Nghĩ suy từ 'Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh'

29/04/2022 8:48 AM

(Chinhphu.vn) - Bài hát "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" không chỉ tổng kết cuộc trường kỳ kháng chiến từ “mùa Thu rồi ngày 23”, mà còn khơi nguồn cả hành trình mùa xuân kiến thiết và phát triển, tiếp tục làm nên những “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”.

Chuyện kể rằng: Từ cuối năm 1974, ở Hà Nội nhạc sĩ Xuân Hồng cùng với nhà thơ Bảo Định Giang đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị vào chiến trường miền Đông Nam Bộ để cùng anh em trong Ban Văn nghệ Cục Chính trị quân giải phóng miền Nam vào mùa chiến dịch. Tại đây, nhà thơ Bảo Định Giang đọc bài thơ "Xuân Sài Gòn", trong đó có câu "Xuân này em lại gặp anh - Bến Nghé sóng hát, Bến Thành chợ đông". Nghe đến câu đó, nhạc sĩ Xuân Hồng buột miệng hát "Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la".

Năm ấy Mặt trận Tây Nguyên nổ tiếng súng khai cuộc chiến dịch mùa Xuân vào ngày 4/3/1975; hơn nửa tháng sau, chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi; Bộ Chính trị họp (ngày 25/3/1975) chuyển kế hoạch chiến lược 2 năm (1975-1976) giải phóng miền Nam thành kế hoạch giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975; sau đó kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định và toàn miền Nam được thông qua (ngày 31/3/1975).

Chiến dịch Hồ Chí Minh hình thành 5 cánh quân theo 5 hướng bao vây Sài Gòn. Chiều ngày 26/4/1975, năm cánh quân đồng loạt nổ súng, tiến công mãnh liệt trên toàn mặt trận.

Bài hát không phải là dự báo chiến lược, nhưng sự ra đời cứ đi trước lịch sử thời gian. Ngay cả bài hát thân quen "Tiến về Sài Gòn" của Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước) cũng thế, cứ tưởng là diễn tả cuộc tổng tấn công Mậu Thân (1968) hay cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 nhưng hóa ra câu hát"Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này; Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô" đã xuất hiện từ năm 1966.

Riêng bài hát "Đất nước trọn niềm vui" (nhạc sĩ Hoàng Hà) là sản phẩm trực tiếp của hiện thực lịch sử "Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng...". Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà từng tiết lộ: Từ ngày 26/4/1975, khi nghe tin tức các cánh quân đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, những hình ảnh thời ông theo đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội tái hiện sắc nét; cảm xúc cao trào và suốt đêm 26/4/1975 ở Hà Nội ông hoàn thành bài hát "Đất nước trọn niềm vui".

Ngay sáng hôm sau (ngày 27/4/1975) mang bài hát đến Đài Tiếng nói Việt Nam và nhanh chóng được duyệt, giao cho Nhà hát Giao hưởng Việt Nam để phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 1/5/1975. Bài hát sau đó được đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lấy làm nhạc hiệu; người dân Thành phố mỗi lần hát là mỗi lần xúc động "muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang", "muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!".

Trong ngày đầu tiên giải phóng, quân dân thành phố Sài Gòn cùng quân dân cả nước dâng trào cảm xúc và thương nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Niềm vui vỡ oà trong hạnh phúc vì bao nhiêu hy sinh, mất mát, đấu tranh kiên cường trong suốt 30 năm Sài Gòn cùng Nam Bộ "đi trước về sau" để có ngày giải phóng, thống nhất non sông. Khúc khải hoàn cho tinh thần, ý chí, quyết tâm của người dân đất Việt; cả bài hát vỏn vẹn 50 từ đã nói lên được tất cả những điều người dân Việt Nam mong muốn: Độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" không chỉ được nhiều người Việt Nam hát vang trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn, hội diễn, hội thi, khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng, mà còn vang lên ở nhiều nơi trên thế giới trong nhiều dịp khác nhau và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Ngày nay vẫn thế, mỗi khi rộn ràng niềm vui hạnh phúc của mùa xuân, người Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh hay bất cứ đâu đều có cảm nhận như đi trong không gian rợp bóng cờ hoa và xúc động nhẩm hát "vui sao nước mắt lại trào".

Thế mới biết "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" đã khắc họa cả đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc vào câu hát, đã tạo thành bước đồng hành cho mỗi người Việt Nam theo bước chân của đoàn quân Giải phóng "Ngày đi như trong đêm mơ; Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ" để đem "Cây xanh tươi ra lá trổ hoa; Chào mùa Xuân về với mọi nhà".

Niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành hiện thực; bài hát "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" không chỉ tổng kết cuộc trường kỳ kháng chiến từ "mùa Thu rồi ngày 23", mà còn khơi nguồn cả hành trình mùa xuân kiến thiết và phát triển, tiếp tục làm nên những "thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời".

Hà Minh Hồng

Top