Mối duyên 'Lá diêu bông' của Hoàng Cầm với ca khúc để đời của nhạc sĩ Trần Tiến

22/02/2022 9:09 AM

(Chinhphu.vn) - Tại chương trình giao lưu và ra mắt sách “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” tổ chức ở TPHCM nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm (22/2/1922 - 22/2/2022), nhạc sĩ Trần Tiến đã nhắc lại mối duyên của ông với hình ảnh “lá diêu bông”.

Bài nhạc 50.000 đồng nhớ đời của nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Trần Tiến tại Chương trình ra mắt sách Hoàng Cầm về Kinh Bắc và giao lưu kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm tại Đường sách TPHCM - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Diêu bông thắp lại mộng mơ

Tại buổi giao lưu, nhạc sĩ Trần Tiến cho hay, ông biết đến nhà thơ Hoàng Cầm khá trễ. Bên chén rượu với người bạn và nhà thơ Thu Bồn tại nhà mình vào cuối những năm 80, lần đầu, ông được nghe "Lá diêu bông" của thi sĩ Hoàng Cầm. "Lúc đó, tôi nghe mà rùng mình, tự hỏi tại sao có bài thơ hay đến vậy?", nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại.

Cuộc hội ngộ trôi qua, bẵng nhiều năm sau đó, tưởng đâu đã quên rồi nhưng duyên số lại gắn sáng tác của Trần Tiến với thơ Hoàng Cầm. Lần đó, nhạc sĩ Trần Tiến nhận đơn đặt hàng sáng tác của một người bạn làm việc ở Ban Dân số - Kế hoạch của Trung ương Đoàn với đề tài khá hóc búa, viết nhạc để tuyên truyền với người trẻ: Đừng vội yêu, Yêu thì đừng vội lấy, Lấy thì đừng vội đẻ, Đẻ thì đừng đẻ nhiều. Mỗi sáng tác nhận thù lao 50.000 đồng. Nhạc sĩ vui vẻ nhận lời.

Nhạc sĩ Trần Tiến còn được nhờ làm người "mai mốt" tìm nhạc sĩ sáng tác các ca khúc cho chủ đề này. Thế nhưng, sát ngày nộp tác phẩm, sự cố xảy ra khi có nhạc sĩ báo không hoàn thành được. Vậy là, tác giả "Cô bé vô tư" phải đảm trách luôn phần sáng tác cho chủ đề "Đừng vội lấy chồng". Chỉ còn một ngày để sáng tác, khi mọi thứ tưởng bế tắc thì cơ duyên chợt đến. Ngay chiều hôm đó, trong một cuộc gặp gỡ bạn bè, ông chợt nghe lại câu "Bướm vàng đậu trái mù u. Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn". Lúc đó, tứ bài hát xuất hiện, ông mỉm cười suốt đoạn đường về.

Hình ảnh chiếc lá diêu bông ngày nào qua giọng đọc của thi sĩ Thu Bồn lại hiện về, rõ như mới hôm qua. Vậy là diêu bông trở thành hình ảnh đẹp trong bài hát nổi tiếng một thời của nhạc sĩ Trần Tiến. Vẫn chất giọng trầm ấm quen thuộc, nhạc sĩ Trần Tiến cất tiếng hát "Ru em thời thiếu nữ kiêu sa. Em đố ai tìm được lá diêu bông. Em xin lấy làm chồng"… Và nữa, giọng hát ấy lại ngân lên trong ánh mắt hoài niệm của nhiều khán giả tham gia chương trình giao lưu tại Đường sách TPHCM, rằng: "Ru em thời con gái hay quên. Thương em anh tìm được lá diêu bông. Sao em nỡ vội lấy chồng"…

Trần Tiến nói, điều ông tiếc nhất là từ khi sáng tác ca khúc "Sao em nỡ vội lấy chồng" đến lúc nhà thơ Hoàng Cầm qua đời, ông chưa kịp hỏi lá diêu bông là lá gì, ở đâu. Nhưng rồi ông nghĩ, hỏi để làm gì vì biết đâu khi rõ về lá diêu bông, tâm hồn người nghe đâu còn mộng mơ, thấm đẫm yêu thương như vậy. Cho là nó không có thật đi, nhưng nó gieo vào lòng người nghe sự mộng mơ, sự yêu đời đã đủ giá trị rồi. Bài hát "Sao em nỡ vội lấy chồng" nhanh chóng nổi tiếng khi chạm tới nỗi lòng của thế hệ trẻ. 

Bài nhạc 50.000 đồng nhớ đời của nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh 2.

Ấn bản “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” được giới thiệu tới công chúng nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ “Bên kia sông Đuống” - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Đâu chỉ mỗi "diêu bông"

Nhạc sĩ Trần Tiến xúc động kể lại: Ngày nhận giải Nhất trong một cuộc thi sáng tác của Trung ương Đoàn cho tác phẩm "Sao em nỡ vội lấy chồng" với giải thưởng 2.000.000 đồng (số tiền rất lớn ngày ấy), nhạc sĩ Trần Tiến đứng trên sân khấu nói với thi sĩ Hoàng Cầm: "Anh Hoàng Cầm ơi, lên sân khấu đi anh. Em xin gửi anh quà tặng". Nhà thơ Hoàng Cầm lúc đó từ chối, ông nói: "Tiến có phổ thơ gì của tôi đâu. Tiến chỉ có nói lá diêu bông thôi. Tôi không nhận". Lúc đó, nhạc sĩ nói với thi sĩ rằng, chỉ có chữ lá diêu bông thôi nhưng đủ thắp lên cho những người trẻ thế hệ sau hiểu rằng, không còn mộng mơ, thơ ngây, trẻ dại nữa thì chẳng có lý do gì thi ca nhạc họa ở lại với ta cả. "Chiếc lá diêu bông ngày ấy của anh Hoàng Cầm xây lên trong tôi một thế giới mộng mơ để ngay bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy lòng mình hạnh phúc", nhạc sĩ chia sẻ.

Cho đến tận bây giờ, thi thoảng, người ta vẫn nghe ai đó nhẩm vài câu trong bài "Lá diêu bông" của thi sĩ Hoàng Cầm. Và lời bài hát "Sao em nỡ vội lấy chồng" của nhạc sĩ Trần Tiến cũng được nhiều người thuộc nằm lòng. Lá diêu bông cũng xuất hiện trong nhiều sáng tác khác để trở thành hình ảnh ví von cho tình yêu của nhiều thế hệ.

Nhưng đâu chỉ có "lá diêu bông", trong sự nghiệp sáng tác của mình, thi sĩ Hoàng Cầm gieo vào lòng người yêu thơ rất nhiều hình ảnh đẹp, nhất là về Kinh Bắc. Trong phần giới thiệu "Hoàng Cầm về Kinh Bắc" vừa ra mắt độc giả cả nước, nhóm biên soạn sách có viết: Sự nghiệp mà thi sĩ Hoàng Cầm để lại cho hậu thế rất phong phú, bao gồm nhiều vở kịch thơ, tập thơ, trường thi… nhưng "Về Kinh Bắc" là tập thơ tiêu biểu nhất của ông về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả. Không những thế, tập thơ còn là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về văn hóa Kinh Bắc, vùng văn vật lâu đời của người Việt.

Tập sách "Hoàng Cầm về Kinh Bắc" phiên bản đặc biệt do NXB Hội Nhà văn và Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm vừa phát hành gồm tập thơ "Về Kinh Bắc" với những chỗ khảo dị qua ba lần xuất bản và một số bài viết chọn lọc về "Về Kinh Bắc" và thơ Hoàng Cầm cùng những tư liệu quý hiếm về cuộc đời và tác phẩm của thi sĩ được nhiều thế hệ mến mộ./.

Khởi Minh

Top