Sập bẫy vì tin lời quảng cáo phòng khám “vẽ bệnh, moi tiền”
(Chinhphu.vn) - Sở Y tế TPHCM cho biết các vi phạm phổ biến tại các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài thường là quảng cáo không đúng, không phù hợp với nội dung; quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được cấp phép hoạt động (điều trị bệnh nam khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ...); vẽ bệnh.
Phòng khám tư nhân "vẽ bệnh, moi tiền" người bệnh là câu chuyện không mới. Thực tế, nhiều phòng khám từng bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng vẫn "chứng nào, tật đó". Vì lợi nhuận họ bất chấp sức khỏe, tính mạng người bệnh, ngang nhiên vi phạm pháp luật.
"Hù" người bệnh mắc ung thư để "moi tiền"
Vì mắc chứng tiểu đêm nhưng e ngại không đến bệnh viện thăm khám, ông L.Q.K (54 tuổi, ngụ Đồng Nai) lại tin vào lời quảng cáo của một phòng khám tư có trụ sở tại Quận 10, TPHCM. Sau khi được nhân viên tại phòng khám gọi điện tư vấn nhiều lần, ông K. đồng ý đến điều trị. Tại đây, ông được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Lo sợ, ông đồng ý tiêm thuốc với giá 22 triệu đồng, tỉ lệ khỏi 90% thay vì 18 triệu đồng tỉ lệ khỏi 50%. Tuy nhiên, sau tiêm thuốc, về nhà, tình trạng tiểu đêm vẫn không dứt. Lúc này, ông đến một bệnh viện lớn để thăm khám lại và được cho đơn thuốc khoảng 1,2 triệu đồng. Sau khi uống tình trạng của ông đã khỏi.
Với chiêu hù dọa bệnh nặng, chị T.Y (24 tuổi, quê Đắk Lắk) cũng bị một phòng khám trên đường Lê Hồng Phong, Quận 10 lừa đóng 10 triệu đồng. Chị Y. cho biết vì bị ra huyết trắng, lo sợ đến bệnh viện sẽ bắt gặp người quen nên sau khi thấy quảng cáo điều trị các bệnh phụ khoa chị quyết định đến khám. Tại đây, sau khi thăm khám và thực hiện siêu âm, xét nghiệm chị được chẩn đoán nấm âm đạo có khả năng vô sinh. Để điều trị, chị phải đóng 10 triệu đồng. Vì không mang đủ tiền nên chị Y. hẹn lại thì được nhân viên tại đây thuyết phục bằng nhiều cách như bệnh nghiêm trọng phải chữa ngay. Do lo lắng, chị mượn tiền bạn để đóng. Sau đó, phòng khám chỉ truyền dịch và vệ sinh âm đạo, nhưng lúc nhận hóa đơn lại không ghi rõ ràng tên phòng khám. Thắc mắc thì nhân viên không trả lời nên chị nhờ người nhà lên nói chuyện và nhờ công an vào cuộc mới được hoàn trả số tiền 8 triệu đồng.
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện Thành phố có 65 phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài (vốn nước ngoài hoặc nhân sự nước ngoài tham gia khám chữa bênh) và 120 bác sĩ là người nước ngoài đang làm việc tại các phòng khám.
Thực tế, chiêu trò "vẽ bệnh, moi tiền" của người bệnh đều chung kịch bản, khi người bệnh vào các phòng khám sẽ được yêu cầu thực hiện một loạt các xét nghiệm, siêu âm. Sau đó, được tư vấn bệnh nặng, nguy hiểm, thậm chí ung thư nếu không điều trị ngay. Để được điều trị, người bệnh phải chi trả số tiền lớn.
Sai phạm lặp đi lặp lại
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết trước tình trạng phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền", sai phạm lặp đi lặp lại, ngành y tế đã ký quyết định ban hành quy trình phản ứng nhanh trong tiếp nhận thông tin phản ảnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề trong lĩnh vực y tế. Người dân có thể liên hệ qua đường dây nóng dành riêng số 0989.401.155 hoặc qua số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế 0967.771.010.
Ngoài đường dây nóng nêu trên, ngành y tế mong muốn người dân hỗ trợ phát hiện, thông báo phòng khám có dấu hiệu vi phạm bằng cách báo qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" hoặc bất cứ hình thức nào có thể. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở tiếp tục kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài, xử lý vi phạm; giám sát cơ sở từng vi phạm và bị đình chỉ hoạt động.
Theo bác sĩ Thượng, các phòng khám thường có vi phạm gần giống nhau khi ngành y tế kiểm tra như: người không có trình độ chuyên môn trực tiếp khám, điều trị bệnh; sử dụng người không chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc quảng cáo vượt quá chuyên môn... những sai phạm này cứ lặp đi lặp lại dù đã bị xử phạt, thậm chí phạt ở khung cao nhất cũng vẫn không sợ.
Lý giải nguyên nhân về hành vi sai phạm cứ lặp đi lặp lại, bác sĩ Thượng cho rằng các phòng khám này muốn hoạt động ngoài giấy phép đặc thù của ngành y tế như: Thẩm định quy mô, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị… thì trước hết phải có giấy phép kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư. Bên cạnh đó, lợi dụng việc cấp phép kinh doanh, sẵn sàng giải thể công ty đang bị xử lý vi phạm, mở một công ty mới với pháp nhân mới. Đồng thời, thay đổi tên phòng khám nhưng lại hoạt động trên cùng một vị trí ban đầu.
"Về pháp lý họ không sai bởi luật chưa có quy định. Do đó, chúng ta cần rà soát, sửa đổi cho chặt chẽ hơn" - bác sĩ Thượng nhấn mạnh.
Bác sĩ Thượng cho biết thêm, hiện nay, quy định, mức chế tài cho những vi phạm đều theo khung, ngành y tế không thể tự đặt ra khung hình phạt. Cụ thể, quy định hiện hành chỉ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng với một trong các hành vi như khám chữa bệnh trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hành nghề; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn... Hình thức xử phạt bổ sung cũng chỉ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 22 đến 24 tháng.
"Hình phạt cần phải nghiêm hơn nữa. Đặc biệt với những người cố tình lợi dụng việc khám sức khỏe để vụ lợi càng phải xử nghiêm như tước chứng chỉ hành nghề hoặc rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn mới đủ sức răn đe", bác sĩ Thượng nói.
Cách đây 3 năm, Sở Y tế cũng đã mở lớp tập huấn kéo dài cho tất cả bác sĩ Trung Quốc. Từ đó, cũng lộ rõ trình độ chuyên môn yếu kém, nhiều người không nắm được căn bản, thậm chí hạn chế khả năng ở một số chuyên khoa. Về mặt chuyên môn khi đã hành nghề khám chữa bệnh đòi hỏi bác sĩ phải rất nghiêm từ chỉ định, kê đơn cho đến sử dụng các kỹ thuật điều trị theo đúng phác đồ nhưng thực tế các phòng khám này gây nhiều hoang mang, uất ức từ người bệnh.
Bác sĩ Thượng cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Đồng thời, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.
Trước thực trạng phòng khám có yếu tố nước ngoài vi phạm pháp luật, lừa gạt bệnh nhân, Thanh tra Sở Y tế đã cùng các chuyên gia của ngành đã kiểm tra đột xuất việc chấp hành của 12 phòng khám đa khoa (PKĐK) từng bị xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, có 4 phòng khám có người đăng ký hành nghề là người nước ngoài, gồm: Phòng khám đa khoa (PKĐK) Âu Á (Quận 6), PKĐK Hoàn Cầu (Quận 5), PKĐK Hồng Phong (Quận 5) và PKĐK Thăng Long (Quận 10).
Bên cạnh đó, mới đây, Thanh tra Sở Y tế cũng tước giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, xử phạt tiền nhiều cá nhân và cơ sở vi phạm. Các nội dung vi phạm gồm: Lập hồ sơ bệnh án nhưng không ghi đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo quy định; chỉ định sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh vì vụ lợi; kê đơn thuốc không phù hợp với chẩn đoán và mức độ bệnh; người hành nghề không đăng ký hành nghề khám, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trái quy định pháp luật...
Trước đó, Sở Y tế và Công an TPHCM cũng đã phối hợp, kiểm tra xử lý về công tác cư trú xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài có liên quan đến các phòng khám và buộc xuất cảnh 2 người nước ngoài.
Băng Tâm