Những ngày không thể quên - Bài 2: Chống dịch từ cơ sở

03/02/2022 7:41 AM

(Chinhphu.vn) - Mấy hôm cận tết, ông Lê Minh Phúc, Trưởng ban Mặt trận Khu phố 4, phường Đa Kao, Quận 1, ngược xuôi khắp nơi vận động để kịp gom các phần quà tặng người dân trong “xóm COVID-19” ở tổ 45 dù xóm đã hết cách ly nhiều tháng liền. Vẫn là mấy món quen nhưng bà con quý lắm. Họ quý cả người đồng hành với mình trong suốt mùa dịch. “Bà con cực lắm. Cả đợt dịch đâu ai làm ra đồng nào. Toàn lao động nghèo nên tôi thương, giúp được gì sẽ cố hết sức”, ông Phúc nói, giọng vẫn rưng rưng.

Những ngày không thể nào quên: Bài 2: Chống dịch từ cơ sở - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động thiết thực, mô hình hay đã được triển khai kịp thời giúp người dân các khu phong tỏa giải quyết vấn đề nhu yếu phẩm trong mùa dịch - Ảnh: VGP/Khởi Minh

"Dân cần thì mình giúp thôi!"

Ngoài quà tết cho bà con, ông Phúc không quên tìm thêm quà cho mấy chục đồng đội trong ban của mình. Ông nói, có chút quà mọi người thêm vui mà tiếp tục công việc chống dịch. Những ngày TPHCM nhộn nhịp đón tết, ở vai trò Trưởng ban Bảo vệ phường Đa Kao, ông vẫn hăng say với việc tuyên truyền, cung cấp thông tin mới về dịch bệnh cho người dân. Ông sợ, nếu những chiếc xe loa cứ lặng im, bà con vui đón tết lại lơ là chống dịch. Vậy là đêm nào chiếc xe loa quen thuộc cũng chạy hai tiếng đồng hồ vào từng con hẻm để "dặn dò" người dân mấy điều quen thuộc như 5K thế nào, phòng dịch ra sao. Ông muốn cùng mọi người giữ vững "vùng xanh" để bà con đón cái tết an lành, bắt đầu năm mới suôn sẻ.

Nhớ lại lúc dịch bùng phát, hẻm 31 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, nơi có hơn 30 hộ lao động nghèo thuê trọ tiêu điều đến xót xa. Trong xóm có tới 24 hộ nhiễm COVID-19, thành ổ dịch phức tạp nhất phường. Bà con toàn ở trọ, làm ngày nào lo ngày đó, có biết dư dả, tích góp là gì. Vậy nên khi bị phong tỏa, chỉ mấy ngày là họ thiếu ăn, âu lo chồng chất. Lực lượng bảo vệ trong phường thấy vậy liền đi gom từng bó rau, túi gạo mang đến sẻ chia. Lúc khó mới thấy tình người sao ấm áp, đong đầy. 

Khu phố 4 những ngày dịch diễn biến phức tạp có hai chốt "vùng xanh", đều do lực lượng cựu chiến binh và bảo vệ dân phố chia nhau canh gác. Công việc cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có hôm trở về nhà đã quá 12h khuya, ông Phúc nghe vợ con trách sao không ở nhà cho an toàn, dịch giã mà đi mãi. Nhưng người lính già có biết sợ là gì, biết cực là chi, cứ thấy dân khổ, dân cần giúp thì rủ các cựu chiến binh khác cùng chung tay. Ngoài nguồn hỗ trợ từ chính quyền, mặt trận, ông còn kêu gọi mạnh thường quân đóng góp để lo gần 7.000 suất cơm trong ba tháng liền cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch tại địa bàn.

Mấy bữa nay dạo quanh khu vực mình sinh sống, nhìn bà con rộn ràng nói chuyện tết, ông Phúc mỉm cười, thấy lòng nhẹ bâng. Ông biết, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, người dân đang bắt đầu cuộc sống mới dù có nhiều thứ đã mãi mãi khác xưa. "Nhìn thấy bà con vui vẻ lại là ấm áp trong lòng rồi. Nhớ lúc dịch căng thẳng, đêm hôm còn phải đưa người này người kia đi cấp cứu, ngày thì gửi món này món kia, lo lắng đủ điều. Ai hỏi ước mơ gì, tôi ước gì cao xa đâu, chỉ mong bà con mình khỏe mạnh và Sài Gòn đừng dịch nữa", ông Phúc hân hoan nói.

Lúc dịch COVID-19 tại TPHCM bước vào giai đoạn căng thẳng nhất, ngày nào ông Lê Đức Hòa, Bí thư Đảng bộ bộ phận, Trưởng khu phố 5, Phường 22, quận Bình Thạnh cũng rời nhà từ 6h sáng và quay về khi trời tối mịt. Thời điểm đó, Nhà văn hóa Khu phố 5 trở thành điểm tập kết nhu yếu phẩm, thuốc men và một số vật tư y tế do một đại đức quyên góp từ cộng đồng để hỗ trợ F0 khó khăn, người nghèo. Ông Hòa cùng các cựu chiến binh trong tổ bảo vệ khu phố chia nhau các phần việc quan trọng như phân chia quà cho các hộ F0, giữ kho, điều tiết xe cộ ra vào.

Điểm tập kết hàng hóa giúp đỡ bà con mùa dịch là "vùng xanh", nhưng sát đó là "vùng đỏ" vì nguyên con hẻm toàn F0. Vậy mà ông Hòa có sợ gì đâu. Cứ có phần quà nào, ông đều chuyển đến nơi. Mấy tháng liền làm công việc cộng đồng, chẳng cần chế độ gì, niềm vui ông Hòa mang về cho chính mình là lời cảm ơn sau lớp khẩu trang của người dân trong khu phố. "Mình sống ở đây, giúp được gì cho bà con là thấy hạnh phúc. Mấy anh em chúng tôi luôn dặn nhau phải giữ cho được "vùng xanh" này để giúp được nhiều người hơn. Giờ dịch ổn định rồi, coi như mình hoàn thành nhiệm vụ", ông Hòa vui vẻ cho hay.

Những ngày không thể nào quên: Bài 2: Chống dịch từ cơ sở - Ảnh 2.

Suốt mùa dịch, nhiều lao động nghèo thuê trọ tại quận 7 được nhận quà hỗ trợ tận cửa và đăng ký mua hàng giao tận nhà miễn phí - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Hỗ trợ… tận cửa

Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9/2021, tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM diễn biến vô cùng phức tạp, có ngày hơn 12.000 ca nhiễm mới. Rất nhiều khu trọ trở thành ổ dịch, lệnh phong tỏa này vừa hết lại chồng thêm lệnh phong tỏa mới khiến nhiều người mỏi mệt, hoang mang. Đúng lúc đó, nhờ sự hỗ trợ, động viên kịp thời từ cán bộ cơ sở, đặc biệt là các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu phố hay đoàn viên thanh niên, tình nguyện viên… người dân trong từng hẻm nhỏ, ngõ ngách thấy lòng bớt chông chênh.

Như bao tổ trưởng khác, những ngày TPHCM tiến hành giãn cách xã hội là lúc ông Huỳnh Tấn Đức, Tổ trưởng tổ 23A, Phường 12, Quận 10 bận rộn nhất. Dù không gặp nhau nhưng mỗi ngày, các tin nhắn từ nhóm trò chuyện với cư dân trong tổ trên ứng dụng Zalo liên tục được gửi đến điện thoại ông Đức. Có người nhờ mua cái này, người cần hỗ trợ cái kia, rồi có người hỏi "Bao giờ được tiêm vaccine?". Mỗi thắc mắc đều được ông từ tốn trả lời. Mỗi lời nhờ giúp đỡ đều thôi thúc ông tìm cách hỗ trợ, đến khi nào được mới thôi.

Hơn 60 tuổi, ông Đức tham gia Tổ COVID cộng đồng tại địa phương, ngoài việc hỗ trợ bà con về an sinh xã hội ông còn phụ lên danh sách để mọi người đi tiêm vaccine. Cả tổ có 31 hộ với hơn 150 nhân khẩu thì hơn 1/3 là gia đình khó khăn và sinh viên nghèo. "Thành phố giãn cách rồi giãn cách tăng cường, khó nhất vẫn là nguồn lương thực, thực phẩm cho bà con nghèo, các cháu sinh viên. Thực phẩm lúc đó có tiền mua còn khó chứ nói gì người nghèo, tiền đâu mà tích trữ. Vậy nên, ngoài chính sách chung, tôi cùng các anh em vận động thêm để san sẻ khó khăn. Nghe dân phản ánh là mình phải giúp, đem tới tận cửa, không cần gặp mặt, dịch mà, cứ an toàn là trên hết. Từng là người lính, tôi vui khi ở mặt trận nào cũng nghĩ đến người dân và tìm cách vượt qua khó khăn", ông Đức cho biết thêm.

Những ngày không thể nào quên: Bài 2: Chống dịch từ cơ sở - Ảnh 3.

Trưởng khu phố 1, phường Tân Phong, Quận 7 Đỗ Thị Lý đang hướng dẫn người dân cách làm các thủ tục để hưởng chính sách hỗ trợ mùa dịch - Ảnh: VGP/Khởi Minh

Đến tận bây giờ, khi Quận 7 là "vùng xanh" từ lâu lắm rồi, bà Đỗ Thị Lý, Trưởng khu phố 1, phường Tân Phong vẫn chưa thể quên những ngày nơi mình sinh sống bị phong tỏa cả tháng trời. Đoạn đường dài hơn 500 mét với gần 600 hộ dân, đa phần là lao động nghèo, ở trọ san sát nhau. Vậy nên tốc độ lây lan rất nhanh. Là thành viên "Tổ tự quản về an sinh xã hội tại địa bàn dân cư" ở Tổ 1-2-7, Khu phố 1, bà Lý công khai số điện thoại cá nhân để ai gặp khó có thể liên hệ ngay. Bà Lý kể lại: "Điện thoại tôi trong đợt khu phố bị phong tỏa reo liên tục từ sáng đến khuya, toàn là bà con than khó. Phường cũng hỗ trợ nhưng người dân khu vực này nghèo lắm, chúng tôi buộc phải kết nối để xin thêm nhiều nguồn. Từ bó rau, túi gạo đến thịt cá, mạnh thường quân tặng gì cũng quý. Nhận quà về, chúng tôi chia đều, đưa cho từng chủ nhà trọ và nhờ đặt trước phòng từng người thuê. Mọi người không cần đi đâu, nhu yếu phẩm sẽ được giao tận cửa".

Mấy ngày đầu khi đoạn đường nhỏ nối ba tổ 1-2-7 bị phong tỏa, thấy ông Nguyễn Văn Hạnh, Tổ trưởng tổ 7 liên tục ra chốt nhận hàng tiếp tế, nhiều người tặc lưỡi, trách thầm "Nhận gì mà nhận nhiều, nhận liên tục vậy không biết". Chỉ mấy chục phút sau, mọi người hiểu ra những phần quà thiết thực đó ông Hạnh đâu nhận cho riêng mình mà đem về để chia đều cho bà con trong xóm. Thấy tổ trưởng xông xáo, tình nguyện viên tìm đến giúp ông ngày một nhiều.

Đội tình nguyện viên trẻ cứ vậy tham gia xịt khuẩn, bưng gạo vác dầu, chia bánh trái, thịt cá và thường xuyên đi nhắc nhở người dân hạn chế tối đa việc ra khỏi nhà. Các mối quan hệ quen biết được ông Hạnh tận dụng tối đa. Lúc xin thuốc khử khuẩn, khi tìm thêm nguồn bánh, thịt bò cho bà con tẩm bổ. Bà con hiểu tấm lòng tổ trưởng, trưởng khu phố cùng các thành viên trong tổ tự quản nên hợp tác rất tốt. Ai có sức, giúp sức, ai có của, giúp của, chung tay hỗ trợ tốt nhất cho những hộ cực kỳ khó khăn, có người bị nhiễm COVID-19…

Xông xáo, thậm chí xông pha, chấp nhận rủi ro mùa dịch, điều những cán bộ cơ sở mong muốn là người dân không vì thiếu thốn mà mất niềm tin vào chặng đường chống dịch của thành phố. Và khi đồng hành cùng người dân, những hy sinh lặng thầm của họ đã được nhìn thấy, thấu cảm. Dân thương nên nói dân nghe. Dân thương nên có gì dân cũng kể. Từng mạng lưới được kết nối tận các ngõ ngách giúp chính quyền các quận, huyện tại TPHCM có những chính sách thiết thực, kịp thời hơn cho người dân trong đợt dịch chồng chất khó khăn. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng sự sẻ chia, đồng cảm vẫn còn đó trong tim mỗi người./.

>> Bài 3 - Mô hình hay từ thực tiễn

Khởi Minh

Top