Kinh tế TPHCM năm 2025: Cần có bước đột phá căn bản

01/02/2025 1:37 PM

(Chinhphu.vn) - Năm 2025, TPHCM cần có bước đột phá căn bản, đưa nền kinh tế Thành phố tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững.

Năm 2024 đánh dấu sự chuyển mình khá ngoạn mục của nền kinh tế TPHCM, tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt mức 7,17% GDP, cao hơn năm 2023 (5,81%), đặc biệt, Thành phố đã nghiên cứu triển khai sắp xếp lại bộ máy, cải thiện môi trường kinh doanh, đưa ra các quyết sách quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn "cất cánh" mới từ năm 2025.

Kinh tế TPHCM năm 2025: Cần có bước đột phá căn bản- Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2019 - 2024

Những tiền đề cho giai đoạn mới

Tăng trưởng kinh tế

Năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Thành phố chỉ đạt 5,81% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu từ 7,5 - 8,0%. Đầu năm 2024, Thành phố đứng trước những thách thức lớn, vừa phải cải thiện tốc độ tăng trưởng, vừa cấu trúc lại nền kinh tế cho giai đoạn phát triển mới. Với những nỗ lực vượt bậc, tăng trưởng kinh tế Thành phố đã được cải thiện qua từng quý, quý I tăng 6,79%; quý II tăng 6,53%; quý III tăng 7,36% và quý IV ước tăng 7,92%; và tăng trưởng GDP Thành phố về đích ước đạt 7,17%.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Thành phố năm 2024 chưa như kỳ vọng (mục tiêu 7,5 - 8,0%), song bức tranh kinh tế Thành phố đã bước đầu khởi sắc: Tăng trưởng ở tất cả các khu vực kinh tế, trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,12%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,7%, thuế sản phẩm tăng 5,14%; mật độ kinh tế Thành phố vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước, với 1 km2 trên địa bàn TPHCM tạo 848,7 tỷ đồng giá trị tăng thêm; xuất khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2023; tổng thu ngân sách nhà nước của Thành phố ước đạt 508.553 tỷ đồng, bằng 105% dự toán.

Tăng trưởng xanh và kinh tế số là điểm nhấn nổi bật

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Thành phố năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố gắn với đổi mới công nghệ tiên tiến tăng trưởng khá, đạt 7,6%.

Đóng góp vào mức tăng trưởng khá cao của khu vực thương mại dịch vụ (7,7%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của Thành phố tăng 10,7%, trong đó dịch vụ lữ hành tăng 55%, bán lẻ hàng hóa tăng 11%.

Hoạt động thu hút du lịch của Thành phố với các biện pháp đột phá (phát triển du lịch thông minh, phát hành cẩm nang sản phẩm du lịch đặc trưng và ra mắt điểm đến du lịch cộng đồng, tăng cường hợp tác và phát triển du lịch liên vùng, các biện pháp kích cầu du lịch, v.v…). Năm 2024, tổng thu du lịch của Thành phố đã tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch quốc tế đạt 6 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ 2023.

Tăng trưởng xanh và kinh tế số cũng là điểm nhấn nổi bật của TPHCM trong năm 2024, đóng góp vào sự gia tăng động lực phát triển của Thành phố.

Tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu đối với phát triển đô thị hiện đại TPHCM. Một loạt chủ trương phát triển Kinh tế xanh đã được lãnh đạo TPHCM triển khai trong năm 2024: Đẩy mạnh tái cấu trúc cơ cấu kinh tế Thành phố gắn với tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo; Phê duyệt các đề án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội; Tổ chức các sự kiện: Diễn đàn kinh tế Thành phố lần thứ 5, "Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM; Diễn đàn và triển lãm "Kinh tế xanh năm 2024" (GEFE 2024); Hội nghị kêu gọi đầu tư và phát triển tăng trưởng xanh phối hợp với Ngân hàng Thế giới),…

Năm 2024, TPHCM đã ban hành 8 kế hoạch về triển khai Chuyển đổi số và Đô thị thông minh, đồng thời vận hành chính thức 9 nền tảng số, triển khai đầu tư hạ tầng số mạnh, an toàn… Kinh tế số của Thành phố tiếp tục gia tăng tỉ trọng đóng góp vào GRDP, khoảng 22% (năm 2021: 15,38%, 2022: 18,66%, 2023: 21,5%).

Kinh tế TPHCM năm 2025: Cần có bước đột phá căn bản- Ảnh 2.

Năm 2024, TPHCM chính thức vận hành tuyến Metro số 1 - Ảnh: VGP

Bước tiến quan trọng về giao thông

Ngày 22/12/2024, TPHCM chính thức vận hành tuyến Metro số 1 nối liền Bến Thành - Suối Tiên, dài 19,7 km, đây được coi là bước đột phá của giao thông Thành phố, khởi đầu cho việc phát triển hệ thống metro tại đô thị hiện đại từ 2025 - 2035 với chiều dài dự kiến 355 km.

Cũng trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông của Thành phố đã "về đích" như: Hầm chui kết nối nhà ga T3 "giải cứu" kẹt xe tại sân bay Tân Sơn Nhất; Thông xe hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… Cùng với đó, Thành phố tập trung đẩy mạnh các biện pháp phát triển "giao thông xanh" thân thiện với môi trường.

Thực hiện Nghị quyết 98 và cải cách bộ máy

Năm 2024, Thành phố cũng đã chủ động triển khai và tận dụng lợi thế từ Nghị quyết 98 của Quốc hội để gia tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khai thông các điểm nghẽn trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, TPHCM đã chủ động thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về sắp xếp, tinh giảm bộ máy hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển KT - XH.

Kết thúc năm 2024, TPHCM cũng đã hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập 80 phường thành 41 phường mới (giảm 39 phường), đồng thời tinh gọn được bộ máy nhân sự cấp phường của Thành phố.

Kinh tế TPHCM năm 2025: Cần có bước đột phá căn bản- Ảnh 3.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố tăng trưởng chậm lại - Ảnh: VGP

Thách thức, bất cập

Bên cạnh những thành tựu quan trọng về tăng trưởng và tạo động lực mới cho phát triển KTXH Thành phố, năm 2024, kinh tế Thành phố vẫn đứng trước những thách thức, bất cập, thậm chí tụt hậu so với tiềm năng và yêu cầu phát triển.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2024 cao hơn năm 2023 (7,17% so với 5,83%), nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra (7,5 - 8,0%) và quan trọng hơn là chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của Thành phố.

Nếu nhiều năm trước đây, tăng trưởng kinh tế của TPHCM thường gấp rưỡi (1,5 lần) tăng trưởng kinh tế của cả nước, thì những năm gần đây khoảng cách này ngày càng thu hẹp lại, năm 2024, khoảng cách này chỉ còn 0,08% (7,17% so với 7,09% của cả nước). Năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của cả nước trên 8,0% và Thành phố đạt từ 9 - 10%, nếu đạt được mục tiêu này, thì tăng trưởng kinh tế của Thành phố và cả nước mới đáp ứng kỳ vọng và yêu cầu tăng trưởng trong giai đoạn mới.

Thứ hai, các động lực tăng trưởng kinh tế của Thành phố chưa được phát huy mạnh mẽ, một số động lực quan trọng hoặc chưa được khơi thông "điểm nghẽn" hoặc có biểu hiện chững lại.

Số doanh nghiệp giải thể trên địa bàn Thành phố năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3,6%, doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 17,2%; số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,2% về số lượng và 16,6% về vốn đăng ký. Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung năm 2024 ước đạt 740.000 tỷ, giảm 29,1% so với cùng kỳ. 

Mặc dù TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư hơn 58,4 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư của cả nước, nhưng năm 2024, tính chung cả vốn thu hút dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút ước đạt 4,85 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc giải ngân đầu tư công của Thành phố vẫn gặp khó khăn, vướng mắc. Tính chung cả năm 2024 vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước ước thực hiện hơn 54.585 tỷ đồng (kế hoạch hơn 79.000 tỷ đồng).

Các ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, một số ngành tăng trưởng chậm, đặc biệt là ngành công nghiệp cơ khí (giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023). Một số ngành công nghiệp truyền thống cũng tăng trưởng khá thấp.

Thứ ba, mặc dù có nhiều cố gắng chủ động đột phá, song do đang trong giai đoạn triển khai nhiều Nghị quyết, chính sách quan trọng, nên năm 2024 Thành phố vẫn chưa có bước đột phá mới trong vận hành thể chế quản lý kinh tế, chưa tạo được xung lực đồng bộ cho sự "chuyển mình" mạnh mẽ của nền kinh tế vốn có truyền thống năng động, giàu sáng tạo.

Kinh tế TPHCM năm 2025: Cần có bước đột phá căn bản- Ảnh 4.

TPHCM cần triển khai mạnh mẽ hệ thống hạ tầng giao thông - Ảnh: VGP

6 giải pháp đột phá

Bước vào giai đoạn mới, cùng với cả nước, năm 2025, TPHCM cần có bước đột phá căn bản, đưa nền kinh tế Thành phố tăng trưởng với tốc độ cao và bền vững. Có thể khẳng định, tiềm năng - thế mạnh và các động lực cho bước đột phá trong năm 2025 đã hội tụ, quyết tâm của lãnh đạo Thành phố cùng sự kỳ vọng và đồng hành của người dân Thành phố đã được thể hiện mạnh mẽ, vấn đề còn lại là các quyết sách và hành động cụ thể. Thành phố cần tập trung triển khai một số giải pháp:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế, cải cách bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần được thực hiện kịp thời từ đầu năm 2025. Đây là điều kiện tiên quyết để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Thành phố trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Thứ hai, cần bổ sung và phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế của Thành phố, mà các tiền đề đã được chuẩn bị từ các năm trước, đặc biệt là năm 2024, cụ thể: (i) Tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, gắn với đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; (ii) Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, nhất là ngành công nghiệp cơ khí; gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế; (iii) Duy trì và phát triển thế mạnh của khu vực dịch vụ, đặc biệt khơi thông "điểm nghẽn" đối với thị trường bất động sản và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.

Thứ ba, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống hạ tầng giao thông gắn kết với liên kết vùng, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đầu tư công không chỉ đóng góp chủ đạo cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, mà còn là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

Thứ , Thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh chóng và thuận lợi. Trong năm 2025, Thành phố cần đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số về các doanh nghiệp thành lập mới, đặc biệt các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp; giảm ở mức độ thấp nhất các doanh nghiệp phải giải thể, ngừng sản xuất; tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư mở rộng đầu tư trên địa bàn Thành phố và các địa bàn vùng TPHCM.

Thứ năm, phát huy vai trò của đội ngũ các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có bước đột phá tương xứng trước yêu cầu phát triển mới.

Đội ngũ trí thức TPHCM chiếm hơn 20% trí thức khoa học của cả nước, tập trung chủ yếu ở 109 trường đại học, 371 tổ chức khoa học công nghệ, 78 viện nghiên cứu, 279 phòng thí nghiệm và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp. Đây là nguồn lực to lớn mà Thành phố cần phát huy. Khâu đột phá cần được thực hiện là: Thành phố tiếp tục có cơ chế thu hút người tài, tạo điều kiện để những người có đủ Tài - Đức tham gia vào bộ máy quản lý và thực thi các lĩnh vực phát triển KTXH của Thành phố; cần có cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ, giữa các trí thức, tạo môi trường làm việc dân chủ, hiệu quả; các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thành phố cần chủ động gắn nghiên cứu - đào tạo với yêu cầu phát triển KTXH của Thành phố và cả nước, đẩy mạnh các chuyển giao khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, chủ động tạo nguồn thu để nâng cao nguồn lực tài chính và hiệu quả hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Thứ sáu, chủ động mở rộng và nâng tầm hợp tác quốc tế, vốn là thế mạnh của TPHCM, cần đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2025. Thông qua hợp tác quốc tế, Thành phố gia tăng cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn từ các nước, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn mà Thành phố đang quan tâm như công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, công công nghiệp xanh, công nghiệp thiết bị và dịch vụ y tế cao cấp,… Hợp tác quốc tế cũng giúp Thành phố thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ quản lý đô thị hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

Tóm lại, TPHCM đã hội đủ các điều kiện, tiền đề để bước vào giai đoạn mới, tăng trưởng nhanh và bền vững. Nhân tố quyết định cho bước phát triển mới này là các quyết sách và hành động của bộ máy quản lý, đội ngũ các doanh nghiệp, các nhà khoa học và toàn thể người dân Thành phố, khởi đầu cho kỳ tích kinh tế Thành phố trong giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải

Nguyên Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM

Top