Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là tiếp tay 'lừa đảo'

09/12/2022 6:44 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc khi hình ảnh nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trong những clip quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt liên quan đến vấn đề sức khoẻ. Họ cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho việc lừa đảo người hâm mộ.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là tiếp tay 'lừa đảo' - Ảnh 1.

Một nữ MC quảng bá loại sữa dùng 10 ngày… giảm đau nhức gút cấp - Ảnh: Thanh Niên

Ngán ngẩm xem người nổi tiếng quảng cáo

Từ năm ngoái đến nay, nhiều vụ việc nghệ sĩ quảng cáo lố, quảng cáo sai sự thật khiến dư luận bức xúc. Thậm chí khi nghe những clip quảng cáo về sản phẩm chữa được dứt điểm nhiều loại bệnh như đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm… không ít người hâm mộ tức giận cho rằng đó là những quảng cáo sặc mùi tiền.

Cụ thể, khoảng 1 năm trước, hàng loạt diễn viên, người mẫu bị tố quảng cáo tiền ảo. Chỉ có một vài nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi, nhiều người im lặng xoá bài.

Vài tháng trước, nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực: MC, diễn viên… đăng bài quảng cáo xem bói tử vi miễn phí với những mỹ từ: "xem tử vi đúng hết hồn, sao có thể nói đúng giật mình thế chứ", "xem không mất phí nhưng mà nói chuẩn quá",… Điều đáng nói, link dẫn xem tử vi miễn phí này là một nơi bán đồ phong thủy, thu hút tài lộc. Sau khi bị dư luận lên án, nhiều nghệ sĩ trong số đó im lặng xoá bài.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội là sự lên ngôi của những người nổi tiếng được gọi: Facebooker, Tiktoker, Youtuber… Người dùng ngán ngẩm khi xuất hiện tràn lan những clip quảng cáo thổi phồng công dụng các sản phẩm, thương hiệu đủ loại: Mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng…

"Nghệ sĩ là người của công chúng nhưng lại vô trách nhiệm như vậy, vì tiền mà bất chấp quảng cáo. Có bệnh thì vái tứ phương, không phải ai cũng đủ nhận thức để phân biệt đâu là đúng, đâu là lừa đảo. Người ta có thể trả giá cho mớ rau, con cá chứ có ai đi bệnh viện mua thuốc mà trả giá bao giờ. Việc quảng cáo thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật, nhất là thuốc chữa bệnh là hành vi thiếu đạo đức", chị Thu Vân (quận Bình Thạnh) bức xúc chia sẻ quan điểm.

Năm 2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM từng có công văn gửi tới Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thành phố chấn chỉnh về việc một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội sai quy định pháp luật. Ban Tuyên giáo Thành uỷ đề nghị trong sinh hoạt nội bộ, Ban chấp hành các hội nhắc nhở hội viên khi tham gia quảng cáo nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không quảng cáo các sản phẩm chưa được phép lưu hành (thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng, tiền ảo…), sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ không đúng với chất lượng sản phẩm gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Nghệ sĩ quảng cáo l, luật xử sao?

Trao đổi cùng Báo Điện tử Chính phủ, Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM khẳng định việc quảng cáo lố, quảng cáo không đúng sự thật là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.

Trong nhiều năm trở lại đây, việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thông qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn đã không còn là hình thức mới mẻ. Người tiêu dùng thường dễ tin tưởng và lựa chọn mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ do nghệ sĩ họ yêu thích quảng cáo mà bỏ qua các yếu tố khác.

"Theo quy định tại Điều 16 Luật Quảng cáo năm 2012, người tiếp nhận quảng cáo có quyền yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo; được tố cáo và khởi kiện dân sự theo pháp luật về dân sự.

Như vậy, người tiếp nhận quảng cáo có thể bảo vệ quyền của mình bằng cách tố cáo hành vi quảng cáo trái pháp luật và khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức quảng cáo", Luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh.

Cụ thể, với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung của các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố nói chung, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo cũng như cải chính thông tin trong quảng cáo theo quy định tại Khoản 5, Khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Các trường hợp quảng cáo mỹ phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi, chất cải tạo môi trường thủy sản quảng cáo hoặc quảng cáo cây trồng sẽ có quy định và mức xử phạt riêng tại Điều 51, Điều 52, Điều 60, Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

"Nghiêm trọng hơn, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 về tội quảng cáo gian dối cũng quy định: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm", Luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Huy Phạm

Top