Làm sao để quy hoạch của TPHCM xứng với tên gọi 'Đô thị đặc biệt'
(Chinhphu.vn) - Ngày 19/1, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hòa Bình đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2021 là năm hết sức khó khăn. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Thành phố chịu nhiều mất mát lớn, tuy nhiên, chúng ta đã cố gắng vượt qua được.
"Phải chứng kiến những giờ phút khó khăn nhất thì chúng ta mới càng thấy được sự đoàn kết, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị có ý nghĩa như thế nào. Chúng ta phải cố gắng để không phụ sự hy sinh của những người đã ngã xuống do dịch bệnh", Phó Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ.
Theo ông Lê Hòa Bình, trong năm 2021 vừa qua, trong khó khăn chung của Thành phố, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã có nhiều nỗ lực, vượt khó, chung sức trong phòng, chống dịch bệnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức của Sở đã đoàn kết, tạo nên những thành quả nhất định, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Thành phố giao. Sở đã hoàn thành được nhiệm vụ điều chỉnh kế hoạch chung của Thành phố, nhiệm vụ điều chỉnh kế hoạch chung của thành phố Thủ Đức; tham gia điều chỉnh quy hoạch các tỉnh. Sở cũng đã xây dựng được quy chế quản lý kiến trúc phục hồi công tác quản lý, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng của toàn Thành phố.
"Sở cũng đã có đề án phát triển kè sông Sài Gòn, phát triển kinh tế sông Sài Gòn. Trong năm nay, chúng ta nên hoàn thiện quy hoạch chung để phát triển con đường dọc sông Sài Gòn. Chúng ta cũng sẽ trùng tu lại Công viên Mê Linh, tạo thành một quần thể nét đẹp của con sông", Phó Chủ tịch Thường trực cho biết.
Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2022, ông Lê Hòa Bình mong muốn Sở sẽ nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, trong đó tập trung một số nhiệm vụ:
Về công tác xây dựng hệ thống Đảng, Sở cần nâng cao trách nhiệm của cán bộ Đảng viên, bảo đảm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Bên cạnh đó, Sở cần xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 của Thành phố "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp". Năm 2021 là năm Thành phố xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư và đã đạt được rất nhiều kết quả đáng khích lệ.
"Đảng ủy, Ban Giám đốc của Sở cần quán triệt kỹ đến cán bộ, công chức đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho kinh tế thành phố phục hồi và phát triển, thực sự lắng nghe và giải quyết thấu đáo những kiến nghị, đề xuất; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân", ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao trong triển khai thực hiện đề án, chương trình được UBND Thành phố phê duyệt bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ theo thời gian quy định. Sớm xây dựng Đề án phát triển hạ tầng dịch vụ TPHCM giai đoạn 2020-2025 hướng tới 2040; Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TPHCM giai đoạn 2020-2025.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm, chiến lược tham mưu toàn diện về quy hoạch, phát triển đô thị, kịp thời rà soát, ban hành điều chỉnh quy định pháp lý về quy hoạch kiến trúc đô thị của Thành phố…
Đối với các nhiệm vụ cụ thể về quy hoạch kiến trúc, theo ông Lê Hòa Bình, Sở cần nỗ lực hơn nữa để sớm hoàn thành các đồ án, ví dụ như đồ án quy hoạch TP. Thủ Đức phải hoàn thành vào tháng 6/2022. Ngoài ra, Sở cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, số hóa dữ liệu…
"Tuy nhiên, điều tôi muốn nói với các cán bộ Sở Quy hoạch-Kiến trúc là câu chuyện tác nghiệp hằng ngày, điều chỉnh quy hoạch sai, cấp phép… chỉ là thao tác kỹ thuật, mà quan trọng là quy hoạch chung, là tầm nhìn chiến lược, chúng ta có trách nhiệm đối nhân dân cả nước chứ không phải với mỗi nhân dân Thành phố.
Tôi rất mong chúng ta tiếp tục mời gọi trí tuệ của mọi người, của những người đi trước để cùng hợp sức, làm cho quy hoạch của TPHCM xứng tầm với tên gọi "đô thị đặc biệt", "siêu đô thị TPHCM", thành phố đông dân nhất cả nước, ông Lê Hòa Bình bày tỏ.
Theo Báo cáo kết quả công tác của Sở Quy hoạch-Kiến trúc, năm 2021, Sở đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lập, thẩm định trình phê duyệt quy hoạch; tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn. Việc hoàn thành phủ kín quy hoạch phân khu đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cấp giấy phép xây dựng cho các công trình riêng lẻ, cung cấp chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án theo đúng quy định và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng quy hoạch chung.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch còn một số hạn chế tồn tại. Một số đồ án quy hoạch còn chưa thống nhất, đồng bộ dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ quy họach khi triển khai dự án. Các chỉ tiêu quy hoạch áp dụng chưa thật sự linh hoạt, phù hợp với từng khu vực đô thị nên chưa tạo được động lực phát triển đô thị hay khuyến khích các nhà đầu tư tham gia chỉnh trang, phát triển đô thị. Chưa thực hiện được việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 các khu vực chưa có dự án và việc cắm mốc giới theo quy hoạch vì tính chất đặc thù của TPHCM. Chưa thống nhất về quản lý đất đai và xây dựng đối với các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp. Người dân có nhà và đất trong khu vực quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng quyền lợi kéo dài, chưa có giải pháp tháo gỡ.
Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc và ông Nguyễn Thanh Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở vì đã có thành tích xuất sắc trong quản lý tổ chức thực hiện quy hoạch Thành phố.
Anh Thơ