Thấy gì sau 3 năm TPHCM thực hiện chính quyền đô thị?
(Chinhphu.vn) - TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị không thí điểm. Đây được xem là cơ hội lớn để Thành phố phát triển nhanh hơn, xứng tầm với tiềm năng hiện có. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố cần tiếp tục được điều chỉnh để hoàn thiện hơn.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, TPHCM đạt được 5 kết quả nổi bật - Ảnh minh họa
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn, cơ cấu kinh tế ở TPHCM dịch chuyển đúng hướng, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế đạt kết quả bước đầu, các nguồn lực xã hội được phát huy, ổn định kinh tế vĩ mô. Các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đặc biệt là thông tin truyền thông và y tế ngày càng phát triển...
Thực hiện Nghị quyết 131, TPHCM không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM, UBND, Chủ tịch UBND quận, phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Trên tinh thần đó, từ năm 2021 đến nay HĐND Thành phố đã tổ chức hàng trăm cuộc khảo sát; tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề, ngành, giới; đối thoại doanh nghiệp; giám sát chuyên đề.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, có 5 kết quả chính nổi bật sau 3 năm thực hiện chính quyền đô thị.
Thứ nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ có chuyển biến tích cực.
Thứ hai, tổ chức bộ máy được tinh gọn, bước đầu khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao phẩm chất, tinh thần phục vụ, chuyên môn và kỹ năng.
Thứ tư, TP. Thủ Đức - mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên cả nước - bước đầu có cơ chế để ổn định tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động.
Thứ năm, việc tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị là cơ sở để TPHCM thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn chính quyền số.
Theo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng, sau khi sáp nhập và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ Đức có 40 đại biểu HĐND. Hiệu quả hoạt động của HĐND TP. Thủ Đức được nâng lên, ngày càng dân chủ, chất lượng, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động. Điều này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực và rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn... Từ đó, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

TPHCM triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh
Ông Hoàng Tùng nhấn mạnh, để đạt được kết quả như vậy, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP. Thủ Đức đến phường. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị phải luôn được chú trọng. Đồng thời với đó là công tác tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để tạo được sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh, với mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh.
Điển hình như Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố liên thông, kết nối 353 đơn vị để cung cấp dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp thống nhất qua Cổng Dịch vụ công Thành phố và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống đã hoàn thành 1.590 quy trình xử lý thủ tục hành chính, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp 625/740 dịch vụ công trực tuyến.
Ngoài ra, Thành phố còn triển khai Hệ thống tổng đài 1022 liên thông, kết nối với 700 đơn vị, đầu mối. Năm 2023, nền tảng này đã tiếp nhận, xử lý và trả lời 29.557 vấn đề người dân quan tâm, tỉ lệ xử lý đúng hạn đạt 99,85%. Khi Thành phố triển khai chính quyền đô thị, không còn tổ chức HĐND tại quận và phường, một yêu cầu đặt ra là sự giám sát hoạt động của chính quyền sao cho hiệu quả. Đây là một ứng dụng hữu hiệu để đẩy mạnh cơ chế giám sát của người dân đối với hoạt động của chính quyền đô thị.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận, mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM cần được điều hỉnh để hoàn thiện hơn nữa - Ảnh: VGP
Cần mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, ông Phan Văn Mãi thừa nhận, chính quyền đô thị tại TPHCM vẫn còn tồn tại những bất cập và phải khẩn trương điều chỉnh để mô hình này đạt hiệu quả cao nhất. Bất cập đầu tiên là số biên chế ít so với khối lượng công vụ.
Đơn cử, phường Bình Hưng Hòa A (huyện Bình Chánh) có 31.025 hộ, 125.894 nhân khẩu, đông gấp 8 lần so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay, UBND phường được giao 36 biên chế, gồm 22 cán bộ, công chức và 14 cán bộ không chuyên trách. Trung bình, mỗi công chức và người hoạt động không chuyên trách phường (khối chính quyền) phải phục vụ từ 5.000 đến 6.000 người dân (22 cán bộ/125.000 dân).
Ngoài ra, hiện Phường có 2 Phó Chủ tịch UBND phường, gồm 01 Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội; 01 Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường và phải phụ trách luôn lĩnh vực kinh tế.
Theo Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A Nguyễn Văn Ngân, thực tế này ít nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ được quận giao, các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra và nhất là những việc phát sinh thực tế liên quan đến đời sống của người dân trên địa bàn phường.
Mặt khác, khi thực hiện chính quyền đô thị thì phường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí (do phường không còn nguồn kinh phi kết dư như trước đây) nên khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị cấp bách, phát sinh trên địa bàn phường thì phải đề xuất Quận và Thành phố xem xét nên mất nhiều thời gian, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
"Phường Bình Hưng Hòa A kiến nghị Thành phố, đề xuất Chính phủ sớm bổ sung biên chế công chức cho UBND và cho phép Thành phố bố trí thêm 01 phó chủ tịch UBND phường, xã phụ trách lĩnh vực kinh tế - môi trường đối với những phường, xã có trên 100.000 dân. Kiến nghị Thành phố xem xét ngoài kinh phí hoạt động theo quy định hằng năm, đầu năm bổ sung thêm kinh phí dự phòng để phường chủ động trong việc trang bị cơ sở vật chất và sửa chữa hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị…", ông Ngân nêu.
Ngoài ra, các bất cập khác được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ ra, như sự phân cấp, phân quyền để đạt được mục tiêu chính quyền đô thị gọn, mạnh, nhanh, để đạt được hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa thực hiện được triệt để.
Đồng quan điểm này, trong Báo cáo tư vấn với chủ đề "TPHCM hướng đến mục tiêu phát triển bền vững", nhóm các chuyên gia bao gồm TS. Trần Du Lịch; TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển và nhiều chuyên gia khác cho rằng, đối với mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM, cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho Thành phố, từ Thành phố cho TP. Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác theo nguyên tắc vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn thì phân cấp phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm, giảm tối thiểu cơ chế "xin-cho".
Cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Việc mở rộng phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động sáng tạo, nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách, là phương thức quản lý nhà nước hiệu quả nhất trong điều kiện vận hành của kinh tế thị trường.
Anh Thơ