Sân khấu tết mong hội ngộ khán giả
(Chinhphu.vn) - Sau nhiều tháng liền đóng cửa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tết này, sân khấu tại TPHCM lại “sáng đèn” với nhiều vở diễn đầu tư công phu. Điều các nghệ sĩ mong muốn nhất trong dịp này là được hội ngộ khán giả dưới ánh đèn sân khấu lung linh.
"Bữa tiệc" đa sắc
"Sướng quá xuân" là chương trình hài kịch mới với hai tiểu phẩm "Giã từ thần men" và "Sui gia đối đầu" được Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B dàn dựng để phục vụ khán giả dịp tết Nhâm Dần 2022. Suất diễn đầu tiên bắt đầu từ tối mùng 1 Tết. Cùng với "Sướng quá xuân", Tết Nguyên đán năm nay, người yêu kịch TPHCM còn có dịp thưởng thức nhiều món ăn tinh thần khác của Sân khấu nhỏ 5B như: "Rồi mắc cái gì cười", "Tin thì linh, không tin cũng linh", "Đẹp lắm nha"… Đây là các vở diễn Sân khấu nhỏ 5B dàn dựng cho tết năm ngoái nhưng chưa có dịp sáng đèn, giờ được tập lại, trau chuốt thêm cho lần hội ngộ đáng nhớ này.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B cho biết, mặc dù vấn đề tài chính gặp khó khăn sau nhiều tháng liền đóng cửa nhưng tết đến vẫn phải có vở mới để khán giả vui xuân. Các suất diễn của Sân khấu nhỏ 5B sẽ kéo dài từ mùng 1 đến hết ngày 13 tháng Giêng với các quy định đảm bảo an toàn mùa dịch. Chọn các đề tài gần gũi, mang đậm hương sắc xuân, các nghệ sĩ muốn gửi gắm đến người yêu kịch những phút giây thư giãn dịp đầu năm.
Dịp tết này, ngoài hai vở kịch đạt được thành tích cao từ Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 là "Chuyện nhà ông Hổ - Mảnh vỡ" và "Chuyện làng Hồng Phúc", Sâu khấu Sen Việt còn gửi đến khán giả vở cải lương thể nghiệm nổi tiếng "Nhật thực" cùng chương trình nghệ sĩ mừng xuân "Xuân Tài Lộc".
NSƯT Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt cho biết, "bữa tiệc" xuân năm nay đủ thể loại từ kịch nói, cải lương đến chương trình tổng hợp, từ dân gian hiện đại đến thể nghiệm nhằm phục vụ đa dạng nhất nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả phương Nam. Sen Việt sẽ phục vụ các suất diễn tết từ ngày mùng 5 tết với nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn.
Tết này, những gương mặt quen thuộc của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ hội ngộ khán giả trong nhiều vở diễn như "Bạch Hải Đường", "Chờ thêm chút nữa", "Sài Gòn có một ngã tư", "Bao giờ sông cạn"... Trong khi đó, mặc dù có biến động về nhân sự do hai diễn viên chính là Lê Khánh và Vân Trang vừa sinh con nhỏ chưa kịp quay lại diễn đợt tết này nhưng Sân khấu Idecaf vẫn nỗ lực mang đến cho khán giả hai vở diễn chất lượng là "Cậu Đồng" và "Ngũ quý kỳ phùng". Sân khấu Thế Giới Trẻ thì diễn các vở "Bật công tắc là yêu", "Bao giờ mẹ lấy chồng", "Ngược gió", "Lò võ tiếu lâm", "Cuộc chiến sắc đẹp"…
Không kịp dựng vở mới cho dịp tết, năm nay, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi quyết định dành tặng khán giả chương trình tổng hợp đặc sắc gồm phần trình diễn ca nhạc và kịch ngắn chủ đề mùa xuân. Mỗi suất diễn khoảng hai tiếng đồng hồ sẽ mang đến những giai điệu vui tươi, thông điệp phù hợp cho ngày đầu năm với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ quen thuộc với khán giả TPHCM. Khán phòng có gần 400 chỗ ngồi nhưng do quy định giãn cách phòng dịch COVID-19 nên sân khấu này phân bổ đều các suất diễn nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho người thưởng thức.
Mong được khán giả thương yêu
Cái khó của các sân khấu kịch trong dịp tết năm nay là thời gian chuẩn bị quá ngắn, kinh phí vô cùng eo hẹp và một bộ phận khán giả đã quen với các loại hình giải trí tại nhà, giải trí trên mạng do thời gian giãn cách kéo dài. Vậy nên, trong nỗ lực của mình, mỗi sân khấu luôn tìm tòi những cách làm sáng tạo để thu hút khán giả đến ủng hộ. Bản thân các nghệ sĩ, diễn viên cũng chủ động có sự chung tay, sẻ chia để các "ông bầu", "bà bầu" tại hệ thống sân khấu xã hội hóa giảm bớt gánh nặng kinh phí.
Như tại Sen Việt, các nghệ sĩ, diễn viên phụ ban tổ chức giới thiệu bán vé trên mạng xã hội và có cả hình thức nhận thù lao bằng vé như một cách ủng hộ sân khấu sáng đèn trở lại sau hai năm vắng bóng. Suốt mùa dịch, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của sân khấu với gần 20 người đã thực hiện nhiều video cải lương mang tính thời sự phục vụ trên mạng để liên tục kết nối với người hâm mộ.
"Điều mong mỏi nhất bây giờ là dịp tết này anh em nghệ sĩ chúng tôi sẽ được hội ngộ đông đảo khán giả trong từng suất diễn. Sau một thời gian dịch kéo dài, dù rất nỗ lực kết nối, xây dựng các kênh tương tác nhưng chúng tôi vẫn sợ nhiều khán giả thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật. Nói gì thì nói, kịch và cải lương vẫn rất cần sự tương tác trực tiếp để khán giả và cả nghệ sĩ, diễn viên cảm nhận trọn vẹn nhất mỗi tác phẩm. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức sao cho các suất diễn chỉn chu và thú vị nhất, không phụ lòng người mến mộ", Giám đốc Sân khấu Sen Việt cho biết thêm.
Ban đầu, "bà bầu" Mỹ Uyên tính ngưng làm kịch tết năm nay, nhưng khi nghe các nghệ sĩ trong sân khấu thủ thỉ nói quá nhớ khán giả, "thèm" được diễn, chị lại đi vay ngân hàng tiền dựng vở mới. Vậy nên điều chị và các nghệ sĩ tại Sân khấu nhỏ 5B mong muốn nhất bây giờ là các suất diễn tết sẽ có nhiều khán giả tìm đến ủng hộ. NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: "Ngành kịch bán vé là cả vấn đề nhưng anh em nghệ sĩ đâu thể uống nước lã để sống. Tôi là bà bầu, mời nghệ sĩ đến nhưng khán phòng không khán giả thì nhận thù lao chẳng ai thấy vui. Nghệ sĩ diễn phải có khán giả. Do đó, sau một năm đầy biến cố như vậy, tôi mong mọi người bình an, kinh tế ổn định để văn hóa nghệ thuật cùng phát triển. Và mong đợi nhất là lớp khán giả trẻ không lãng quên sân khấu. Diễn viên, nghệ sĩ có thế hệ kế thừa thì tôi mong rằng khán giả cũng có thế hệ nối tiếp. Có như vậy sân khấu mới có thể tiếp tục bám trụ, sáng tạo thêm nhiều món ăn tinh thần cho mọi người giữa thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt như bây giờ".
Dịch bệnh tại TPHCM đang dần được kiểm soát, các sân khấu rục rịch sáng đèn với niềm hy vọng từ năm 2022 mọi việc sẽ khởi sắc hơn. Tuy nguồn kinh phí không còn nhiều, thậm chí phải vay mượn nhưng các "ông bầu", "bà bầu" sân khấu kịch vẫn tìm cách xoay sở để đảm bảo chất lượng cho từng vở diễn. Điều họ mong muốn nhất bây giờ là sân khấu sớm hồi phục trở lại sau nhiều tháng đằng đẵng đóng cửa, tắt đèn. Khi phải bắt đầu mọi thứ từ số 0, sân khấu đặt niềm tin vào khán giả.
"Mọi người đã chuẩn bị tinh thần, tập vở mới, tìm tòi sáng tạo mới. Các ông bầu, bà bầu hầu như toàn phải bù lỗ nhưng không hiểu lý do tại sao cứ thế lao vào. Điều chúng tôi lo nhất bây giờ là sau hai năm chủ yếu ở nhà, khán giả sẽ thay đổi thói quen giải trí. Vậy nên, chúng tôi đang cùng nhau nghĩ cách để kéo khán giả đến với sân khấu, trước hết là bằng những vở diễn hay", NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, Giám đốc Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cho hay./.
Khởi Minh