Phòng cháy, chữa cháy - Bài 1: Cần nhìn đúng bản chất vấn đề

06/10/2023 10:29 AM

(Chinhphu.vn) - Vụ hỏa hoạn xảy ra tại “chung cư mini” ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây gây thương vong đặc biệt lớn, chỉ sau vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ở TPHCM năm 2002. Theo các chuyên gia, nhiều vụ hỏa hoạn lẽ ra đã không gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản nếu công tác phòng cháy, chữa cháy được chuẩn bị tốt, nhất là hiểu biết của người dân.

Phòng cháy, chữa cháy - Bài 1: Cần nhìn đúng bản chất vấn đề - Ảnh 1.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza phát sinh từ việc cháy từ một xe gắn máy tại tầng hầm, sau đó lan các xe khác. Khói, khí nóng và độc theo lối buồng thang thoát hiểm dẫn lên các tầng nổi phía trên chung cư. Khi xảy ra cháy hệ thống báo cháy đã không kịp thời báo cháy, chữa cháy tự động, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 13 người tử vong, hơn 50 người bị thương - Ảnh: VGP

Chủ đầu tư không tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy

Trao đổi cùng Báo Điện tử Chính phủ, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM nhấn mạnh, nhà ở là nhu cầu cơ bản. Với khả năng thu nhập của mình, mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng về nơi ở. Tuy nhiên, cháy nổ có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu, không riêng gì nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại.

Nhiều năm gắn bó với công tác khám nghiệm, điều tra hiện trường hàng trăm vụ cháy nổ, Thượng tá Lê Mạnh Hà đúc rút được nhiều kinh nghiệm, bài học thực tế trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ông cho biết những vụ hoả hoạn như vậy thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng có thể gây ra hậu quả lớn. Một là sự tuân thủ quy định từ phía chủ đầu tư, người tổ chức sử dụng chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Hai là kiến thức về phòng cháy và kỹ năng thoát hiểm của người dân khi xảy ra sự cố cháy nổ.

"Cháy ở hầm để xe rất nguy hiểm do cháy xăng, các sản phẩm nhựa. Khói độc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết người trong những vụ hoả hoạn. Khói độc lan lên rất nhanh. Nếu lối thoát nạn của tòa nhà không an toàn (lối thoát nạn cầu thang bộ đi thẳng từ hầm lên các tầng; buồng thang hở trong nhà…), người dân không có kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy thì rất nguy hiểm. Vụ cháy tại Khương Hạ ở Hà Nội vừa qua và vụ cháy chung cư Carina tại TPHCM trước đây, nếu biết xử lý tình huống phù hợp sẽ rất ít người thương vong, nếu không muốn nói không ai phải chết", Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết.

Vụ cháy ở chung cư Carina năm 2018 khiến 13 người tử vong luôn là nỗi ám ảnh của ông và hàng triệu người dân TPHCM. Thực tế, những người tử vong là do ngạt khói, cụ thể: khi xảy ra cháy, tòa nhà bị cúp điện, nghe báo cháy người dân hoảng loạn chạy từ trong phòng ra ngoài hành lang, tìm mọi cách thoát ra hướng cầu thang bộ để xuống đất bằng mọi giá, dù lúc này hành lang phía trước và cầu thang bộ đã bị nhiễm khói độc. Khi di chuyển được khoảng thời gian ngắn, nhiều người dân bị ngạt khói, ngất xỉu và tử vong. Sau đó lửa, hơi nóng lan đến gây ra các vết bỏng, cháy nhưng không phải là nguyên nhân chính gây tử vong.

Trường hợp này, nếu người dân quay vào phòng, đóng chặt cửa và chèn chặt khe cửa bằng vải, khăn ướt không cho khói độc lan vào, có thể mở cửa, đục lỗ thông hơi phía sau căn hộ nếu thấy an toàn (không bị nhiễm khói), nếu có khói vào nhà thì hạ thấp người để tránh và bịt mũi bằng khăn ướt, chờ an toàn hoặc điện báo lực lượng cứu hộ tới hoặc đi ra khu cửa sau, không bị khói vào… thì thương vong đã không xảy ra. 

Với vụ cháy ở Khương Hạ, nếu chấp hành đúng quy định PCCC, tòa nhà phải có 2 cầu thang bộ, hầm để xe phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động... Bên cạnh đó, nếu người bảo vệ trực có kĩ năng PCCC, xử lý tình huống ngay ban đầu thì câu chuyện đã khác.

"Điều quan trọng là chủ đầu tư không chấp hành nghiêm quy định PCCC. Quy định, quy chuẩn rất đầy đủ. Đối với chung cư, hầm để xe phải có hệ thống chữa cháy tự động, cầu thang bộ không được đi thẳng từ dưới hầm xe lên các tầng trên mà chỉ tới tầng trệt. Nếu thang bộ toà nhà xây thông từ dưới hầm đi lên, khi xảy ra cháy sẽ giống như ống khói, rất nguy hiểm", ông Hà nói.

Phòng cháy, chữa cháy - Bài 1: Cần nhìn đúng bản chất vấn đề - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa vụ cháy "chung cư mini ở Khương Hạ (Hà Nội) trong điều kiện ngõ sâu, không gian chật hẹp. Vụ cháy khiến 56 người thiệt mạng

Có kĩ năng phòng cháy, chữa cháy sẽ rất ít thương vong

Ngoài việc trang bị những phương tiện báo cháy, chữa cháy phù hợp. Điều quan trọng là người dân cần trang bị những kiến thức, kĩ năng phòng cháy và chữa cháy (PCCC), kĩ năng thoát hiểm để tự cứu mình và tham gia chữa cháy và cứu hộ khi không may hoả hoạn xảy ra.

Trong trường hợp cháy ở ngoài, Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo người dân phải quan sát kỹ tìm nơi thoát hiểm an toàn. Ông nhấn mạnh người dân không bằng mọi giá đi ra cầu thang bộ để thoát xuống đất. "Đó là sai lầm nguy hiểm nhất với những người ở chung cư. Trước khi đến ở bất cứ nơi nào, cần quan sát kỹ, nếu không may có sự cố cháy nổ xảy ra mình và gia đình sẽ thoát hiểm theo hướng nào", ông Hà chia sẻ kinh nghiệm.

Tòa nhà cháy ở Khương Hạ (Hà Nội) là nhà ở riêng lẻ nhưng chủ đầu tư tự chuyển đổi công năng sang bán, cho thuê theo dạng chung cư. Hiện rất nhiều nhà ở riêng lẻ đang chuyển đổi công năng sử dụng. Vấn đề ở đây là phải quản lý, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện chấp hành đúng quy định. Với người dân, cần hướng dẫn kĩ năng, cách xử lý linh hoạt nếu xảy ra sự cố, như dùng bình chữa cháy không được thì có thể dùng cát, hay hệ thống chữa cháy vách tường để dập lửa…

Ngoài ra, phải hết sức lưu ý xem điểm, khu vực cháy ở đâu, gốc lửa ở chỗ nào, phải xịt vào gốc lửa để ngăn chất cháy tiếp xúc với không khí mới dập tắt được đám cháy. Nếu đứng xa xịt vào nhiều khi lại thổi ngọn lửa bén sang chất cháy khác khiến cháy lan nhanh hơn.

Nhớ lại vụ cháy ô tô ở chung cư Bình Khánh, Quận 2 (nay là TP. Thủ Đức) khi còn làm công việc khám nghiệm hiện trường, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, ban đầu, xe chỉ bị sự cố chập đèn nhưng lực lượng bảo vệ cứ loay hoay, xe cháy bên trong mà cứ dùng bình chữa cháy xịt thổi lên nắp capo chẳng có tác dụng gì. Tới khi cháy to lên mới báo lực lượng PCCC thì xe cháy rụi rồi. May mắn là xe ở khoảng cách xa so với những chiếc xe khác nên không ảnh hưởng nhiều. 

"Nếu không biết chữa cháy, hãy di dời những chất dễ cháy xung quanh ra cũng là một cách để chữa cháy", Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến nghị từ vụ việc.

Huy Phạm

Bài 2: Đừng để xảy cháy mới tìm giải pháp

Top