Nhiều trường thiếu giáo viên trước thềm năm học mới
(Chinhphu.vn) - Các trường học trên địa bàn TPHCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị (cơ sở vật chất; phòng, chống dịch bệnh… ) để đón học sinh bước vào năm học mới. Năm nay, số lượng học sinh tăng cao nhưng nhiều trường đang thiếu giáo viên, nhất là các môn nghệ thuật.
Hoàn tất công tác chuẩn bị để đón học sinh
Đến thời điểm này, các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị để đón học sinh bước vào năm học mới. Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, hầu hết các trường đều chú trọng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết… nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 cho biết, trong thời gian nghỉ hè và thời điểm sát năm học mới, các nhân viên của trường thường xuyên dọn dẹp, làm vệ sinh các khu vực, đảm bảo mọi thứ luôn sạch sẽ, tươm tất.
"Đến nay, việc chuẩn bị cơ sở vật chất (bàn ghế, bồn nước, dung dịch rửa tay, máy đo thân nhiệt…) đã hoàn thành. Chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo môi trường tốt nhất để các em học sinh được khỏe mạnh, bình an", thầy Phú nói.
Tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Quận 6, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới. "Nhà trường chủ động thông tin công tác phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh thông qua tin nhắn, trang web, tuyên truyền để giáo viên và học sinh tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19. Cạnh đó, các nhân viên lao công, y tế và các bộ phận liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu vực, vật dụng trong trường để đảm bảo an toàn", thầy Vũ thông tin.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Bình Trần Khắc Huy, đến nay, công tác sửa chữa trường lớp tại quận Tân Bình cơ bản hoàn thiện, chỉ còn một số trường đang xây dựng dang dở. Đặc biệt, năm nay, quận Tân Bình có 6 trường tổ chức khai giảng và khánh thành cùng ngày 5/9 nhằm tạo cảm giác phấn khởi cho phụ huynh, học sinh.
"Năm học 2022-2023 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát nên hầu hết mọi người đều thoải mái, phấn khởi. Cũng hy vọng rằng chương trình mới của Bộ năm nay sẽ khởi sắc hơn", thầy Huy nói.
Thực hiện yêu cầu của thành phố, ngành y tế, Phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng tổ chức tập huấn, triển khai chỉ đạo vệ sinh chống sốt xuất huyết, loăng quăng, dịch cúm… cho các trường học trên địa bàn.
Lễ khai giảng năm nay sẽ được các trường tổ chức ngắn gọn, bao gồm văn nghệ, chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư của Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống khai trường…
Hiếm giáo viên nghệ thuật
Trong năm học 2022- 2023, TPHCM dự kiến sẽ có 1,7 triệu học sinh, tăng 21.897 học sinh so với năm học trước. Số học sinh tăng nhiều ở cấp THCS và THPT, tập trung tại TP Thủ Đức và Quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh.
Để hạn chế ảnh hưởng đến công tác dạy và học, TPHCM cần tuyển 5.214 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non cần 892 giáo viên, bậc tiểu học cần 2.355 giáo viên, bậc trung học cơ sở cần 1.698 giáo viên, bậc trung học phổ thông cần 296 giáo viên.
Và đây cũng là năm đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 10, việc lựa chọn tổ hợp môn theo nguyện vọng có thể dẫn đến tình trạng thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn kia. Dự kiến, giáo viên thiếu đa phần ở các môn như Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc…
Thầy Lê Thanh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Linh Trung, TP Thủ Đức cho biết, trường đang thiếu 11 giáo viên. Riêng giáo viên môn Mỹ thuật và Âm nhạc không có. Hiện trường đã làm báo cáo gửi Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về việc tuyển dụng giáo viên cho năm học mới và đang chờ kết quả tuyển dụng.
"Để đảm bảo công tác dạy học trong năm học 2022-2023, trường sẽ mời giáo viên dạy hợp đồng. Đối với hai môn Mỹ thuật, Âm nhạc, do không có giáo viên và học sinh cũng không đăng ký nên nhà trường không tổ chức dạy", thầy Hiếu nói.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Quận 6 Trần Quang Vũ cho biết, trường có 16 lớp nhưng chỉ có 3 lớp chọn xã hội, còn lại các em chọn tự nhiên. Do cách chọn tổ hợp môn nên việc thừa thiếu giáo viên ở trường mang tính cục bộ.
"Năm học này, trường không tổ chức dạy môn Âm nhạc do chưa hợp đồng được với giáo viên; môn Công nghệ có giáo viên nhưng chỉ có công nghệ trồng trọt, chưa có công nghệ công nghiệp; còn môn Mỹ thuật, trường có giáo viên mạnh về thiết kế nên vẫn tổ chức dạy. Riêng các môn đặc thù ở THCS, trường đang sắp xếp, tuyển chọn, hợp đồng giáo viên nhưng trước mắt chưa đáp ứng được nhu cầu do chưa có giáo viên để hợp đồng. Riêng bộ môn Vật lý, Hóa hóa thì trường dư giáo viên", thầy Vũ thông tin.
Theo thầy Vũ, chia sẻ nguồn giáo viên cũng là giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên nhưng đó là câu chuyện trong tương lai vì vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biên chế, quy định số tiết dạy, định mức của giáo viên...
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều địa phương khác ở TPHCM hiện cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Điển hình Quận 3 cần tuyển 8 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; Quận 8 cần tuyển 12 giáo viên Âm nhạc, 14 giáo viên Mỹ thuật ở bậc tiểu học và 4 giáo viên Âm nhạc, 8 giáo viên Mỹ thuật ở bậc THCS; quận Tân Bình cần tuyển 10 giáo viên Âm nhạc và 11 giáo viên Mỹ thuật ở bậc TH, THCS; quận Bình Tân cần tuyển 380 giáo viên bậc TH và THCS; TP Thủ Đức cần tuyển 22 giáo viên Âm nhạc, 24 giáo viên Mỹ thuật…
Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tân Bình Trần Khắc Huy nhận định, số lượng giáo viên và học sinh trên địa bàn không biến động nhiều so với các năm, Tân Bình vẫn đảm bảo chương trình dạy & học theo yêu cầu.
"Cơ bản ổn định, chỉ thiếu giáo viên ở những bộ môn năng khiếu, một vài môn xã hội, giáo viên thiếu chủ yếu tập trung ở khối THCS là chính, các bậc học khác tương đối ổn. Hy vọng trong đợt tuyển dụng mới sẽ cung cấp, đảm bảo được số lượng giáo viên để không phải hợp đồng hoặc phân công choàng gánh", thầy Huy nói.
Nguyễn Kim