Nông sản Việt hướng tới chế biến sâu - gia tăng giá trị xuất khẩu
(Chinhphu.vn) - Các hiệp định thương mại đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng các sản phẩm nông sản hàng đầu thế giới: Đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu, và thứ ba về gạo…
Chia sẻ tại hội thảo "Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế" diễn ra ngày 7/6 tại TPHCM, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, nông sản Việt đang chuyển dần từ xuất khẩu thô sang tăng tỉ lệ xuất khẩu tinh, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, xuất khẩu nông sản thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói là so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhiều nhóm hàng đã nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, cà phê đạt 2,9 tỷ USD tăng 44,1%, gạo đạt 2,65 tỷ USD tăng 38,2%, rau quả đạt 2,59 tỷ tăng 28,1%, tôm đạt 1,3 tỷ USD tăng 7,5% …
Mặc dù xuất khẩu nông sản Việt Nam đang khởi sắc trở lại, nhưng theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Cụ thể, tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; những tác động tiêu cực của xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu nông sản cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Ở góc độ địa phương, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đặc biệt là nông sản và thực phẩm chế biến là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, hằng năm đóng góp 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố.
Thời gian qua, TPHCM luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố đã có sự phục hồi khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của 4 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng rất tốt, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó mặt hàng gạo tăng 74,5%, cà phê tăng 94,3%, hạt tiêu tăng 88%, thủy sản tăng 47,5%, rau quả tăng 56,3%...
Để hỗ trợ các DN xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó có nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế, chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế'' (Viet Nam International Sourcing 2024) đang diễn ra từ ngày 6 - 8/6 tại TPHCM, thu hút 300 nhà mua hàng quốc tế cùng hàng trăm doanh nghiệp trong nước tham gia. Các nhà mua hàng quốc tế như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản), Walmart, Amazon, Safeway (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp), Falabella (Chile), Coppel (Mexico), Central Retail (Thái lan), Lotte (Hàn Quốc), Miniso (Trung Quốc)… đều có chung nhận định, hàng Việt có chất lượng và tiềm năng xuất khẩu vào chuỗi cung ứng của họ. Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng chất lượng cao đến với người tiêu dùng toàn cầu.
Anh Lê