Sắc thái
300 năm là quãng thời gian không dài đối với lịch sử của một thành phố lớn và năng động như thành phố Hồ Chí Minh, nhưng điều đó không có nghĩa là thời gian chưa đủ để hình thành nên một sắc thái riêng cho thành phố, góp phần làm phong phú gia tài văn hoá chung của dân tộc. Trong sự đóng góp ấy không thể không kể đến di sản về kiến trúc và đô thị của Sài Gòn, bởi đó là những biểu hiện của nền văn hoá ấy về phương diện vật chất. Chính từ trong sâu thẳng những khía cạnh của mình, thành phố Sài Gòn hôm qua và thành phố Hồ Chí Minh hôm nay có thể đã trở thành một hiện tượng văn hóa độc đáo với nhiều giá trị rất đáng trân trọng.
Sắc thái Sài Gòn trong kiến trúc đề cập ở đây sẽ được giới hạn với những công trình kiến trúc của thành phố Sài Gòn được xây dựng bắt đầu từ khi có sự tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, tức là từ sau 1859 khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta.
Giới hạn trên bắt nguồn từ thực tế là thực thể kiến trúc – đô thị hiện tồn tại của Sài Gòn chủ yếu được xây dựng trong thời gian này. Nói như thế không có nghĩa là có thể bỏ qua hai trường hợp đặc sắc là Qui thành xây dựng 1789 theo lệnh của vua Gia Long và Phụng thành xây dựng 1836 theo lệnh vua Minh Mạng. Vì cả hai thành trì này đã được xây dựng với một sự kết hợp hài hoà giữa một bên là kỹ thuật phương Tây với một bên là triết lý cổ truyền phương Đông.
Môi trường văn hoá của Việt Nam thời thuộc địa, mà Sài Gòn cũng không là ngoại lệ, trong mức độ khái quát nhất cũng thấy rằng các giai tầng và các thế hệ khác nhau dù muốn hay không cũng đều chịu ít nhiều ảnh hưởng của văn hoá phương Tây. Có ba kiểu ứng xử văn hoá có thể gặp dẫn đến những giải pháp khác nhau trong giai đoạn này là :
Thứ nhất là đối đầu, chối bỏ hoàn toàn nhưng không phải là thái độ phổ biến của một dân tộc vốn sống ở giữa các dòng giao lưu văn hoá như dân tộc ta.
Thái độ ứng xử thứ hai là chấp nhận vô điều kiện sự áp đặt văn hoá một cách "tự nhiên". Ngay sau khi người Pháp thiết lập chế độ thuộc địa của họ ở Nam kỳ, thì một trong những khó khăn đầu tiên của họ là nhu cầu xây dựng cơ ngơi cho chính quyền thuộc địa trở nên rất bức thiết, trong khi đó nguồn vật liệu xây dựng bền vững, hiện đại như sắt, xi măng, kính, gạch men… và nguồn nhân công lành nghề, quen với kỹ thuật xây dựng mới ở tại chỗ còn rất khan hiếm. Thậm chí cả dinh Thống soái Nam kỳ đầu tiên ở Sài Gòn cũng vẫn là một kiến trúc bằng gỗ lắp ghép đặt mua từ Singapore. Chính vì vậy mà họ bắt buộc phải nhập khẩu ồ ạt một lượng lớn vật liệu và kỹ thuật cũng như thợ xây dựng lành nghề từ Quảng Châu (Trung Quốc), Hồng Kông, Singapore, Pháp… vào Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, gương mặt của kiến trúc Sài Gòn bắt đầu có những dấu hiệu mới mẻ, thể hiện sự chuyển giao của những vật liệu và công nghệ mới, cùng với nó là những dấu ấn văn hoá đến từ châu Âu. Trên bình diện tổng thể có thể nói rằng, những cơ sở kiến trúc đầu tiên mà chính quyền thực dân ở Sài Gòn phải quan tâm là các đồn binh, trại lính, đường xá, cầu cống, bệnh viện và công sở hành chính là những công cụ trực tiếp phục vụ cho bộ máy cai trị. Sau đó là các loại hình kiến trúc khác như: bưu điện, toà án, nhà ga, bến cảng, ngân hàng, chợ, cửa hàng, bảo tàng, nhà hát, sân vận động, trường học,… để thực hiện âm mưu tăng cường khai thác, bóc lột và nô dịch lâu dài nước ta. Có thể coi đây là giai đoạn chuyển giao văn hoá theo lối “áp đặt”, vì trong đó các mối quan hệ của nền văn hoá đến từ bên ngoài với môi trường văn hoá tự nhiên và văn hóa bản địa không được lưu ý. Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc sống bản địa lại không thể dung hợp, vì thực tế là chúng ta hiện đang thừa hưởng một di sản đô thị có giá trị, như nhiều nhà đô thị học nước ngoài từng nhận định: “cái dấu ấn Pháp” của các đô thị ở Việt Nam mà không phải quốc gia nào ở châu Á cũng có được!
Ảnh hưởng của các phong cách kiến trúc phương Tây vào kiến trúc hiện đại nước ta tạo nên sự phong phú đa dạng của kiến trúc Việt Nam. Bức tranh nhiều màu sắc của kiến trúc hiện đại Việt Nam nói lên nhiều điều về lịch sử phát triển đất nước cũng như sự giao lưu với văn hoá phương Tây và di tích của thời kỳ thuộc Pháp".
Nhưng đáng chú ý là ngay cả các kiến trúc của Sài Gòn thuộc giai đoạn “áp đặt văn hóa” này cũng không hoàn toàn là các kiểu cách "thuần Pháp", hay "rập khuôn châu Âu". Có thể tạm kê ra đây một số công trình tiêu biểu như:
- Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Tân Định, Nhà thờ Chợ Quán, Nhà thờ Văn Lang… với phong cách Romanesque là chủ đạo trong việc sử dụng các cung tròn trên các cửa sổ, cửa đi…
- Nhà thờ Huyện Sĩ, Nhà thờ Cha Tam nổi bật với phong cách Gothic trên hệ thống các khung cửa hình lưỡi mác nhọn sắc.
- Nhà văn hoá thiếu nhi thành phố, Bảo tàng Cách mạng, Bưu điện, Tòa án… với phong cách Phục Hưng cân đối và giàu nhịp điệu trong sử dụng các thức cột Hy-La.
- Dinh Xã Tây (nay là Trụ sở UBND), với phong cách Baroque thể hiện trên bề mặt no đủ với các trán tường hình cung khuyết trên đó đặt những nhóm tượng đa dạng.
- Dinh Norodom (nay là Dinh Thống Nhất), Nhà hát lớn… với phong cách Cổ đển Pháp uy nghi khi sử dụng những mái cao (mansard), lợp ngói ardoise, cửa sổ mái (lucarnes)… Ở “pha thứ hai” ta lại bắt gặp một kiểu pha trộn khá đặc sắc giữa hai phong cách văn hoá Hoa và Pháp trong khu vực Chợ Lớn (Phố Triệu Quang Phục và Hải Thượng Lãn Ông, quận 5); hay ở khu vực chợ Cũ (đường Hồ Tùng Mậu, quận 1) ta còn có thể thấy sự đa dạng hơn với những kiểu pha tạp giữa các yếu tố Việt – Hoa - Ấn - Hồi – Pháp trên các dãy phố này.
- Người Hoa có mặt tại Sài Gòn có hai nhóm. Nhóm đến từ các tỉnh Hoa Nam ven biển thường gọi là người Minh Hương, kiến trúc của họ thể hiện đậm nét các dấu ấn qua đường nét giống với các ngôi nhà ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, mà ở đó vốn đã có ảnh hưởng của kiến trúc sư Pháp, vốn thiên về phong cách La Mã với kiểu cách trang nghiêm đường vệ, nhưng lạnh lùng, khô khan. Nhóm đến từ các thuộc địa Anh, chủ yếu từ Hồng Kông và Singapore, kiến trúc của họ mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Tân cổ điển Anh quốc theo phong cách phục hưng Hy Lạp, trong cái thủ pháp bố cục phóng khoáng, cởi mở.
- Người Ấn Độ cũng lưu lại dấu ấn của họ trên những ngôi chùa Ấn Độ giáo rải rác trong thành phố (tại 66 Tôn Thất Thiệp hay 45 Trương Định) và những kiến trúc xung quanh những ngôi chùa này cũng có nhiều nét tương đồng với kiến trúc các dãy phố ở khu chợ Cũ Sài Gòn, mà theo học giả Nguyễn Đình Đầu thì có thể dùng phương pháp đối chứng để tiếp cận.
Nói tóm lại, kiến trúc Sài Gòn kể cả sau khi có sự hiện diện của người Pháp cũng không đơn thuần chịu ảnh hưởng độc nhất dòng văn hoá đến từ châu Âu, cho dù đó là dòng mạnh mẽ và nổi bật hơn cả.
Giải pháp thứ ba là hội nhập trong tư thế chủ động tiếp nhận có chọn lọc. Đi theo phương hướng này là các kiến trúc sư người Pháp hoặc người Việt tham gia tổ chức xây dựng, song họ đều có ý thức về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa. Chính vì thế mà ngày nay chúng ta có được những công trình kiến trúc độc đáo và những bài học quí giá đáng tự hào như: Bảo tàng viện Sài Gòn của kiến trúc sư De Laval, hay như Viện nữ tu thánh Phao-lồ ở đường Tôn Đức Thắng của nhà trí thức Công giáo Nguyễn Trường Tộ. Những dấu ấn của môi trường tự nhiên và văn hoá bản địa đã được các tác giả trên khéo léo đưa vào trong các giải pháp ứng xử với khí hậu nóng ẩm trong các mái hiên, hành lang lợp ngói, hay trên các chi tiết kết cấu beton cốt thép giả gỗ, hoặc trong giải pháp mặt bằng với khối chòi mái hình bát giác có mái cong chồng diễm,…
Trong mảng kiến trúc được xây dựng bởi các tư nhân giàu có hoặc nhà ở dạng căn phố của nhân dân tự xây (một biến thể ngoạn mục của kiến trúc dân gian) thì đặc tính hội nhập này lại diễn biến hết sức phong phú và có lẽ náo nhiệt nhất vì các lẽ sau: Thứ nhất, kiến trúc nhà ở của bất cứ đô thị nào cũng chiếm một khối lượng tuyệt đối lớn (90 – 95% so với tổng số công trình trong đô thị). Thứ hai, với tư cách là người quan niệm ra cái không gian cư trú của mình, người dân đã khéo kết hợp nhuần nhuyễn trong cái không gian kiến trúc nhỏ bé, khiêm tốn ấy của mình những nhu cầu vật chất và tinh thần trong những điều kiện kinh tế, kỹ thuật hết sức cá thể, và vì thế cái mâu thuẫn thường xảy ra giữa các kiến trúc sư với cộng đồng dân cư đô thị trong các kiến trúc chính thống đã không xảy ra.
Trên một góc phố của Sài Gòn ngày hôm qua, chúng ta luôn bắt gặt đâu đó những dấu ấn trúc phương Tây trên những ngôi nhà của người Sài Gòn xưa. Vâng, thật sự thì chỉ là những "dấu ấn", mà thôi. Ở khắp các đường phố của Sài Gòn ta đều bắt gặt trên đó cuộc “diễu binh” của đủ loại phong cách kiến trúc châu Âu. Từ các thức cột Hy – La còn chưa thật "thuộc kiểu", đến kiểu bố cục Phục Hưng mực thước, từ Cổ điển Pháp uy nghi đến Baroque với các góc và đường cong phức tạp, cùng Roccoco rối rắm những hoa lá dây leo trùng điệp bằng hồ vữa tô. Hoặc muộn hơn chút nữa là phong cách Art-Nouveau các kiểu cột, lan can balcon, cầu thang và chi tiết kiến trúc bằng gang và sắt được uốn cong như phô diễn sự no đủ, thừa mứa tiền bạc của chủ nhân, v.v… và v.v… Tất cả tạo nên một vẻ nhộn nhịp, sôi động, giống như cuộc sống thị dân đang diễn ra ngày đêm trong những không gian kiến trúc đó của Sài Gòn.
Kiến trúc Sài Gòn thực chất là một bộ phận của sắc thái văn hoá của Sài Gòn và lối sống ở đấy, một lối sống khó có thể lẫn lộn với nơi nào khác. Có thể nói hơn bất cứ nơi đâu, người Sài Gòn mở rộng tấm lòng đón nhận bạn bè đến từ mọi nẻo đường, đất Sài Gòn sẵn sàng dung hợp mọi kiểu cách văn hoá và lối sống, kiến trúc Sài Gòn chấp nhận rộng rãi mọi cung bậc của những trào lưu, phong cách từ hàn lâm, cổ điển cho đến Chiết trung, Âu – Á, mà không e dè, ngại ngùng rằng nó có chính thống hay chưa? Kiến trúc Sài Gòn biểu thị sự dung nạp và sau đó là chuyển hoá, nhào nặn các dòng kiến trúc khác nhau để tạo nên một sắc thái riêng cho mình.