Quản lý môi trường: Xây dựng kênh liên lạc để lắng nghe ý kiến người dân

28/09/2023 6:26 PM

(Chinhphu.vn) - Sau khi UBND TPHCM có chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất xen cài trong khu dân cư nhằm đảm bảo an toàn môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã có những động thái bước đầu, tuy nhiên công tác này đến nay còn nhiều bất cập.

Quản lý môi trường: Xây dựng kênh liên lạc để lắng nghe ý kiến người dân - Ảnh 1.

Một cơ sở buôn bán than củi trong khu dân cư trên đường Lương Ngọc Quyến, phường 13 (quận Bình Thạnh, TPHCM) - Ảnh: SGGP

Nhiều nỗ lực trong quản lý ô nhiễm môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết sau khi có chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở đã có công văn gửi UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Ban quản lý các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao về thực hiện kế hoạch tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Đến nay, nhiều quận, huyện đã đẩy mạnh kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, một số đơn vị đã có báo cáo kết quả gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên toàn địa bàn thành phố giúp phát hiện, xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm, nhắc nhở các cá nhân, đơn vị chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát, Sở còn vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn ký cam kết về bảo vệ môi trường, đảm bảo rác thải, nước thải, chất thải xây dựng… được thải bỏ, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND các địa phương cũng chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường như xây dựng, buôn bán lấn chiếm lòng đường, xả rác và xả nước thải không đúng nơi quy định; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, xử lý vi phạm hành chính các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về công tác xử lý, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã xử phạt 20 đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm xen cài trong khu dân cư, tổng số tiền phạt hơn 2.226.000.000 đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép; thải chất gây mùi khó chịu, hôi thối vào môi trường; không nộp hồ sơ cấp quyền khai thác nước dưới đất; nộp hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất không đúng thời hạn hay không có giấy phép môi trường theo quy định…

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư trên địa bàn, trong đó có công tác cưỡng chế buộc đình chỉ hoạt động, buộc di dời còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, các biện pháp cưỡng chế theo quy định hiện nay cơ bản là buộc đối tượng vi phạm nộp tiền phạt, khó buộc đối tượng vi phạm ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường để chấp hành quyết định xử phạt, hoặc khắc phục hậu quả, cũng như buộc di dời.

Trường hợp bị đình chỉ hoạt động, buộc di dời công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cơ quan chức năng tiến hành niêm phong máy móc, thiết bị, nhà xưởng của đối tượng vi phạm theo quy định, tuy nhiên các đối tượng này thường tự tháo bỏ niêm phong để tiếp tục sản xuất, khóa trái cửa không làm việc với đoàn kiểm tra,… Do đó, việc xử lý vi phạm rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều công sức để ngăn chặn tái phạm.

Về những cơ sở nằm xen cài trong khu dân cư không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không có giấy phép môi trường theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết Nghị định số 45 của Chính phủ quy định biện pháp khắc phục là buộc di dời dự án đầu tư, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch được thông qua, UBND TPHCM sẽ ban hành Quy hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố và Sở sẽ rà soát tiêu chí "không phù hợp quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải" để áp dụng hình thức buộc di dời đối với các cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng vừa tham mưu UBND Thành phố văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, trình cấp có thẩm quyền bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm; ban hành quy chế phối hợp thực hiện cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, góp ý dự thảo về quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên, trong đó có nội dung đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên sẽ không tiếp tục gia hạn đầu tư hoặc không cấp giấy phép đầu tư mới.

Thời gian tới, Sở Tài Nguyên và Môi Trường sẽ hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý về môi trường chung của thành phố. Qua đó, công tác kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường giữa sở ngành, quận huyện, thành phố và đơn vị có liên quan được thuận tiện, kịp thời.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo kế hoạch trong năm 2023.

Kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm, nguồn thải lớn. theo đó, sẽ lập danh sách, thống kê các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm, yêu cầu các cơ sở thuộc đối tượng nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định để kiểm tra, giám sát.

Xây dựng kênh liên lạc với cộng đồng xung quanh để lắng nghe ý kiến và phản hồi từ người dân…; tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất tại khu vực giáp ranh tỉnh Bình Dương, nhất là việc kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022 - 2025.

Đối với khu vực giáp ranh tỉnh Long An, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND Thành phố ký kết với UBND tỉnh Long An Kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm tại khu vực giáp ranh Long An.

Ngọc Tấn

Top