TPHCM chấn chỉnh các địa phương phòng chống dịch sởi chưa hiệu quả

17/10/2024 10:37 AM

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận, huyện và TP. Thủ Đức tự rà soát lại, tổ chức liên ngành phù hợp; nghiêm khắc chấn chỉnh các địa phương thường xuyên được nhắc tên nhưng kết quả vẫn không khả quan.

TPHCM chấn chỉnh các địa phương phòng chống dịch sởi chưa hiệu quả- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu kết luận cuộc họp - Ảnh: Giao Linh

Chiều 16/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì cuộc họp về tình hình dịch sởi trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố,tính đến ngày 13/10/2024, số ca sởi trên địa bàn là 1.079 ca, gồm 851 ca nội trú và 228 ca ngoại trú; tử vong 4 ca. Số ca bệnh nội trú có xu hướng giảm trong 2 tuần qua.

Đối với kết quả thực hiện Chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi, ở nhóm 1-5 tuổi, số trẻ thuộc đối tượng tiêm là 45.781 trẻ; tổng số mũi tiêm 46.132 mũi, đạt tỉ lệ 100,77 %.

Ở nhóm 6-10 tuổi, số trẻ thuộc đối tượng tiêm là 147.384 trẻ; tổng số mũi tiêm 147.216 mũi, đạt tỉ lệ 99,9 %.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh sau khi công bố dịch, đến thời điểm này, Thành phố đã triển khai chiến dịch tiêm chủng đạt tỉ lệ trên 95%. Tuy nhiên, qua kiểm tra chéo của các đơn vị chuyên môn, xuất hiện tình huống một số trẻ không có trong danh sách, không được cập nhật vào hệ thống.

Cùng với đó, ở một số nơi kết quả tiêm chủng đạt 100 % nhưng tỉ lệ trẻ nhiễm bệnh vẫn còn cao. Từng ngành của Thành phố như giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, công an, ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận, huyện đều có những hoạt động triển khai rất mạnh mẽ nhưng kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị, ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận, huyện và TP. Thủ Đức tự rà soát lại, tổ chức liên ngành phù hợp; nghiêm khắc chấn chỉnh các địa phương thường xuyên được nhắc tên nhưng kết quả vẫn không khả quan.

"Những trẻ bị nhiễm vào thời điểm Thành phố chúng ta đang có dịch sởi, biểu hiện lâm sàng rất rõ thì có thể xem là nhiễm bệnh để có biện pháp y tế kịp thời, không cần phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm khẳng định. 

Chúng ta phải thống nhất quan điểm đó, toàn diện từ trên xuống dưới. Đối với các trẻ em trên địa bàn chưa được rà soát và cập nhật thông tin trên hệ thống thì cần có giải pháp khắc phục ngay, nhất là nhóm trẻ từ 1-10 tuổi", bà Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng giao Sở Y tế khẩn trương có văn bản đề xuất UBND Thành phố để UBND Thành phố đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn và cho phép TPHCM tiến hành tiêm cho trẻ dưới 6-9 tháng tuổi. Với các đối tượng khác cần bao phủ vaccine, cũng cần có văn bản đề xuất chính thức.

Đối với Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện ca có dấu hiệu nhiễm bệnh sớm, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, học sinh.

Đối với Công an Thành phố, cần có văn bản chính thức về tăng cường phối hợp liên ngành ở địa phương, đặc biệt là ở khu phố, khu dân cư để rà soát, cập nhật nhóm lưu trú.

Sở Y tế triển khai rà soát lực lượng cộng tác viên sức khỏe cộng đồng để đánh giá xem Thành phố đã phát huy được năng lực của đội ngũ này hay chưa.

Sở Thông tin Truyền thông tiếp tục tuyên truyền thông tin liên quan đến dịch sởi trên địa bàn để vận động, động viên người dân cùng nhắc nhau thạm gia phòng, chống dịch để bảo vệ người thân, gia đình, xã hội.

Đối với các quận, huyện và TP. Thủ Đức, lãnh đạo các địa phương cần trực tiếp chỉ đạo toàn diện trên địa bàn phụ trách.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cũng chính thức phát động thi đua công bố hết dịch sởi trong thời gian sớm nhất giữa các ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP. Thủ Đức.

Vũ Phong

Top