầu tư công phát triển hạ tầng. Đây được xem là động lực then chốt, có tính khả thi cao nhờ các dự án đã được quy hoạch, chuẩn bị vốn và bắt đầu triển khai.
Việc phát triển hạ tầng giao thông không chỉ mang lại sự kết nối giữa TPHCM và các địa phương lân cận mà còn giúp Thành phố khôi phục sự sôi động, duy trì vai trò đầu tàu trong cả giai đoạn đầu tư lẫn khai thác. Khi giao thông thuận lợi, TPHCM sẽ trực tiếp hưởng lợi nhờ dòng dịch chuyển lao động và nguồn lực từ các địa phương khác về, bởi Thành phố là nơi có hoạt động kinh tế tập trung, hiệu ứng hút sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Thanh Xuân nhìn nhận, đầu tư hạ tầng giao thông có thể mang lại tác động không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Những khu vực có hoạt động kinh tế tập trung sẽ tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực hơn các vùng xa trung tâm. Do đó, các địa phương trong khu vực cần chủ động chuẩn bị chiến lược để tận dụng cơ hội từ hệ thống giao thông mới, hướng về TPHCM như thị trường đích và tập trung khai thác lợi ích từ việc giảm rào cản tiếp cận thị trường TPHCM nhờ hạ tầng giao thông cải thiện.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cải thiện hạ tầng giao thông mang lại lợi ích rõ rệt cho các địa phương lân cận khu kinh tế tập trung. Như ở Trung Quốc, việc giảm 10 km khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu dùng nội địa đã giúp tăng tiêu dùng bình quân đầu người lên 42,10 nhân dân tệ, tương đương 8% thu nhập theo chuẩn nghèo. Hay tại Mexico, nhờ hạ tầng giao thông, cứ tăng 10% khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng sẽ làm tăng 2,9-6,5% việc làm và 13% mức độ chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt trong thương mại và dịch vụ. Còn tại Peru, việc giảm 22% khoảng cách từ nơi sản xuất đến cảng gần nhất đã giúp xuất khẩu tăng trưởng nhanh hơn 3,8% và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm.
Những ví dụ trên khẳng định rằng cải thiện hạ tầng giao thông không chỉ góp phần giúp TPHCM đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8,5% trong năm 2025, tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, củng cố vai trò đầu tàu mà còn tạo giá trị gia tăng cho các địa phương lân cận, thúc đẩy phát triển toàn diện. Vì vậy, TPHCM cần đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ các địa phương trong cùng trục hạ tầng, đảm bảo tối ưu hóa lợi ích chung cho toàn khu vực và cả nước.
Làm mới cơ sở hạ tầng cứng và mềm
Còn theo TS. Hồ Hoàng Anh (Đại học Kinh tế TPHCM), TPHCM cho đến nay vẫn là "đầu tàu", trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Việc những năm gần đây kinh tế của TPHCM có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại phản ánh một hiện thực khách quan là kinh tế TPHCM đang đối mặt với một thử thách kép: Phục hồi sau đại dịch COVID-19 song song với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa.
Việc nhiều địa phương học từ kinh nghiệm của TPHCM để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư là một tín hiệu rất tốt cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. "Đầu tàu" kinh tế đã truyền tải nhiều động lực cho các toa phía sau chạy mạnh hơn, cùng chia sẻ và đóng góp lực kéo đưa "con tàu kinh tế" Việt Nam tiến lên. Giờ đây, TPHCM có thể yên tâm tập trung vào việc khám phá và xây dựng mô hình tăng trưởng mới, tạo sức kéo mới mạnh mẽ hơn cho cả đoàn tàu.
Nhìn lại quá trình đã qua, TS. Hồ Hoàng Anh cho rằng, kinh tế TPHCM tăng trưởng rất nhanh nhờ cơ chế kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập kinh tế sau đổi mới. Công nghiệp hóa bằng các ngành thâm dụng lao động (như dệt may và da giày) và sự nở rộ của ngành dịch vụ đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động khắp cả nước di cư đến TPHCM.
Tới những năm đầu của thập niên 2010, kinh tế TPHCM bắt đầu bộc lộ những điểm tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng cứng (như giao thông, nhà ở, y tế hay giáo dục) và mềm (bộ máy quản lý hành chính) khi số người di cư đến Thành phố ngày càng tăng mạnh.
Sự quá tải của cơ sở hạ tầng cứng và mềm là một trong những yếu tố khiến chi phí đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp và chi phí sinh hoạt của người lao động cao, khiến TPHCM giảm khả năng thu hút vốn đầu tư và lao động chất lượng cao.
Theo TS. Hồ Hoàng Anh, cần "làm mới" những động lực tăng trưởng cũ và tạo ra những động lực mới.
"Cần phải nhấn mạnh rằng, kinh tế TPHCM tăng trưởng dựa trên ba trụ cột chính, đó là dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Do vậy, làm mới những động lực tăng trưởng cũ về bản chất là tìm cách để ba trụ cột này tiếp tục tăng trưởng cao. Để tiếp tục tăng trưởng cao đòi hỏi nội tại ba lĩnh vực này phải có sự chuyển đổi để tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng", TS. Hồ Hoàng Anh nói.
Theo đó, với ngành dịch vụ, chiếm tỉ trọng khoảng 2/3 trong GRDP của TPHCM và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, việc cơ sở hạ tầng tắc nghẽn đã và đang làm hạn chế tốc độ tăng trưởng của ngành này. Do đó, đổi mới cơ sở hạ tầng sẽ tạo ra không gian rộng rãi hơn cho ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng. Động lực thứ hai là nâng cao giá trị gia tăng trong ngành dịch vụ bằng cách chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động trong ngành này và chuyển dịch sang các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin.
Tiếp đến là ngành công nghiệp, vốn là đối tượng chính của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa. Đổi mới cơ sở hạ tầng sẽ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao mà TPHCM có ưu thế, như hóa dược và điện tử.
Cuối cùng là ngành xây dựng và bất động sản, hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc về thể chế và chưa thể vực dậy để tăng trưởng mạnh mẽ. Tháo gỡ được những vướng mắc này sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
TS. Hồ Hoàng Anh nhấn mạnh, những quyết sách vừa qua của Trung ương đối với TPHCM và những nỗ lực tới đây của Thành phố sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc "làm mới" các động lực cũ và tạo ra các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đổi mới cơ sở hạ tầng cứng và mềm là chìa khóa vàng để TPHCM cùng với cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng và vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Mạnh Hùng