Lối thoát nạn thứ 2: Yếu tố quyết định bảo vệ sinh mạng trong các vụ cháy
(Chinhphu.vn) - Ngày 25/9, ba thành viên trong gia đình ở phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức thoát khỏi vụ cháy trong đêm nhờ lối thoát nạn thứ hai. Vụ việc cho thấy tầm quan trọng của việc bố trí lối thoát hiểm thứ hai ở nơi sinh hoạt.
Thông tin ban đầu, vụ cháy xảy ra vào ban đêm trong căn nhà 3 tầng tại đường số 2, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức. Thời điểm này, có 4 người ở trong nhà. Ngay khi phát hiện vụ việc, ba người trong gia đình nhanh chóng chạy lên tầng 3, ra ban công leo qua nhà hàng xóm thoát nạn.
Nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP. Thủ Đức (gồm 8 xe cùng 52 CBCS) nhanh chóng đến hiện trường lúc 2h28' triển khai lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy hoàn toàn vào lúc 2h50' cùng ngày. Vụ cháy khiến người giúp việc tử vong. Công an đang điều tra làm rõ vụ việc.
Vụ việc cho thấy lối thoát nạn thứ 2 là chìa khoá quyết định giúp 3 người thoát nạn an toàn. Đây cũng là vấn đề TPHCM liên tục tuyên truyền trong những năm qua. Đặc biệt vài năm trở lại đây, phong trào vận động các gia đình bố trí lối thoát nạn thứ 2 liên tục được đẩy mạnh tuyên truyền trên toàn Thành phố.
Thực tế nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra với thiệt hại lớn về người và tài sản khi nhà chỉ có một lối thoát nạn duy nhất.
Trao đổi cùng Báo điện tử Chính phủ, một cán bộ đội tuyên truyền của Cảnh sát PCCC TPHCM nói nhiều người đang hiểu nhầm bố trí lối thoát nạn thứ hai là phải đập nhà, xây lại.
"Lối thoát nạn thứ hai là lối thoát nạn mà người dân có thể theo đó ra khỏi đám cháy an toàn khi lối thoát nạn chính bị cản trở không thể thoát nạn ra được do bị cháy, có chướng ngại vật cảm trở... Một số cách tạo lối thoát nạn thứ 2 như: Ra ban công leo qua nhà bên cạnh hoặc leo xuống đất bằng thang dây, dây hạ chậm hoặc các loại dây có thể leo xuống được. Cũng có thể trang bị dung cụ phá dỡ (búa tạ, xà beng, kìm cộng lực...) để cắt, đập, phá dỡ tường, cắt cửa, cắt sắt... để tạo lối thoát nạn ra ngoài an toàn. Hoặc trổ mái nhà, tạo thành lối thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố về cháy, có thể leo lên trên qua mái tôn di chuyển ra nơi an toàn...", cán bộ đội tuyên truyền Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết.
Trong trường hợp nhà chỉ có cửa chính là lối thoát nạn duy nhất và đã bị lửa bao trùm, không còn lối thoát nạn nào khác, theo vị cán bộ, hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể.
Huy Phạm