Những tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc

17/01/2022 8:17 AM

(Chinhphu.vn) - Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Những tấm lòng luôn hướng về Tổ Quốc - Ảnh 1.

Cộng đồng người Việt Nam tại London (Anh) ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 số tiền gần 305 triệu đồng - Ảnh: MTTQ

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển. Đại bộ phận đồng bào đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết: Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực "mềm', nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhận định, Kiều bào của chúng ta trong nhiều năm qua có những đóng góp hết sức thực chất và hiệu quả vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trên hai lĩnh vực tài lực và trí lực.

Theo lãnh đạo TPHCM, sự gắn kết chặt chẽ của người Việt ở trong và ngoài nước không chỉ là nguồn tiền, hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới gửi đến các lực lượng tuyến đầu và người dân khó khăn, mà còn là những hiến kế, giải pháp, đồng hành của bà con Kiều bào trong quá trình khôi phục kinh tế, vượt qua đại dịch. 

Giúp quê hương bằng những việc làm thiết thực

Dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 5,2% so với năm 2020. Ước đạt 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới). Kiều hối về TPHCM vẫn tăng 9% so với năm trước, ước đạt 6,6 tỷ USD.

Hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, kiều bào đã quyên góp hơn 80 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19. Nhiều cá nhân, hội, đoàn đã chuyển về nước khối lượng lớn máy trợ thở, thuốc trị COVID-19, kit xét nghiệm COVID-19… Nhiều bác sĩ (BS), chuyên gia giỏi về dịch tễ Việt kiều ngay từ đợt dịch thứ 1, đã thường xuyên đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm chống dịch, cung cấp kiến thức về dịch tễ. Góp ý cho Chính phủ những biện pháp cần làm trong tình hình thích ứng mới. Nhóm bác sỹ (BS) Hoa Kỳ: PGS, BS Lý T.Lương (ĐH Y Loma Linda, California); PGS, BS Đoàn Đào Viên (ĐH Y khoa Riverside, ĐH California); Đại tá, BS Huỳnh Khải Tinh - Quân y Bộ binh Hoa Kỳ; PGS, BS Lê Trần Hoàng (ĐH Y Arizona) đã tư vấn từ xa, giúp chữa trị kịp thời cho nhiều F0 tại Đồng Nai và Tiền Giang…

Kiều bào tiếp tục đóng góp cho đất nước trong lĩnh vực công nghệ cao. Các mạng lưới: Đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… tiếp tục những hoạt tổ chức Hội trí thức Việt kiều tại nhiều quốc gia tiếp tục hoạt động hiệu quả. Nhiều tổ chức mới được thành lập: Liên hiệp các Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại châu Âu (9/2021). Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ (12/2021). Tổ chức Chung tay vì Việt Nam với sứ mệnh kết nối cá nhân và tổ chức người Việt ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề cấp bách (thiên tai, dịch bệnh, khuyến học, xóa đói giảm nghèo…).  

Với tâm niệm "Cầu không bắc qua sông. Cầu nối những tấm lòng", 17 năm qua, kỹ sư Nguyễn Văn Công (Việt kiều Pháp) và những người bạn của ông đã và đang tiếp tục xây dựng 270 cây cầu nông thôn tại các tỉnh, thành ở Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên. Những cây cầu bê tông thay thế cầu khỉ, cầu tre vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện miền núi Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. 

Hay Daniel Nguyễn Hoài Tiến, sinh ra và lớn lên ở bang California, Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học, đã về Việt Nam, chọn đến vùng sâu, vùng xa, đến với bà con dân tộc thiểu số. Tham gia nhiều công việc phát triển kinh tế cộng đồng.

Góp phần phổ biến văn hoá Việt Nam

Tháng 5/2021, truyện ký "Kiều bào với Trường Sa" của nhà văn nữ Hiệu Constant, Việt kiều Pháp đã chính thức ra mắt, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả trong và ngoài nước. Tác phẩm là những ghi chép chân thực, sống động về chuyến công tác của đoàn kiều bào từ 24 quốc gia ra thăm quần đảo Trường Sa năm 2018. Họa sĩ Mai Trung Thứ, Việt kiều Pháp là người đã góp phần lưu giữ những thước phim tư liệu lịch sử với những hình ảnh quý giá về lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Mới đây, 140 tác phẩm của ông vinh dự được trưng bày trong triển lãm "Mai Thứ - Tiếng vọng từ một Việt Nam trong mơ" (Mai Thu- Écho d'un Vietnam rêvé) từ 7/7/2021 đến 2/1/2022 tại Paris.

Cần có cơ chế thực chất để thu hút và trọng dụng

Ông Lương Thanh Nghị mong muốn các cơ quan có liên quan cùng với Bộ Ngoại giao xây dựng cơ chế chính sách hoàn thiện hơn, thực chất hơn để thu hút ngày càng đông sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt là phải xây dựng được môi trường để các nhà khoa học tự do sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của khoa học - công nghệ trong nước. Theo Ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ thì trọng dụng là vấn đề then chốt. Các địa phương phải có chính sách, chế độ ưu đãi hết sức cụ thể cho kiều bào trí thức.

Kim Ngân

Top