TP Hồ Chí Minh: 28 năm - đậm một nét son nhân ái
28 năm qua, kể từ ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh ngoài những thành tựu đạt được trên mặt trận kinh tế, vẫn không bao giờ bỏ quên những hoàn cảnh khốn khó. Ngoài các phong trào được cả nước biết đến như "Xóa đói giảm nghèo", "Nhà tình nghĩa"…, phong trào "Nhà tình thương" cho người nghèo là một nét son nhân ái đáng trân trọng.
Có biết bao nhiêu đổi thay ở thành phố này. Nhà đẹp hơn, đường sá rộng hơn; ngày càng có nhiều những trung tâm thương mại, dịch vụ, sản xuất… và trên bàn làm việc của các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo đang là hàng trăm dự án phát triển trong tương lai gần.
TP Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh là điều không ai phủ nhận. Nhưng vượt lên trên tất cả, chính là ở chỗ: người dân thành phố lớn nhất nước đã nghĩ về nhau, chăm lo cho nhau. Trong những thời điểm khó khăn nhất, họ đã biết dìu dắt nhau vượt qua cơn bĩ cực. Cả những người mà ngày trước đứng ở bên kia chiến tuyến như anh thương binh chế độ cũ Tô Văn Thắng ở ấp Tân Định – Tân Thông Hội - Củ Chi hay như anh Trần Văn Hùng – sĩ quan chế độ cũ, cũng phải nhìn nhận như vậy. Trong ngày được nhận căn “nhà tình thương" do chính quyền địa phương trao tặng, anh Thắng nói trong nước mắt: "Không ngờ Nhà nước chế độ mới cũng nghĩ đến và cho gia đình tôi nhà ở". Nghĩa cư cao thượng đã đã giúp anh xoa dịu rất nhiều mặc cảm tội lỗi trong quá khứ chất chứa trong lòng anh bấy lâu.
Liên tiếp những chương trình, những phong trào "lá lành đùm lá rách" đã được khởi xướng. Truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái đã được khơi dậy với những minhc hứng cụ thể hơn bao giờ hết. Của ít lòng nhiều. Làm ăn khấm khá như các Công ty Bia Sài Gòn, Xi măng Hà Tiên, Cụm cảng Hàng không sân bay Miền Nam, Công ty Điện lực thành phố, Bưu điện thành phố, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Cảng Bến Nghé… thì góp hàng chục tỉ đồng. Những người lao động như ông Dương Xây (55 Mai Xuân Thưởng, Q.6), ông Đoàn Văn Nam (phường 4, Tân Bình)… tuy chưa có của ăn của để nhiều nhưng cũng cứ vài tháng lại tìm đến Ủy ban MTTQ thành phố góp từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng cho quỹ từ thiện. Hay như các cháu Phạm Thị Hồng Sơn, học sinh lớp 9 Trường THCS An Thới Đông - ở xã nghèo của huyện Cần Giờ, nhịn quà sáng đóng góp 50.000 đồng; cháu Lê Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 4 Trường Nhật Tân – Gò Vấp đã… đập con heo đất được 57.000 đồng cũng chung tay cùng đồng bào thành phố giúp xây dựng hàng ngàn căn nhà tình nghĩa tặng đồng bào nghèo diện chính sách. Những phong trào "nhà tình nghĩa", "nhà tình thương", "xóa đói giảm nghèo", "vì người nghèo"… đầy lòng nhân ái đó đã lay động cả những người, những cơ quan, tổ chức nước ngoài như các Tổng lãnh sự quán Pháp, Thái Lan, Ấn Độ; các Công ty Prudential, TAAT International; hay như các Việt kiều Phan Văn Túc (Nhật), Nguyễn Ngọc Hiếu, kể cả các công dân người nước ngoài như ông Cho Myungcheol (Hàn Quốc), ông Ong Wee Chuan (Singapore)… và hàng chục ngàn những tấm lòng nhân ái khác ở trong và ngoài nước.
Hôm nhận căn nhà tình thương, một cụ ông ở Xã Tân Nhựt – Bình Chánh đã ở vào tuổi thượng thọ, cũng ráng chống gậy đứng lên phát biểu: “Năm nay tôi trên 80 tuổi, đã từng sống qua nhiều chế độ nhưng chưa thấy có chế độ nào xây nhà cho dân nghèo. Chỉ có chế độ này…". Không có cách nói nào khác, đó là chủ trương hợp lòng dân của những nhà lãnh đạo Đảng, chính quyền Thành phố. Nghĩa cử cao đẹp đó đã được kiểm chứng và chắc chắn nó sẽ còn bén rễ mãi mãi trong lòng mọi người - một nét son đậm của TP Hồ Chí Minh 28 năm qua.
|
|