Thách thức phát triển bền vững với ngành dệt may

18/05/2022 1:56 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn ngành dệt may đã xuất khẩu gần 11 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ 2021. Kết quả này cho thấy nội lực của ngành dệt may Việt Nam đã có bước bứt phá trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều thị trường.

Tuy nhiên ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, phải nhìn nhận xem sự tăng trưởng của ngành có bền vững không, và đây cũng là thách thức của ngành trong bối cảnh hiện nay.

Xu hướng dùng nguyên liệu tái chế

Nhìn lại những năm gần đây, ngành dệt may trong nước vẫn chưa cải thiện được tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Hiện mỗi năm giá trị nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 46% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành. Trong khi đó, các nhãn hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn với tiêu chuẩn tái chế trong quá trình sản xuất bền vững. Theo đánh giá của ông Vũ Đức Giang, trước đây các nhãn hàng cũng đặt ra tiêu chuẩn sử dụng xơ tái chế nhưng hiện nay họ đòi hỏi phải thu hồi sản phẩm may mặc đã qua sử dụng và tái chế xơ sợi pha trộn với xơ bông.

Vitas đang kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và FDI đầu tư đáp ứng phần cung thiếu hụt của nguyên liệu trong nước, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Đồng thời thúc đẩy tối đa sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất xơ sợi, kể cả nguồn tái chế trong nước cũng như nhập khẩu từ các quốc gia đã tham gia các hiệp định thương mại.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư hạ tầng cơ sở trong các nhà máy theo tiêu chuẩn đánh giá của nhãn hàng. Ví dụ, nơi làm việc của công nhân phải đạt chuẩn về nhiệt độ, trong lành, không bụi vải.

Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực tài chính để đầu tư cho sản xuất bền vững, đây là thách thức với nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến cho biết, một nhà máy xanh sẽ giảm được rất nhiều chi phí vận hành nhưng suất đầu tư tăng từ 10 - 20% so với thông thường.

Trong bối cảnh như vậy, đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động cho doanh nghiệp cùng ngồi lại, bàn giải pháp cho những yêu cầu phát triển bền vững của ngành.

Vitas hiện đã đàm phán với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước tham gia vào các chương trình giới thiệu giải pháp tài chính cho các nhà máy dệt may.

Ông Vũ Đức Giang nhận định, để đạt được các chuẩn mực đáp ứng yêu cầu của nhãn hàng thì doanh nghiệp cần tầm nhìn dài hạn cho 10 - 20 năm. Nếu không có chiến lược dài hạn thì các doanh nghiệp dệt may dễ bị tổn thương trước những thách thức đòi hỏi của các nước nhập khẩu, của nhãn hàng và người tiêu dùng toàn cầu. Đó là những tiêu chuẩn về sản phẩm bền vững, hạn chế sản xuất tiêu thụ quá nhiều tài nguyên nước, điện và công nghệ lò hơi đốt xả thải ra môi trường...

Thách thức phát triển bền vững với ngành dệt may - Ảnh 1.

Không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng đủ năng lực tài chính để đầu tư cho sản xuất bền vững và đây là thách thức với nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước hiện nay - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Doanh nghiệp dệt may TPHCM cần chiến lược phát triển bền vững

Đối với các doanh nghiệp dệt may tại TPHCM, ông Vũ Đức Giang cho rằng, thách thức phát triển bền vững với các doanh nghiệp còn lớn hơn so với các địa phương khác. Bởi vì quy mô lao động của các doanh nghiệp ngành may tại TPHCM ngày càng thu hẹp. Vì vậy các doanh nghiệp phải có định hướng xây dựng trung tâm thiết kế phát triển ngành thời trang của riêng mình.

"Trước đây chúng ta làm theo mẫu của nhãn hàng, còn bây giờ các doanh nghiệp phải tự phát triển và chào mẫu cho nhãn hàng". Ông Giang nêu vấn đề và cho rằng, các doanh nghiệp ngành may tại TPHCM nên xây dựng tầm nhìn phát triển một lĩnh vực công nghiệp thời trang phục vụ nhu cầu phát triển trong nước cũng như chào bán mẫu FOB và ODM cho thị trường toàn cầu.

Hiện một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang bắt đầu có sự dịch chuyển theo xu hướng này. Ông Phạm Văn  Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, về lâu dài, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ tập trung ở hai nhà máy tại Đồng Nai và Bình Dương. Trong khi nhà máy tại TP. Thủ Đức, TPHCM sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển và thực hiện sản phẩm mẫu cho các nhãn hàng.

Xây dựng được một nền công nghiệp, một trung tâm thời trang sẽ thu hút các quốc gia đến với TPHCM phát triển và chào mẫu cho các nhãn hàng toàn cầu. Ông Vũ Đức Giang nhận định, khi đó quy mô may của các doanh nghiệp thu hẹp, lao động giảm đi nhưng phát triển các ngành công nghiệp thời trang, công nghiệp mẫu, bán hàng ODM sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn nhiều so với hiện nay.

Băng Tâm

Top