TPHCM phải có các hồ điều tiết để chống ngập

11/07/2024 2:15 PM

(Chinhphu.vn) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu giải pháp này cho vấn đề ngập nước sau mưa lớn thường diễn ra trên địa bàn TP. Thủ Đức, tại Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Thủ Đức nhiệm kỳ 2020 – 2025, diễn ra sáng 11/7.

TPHCM phải có các hồ điều tiết để chống ngập- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến nhiều thành phố trên thế giới, trong khi TPHCM là một trong 10 thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, chúng ta không nền vin vào đó để "đổ thừa" mà phải chủ động khắc phục đến mức tối đa có thể trong khả năng, hạn chế thấp nhất những thiệt hại của người dân.

Trước mắt, Thành phố sẽ tổ chức các buổi hội thảo để trao đổi, lắng nghe, tìm ra nguyên nhân, giải pháp, trong đó có giải pháp nạo vét những tuyến kênh, những cống thoát nước để lưu thông.

Giải pháp thứ 2, theo Bí thư Thành ủy, là rà soát hệ thống mà nước đổ dồn về trung tâm TPHCM để chia bớt cho những ngả khác. "Tất cả nước đều đổ dồn về trung tâm thì chịu sao nổi", Bí thư TPHCM nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nên cho rằng Thành phố phải có những cái hồ điều tiết. Thành ủy sẽ họp để tính toán ưu tiên đầu tư nhằm giải quyết vấn đề này.

TPHCM phải có các hồ điều tiết để chống ngập- Ảnh 2.

Ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Giao thông công chính TP. Thủ Đức báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thủ Đức thực hiện 17 dự án để chống ngập

Báo cáo về tình hình chống ngập trên địa bàn, ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng Phòng Giao thông công chính TP. Thủ Đức cho biết, trong năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay, Thành phố đã tập trung rất nhiều dự án, công trình để thực hiện chống ngập. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục thực hiện 17 dự án, công trình để giải quyết các điểm ngập đã được xác định trên địa bàn, điển hình như khu vực chợ Thủ Đức.

Theo ông Nghĩa, để giải quyết căn cơ, bài bản vấn đề chống ngập ở chợ Thủ Đức, Thành phố đã xác định được các nguyên nhân và chủ động tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để tìm ra các giải pháp.

Khu vực chợ Thủ Đức với lưu vực ngập là 468 ha, như một lòng chảo và để giải quyết chống ngập thì phải có các giải pháp tổng thể và chia thành các giai đoạn tổ chức thực hiện.

TPHCM phải có các hồ điều tiết để chống ngập- Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Ông Nghĩa thông tin thêm, vừa rồi người dân rất quan tâm đến việc hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân đã thực hiện xong nhưng chợ Thủ Đức vẫn ngập. Thực ra, hệ thống thoát nước này được xây dựng với mục tiêu không phải là chống ngập cho Thủ Đức mà là thu nước và thoát nước nhanh, mạnh trên đường Võ Văn Ngân, không để xảy ra các điểm ngập cục bộ và đặc biệt là khắc phục việc nước chảy xiết ở khu vực dốc rất lớn ở khu vực Nhà thờ Thủ Đức, gây ra mất an toàn giao thông trong thời gian trước.

Tuy nhiên, với lưu vực của hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân là 87 ha, trong khi lưu vực thoát nước của chợ Thủ Đức tới 468,ha, vì vậy TP. Thủ Đức cũng đề ra một số giải pháp trước mắt, cụ thể và dài hạn.

Giải pháp trước mắt là tập trung khẩn trương nạo vét toàn bộ hệ thống thoát nước ở khu vực chợ Thủ Đức, nạo vét ở phần hạ lưu là rạch Cầu Ngang… Giải pháp trung hạn là tập trung đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đã được HĐND TP. Thủ Đức vừa thông qua để đảm bảo việc thoát nước tốt hơn.

Còn giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cấp, cải tạo chợ Thủ Đức theo đúng quy hoạch với tổng kinh phí khoảng 4.400 tỷ đồng. Ông Nghĩa cho hay nếu thực hiện được việc này thì sẽ giải quyết cơ bản được ngập chợ Thủ Đức trong thời gian sắp tới.

Trước đó, ở đầu phát biểu của mình, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Thủ Đức vì những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2024.

Toàn hệ thống chính trị Thủ Đức đã tiếp tục phát huy được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết để nỗ lực đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Theo Bí thư Thành ủy, nổi bật lên là tính chấp hành, tính chủ động trong triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của cấp trên một cách kịp thời, bài bản, có chương trình, có kế hoạch, có hành động, có phân công bố trí.

Thủ Đức đã tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch của Thành phố; triển khai khởi động nhiều công trình, dự án trọng điểm; thành lập nhiều tổ chức mới theo tinh thần Nghị quyết 98…

Bên cạnh đó, Thủ Đức đã quan tâm đến hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần người dân. Huy động tổ chức các phong trào văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với bảo vê môi trường, chỉnh trang đô thị, được nhiều người dân và du khách gần xa ghi nhận và đánh giá cao.

Đối với nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bí thư Thành ủy đề nghị TP. Thủ Đức đẩy mạnh giải ngân đầu tư công (hiện tiến độ giải ngân của Thủ Đức chậm hơn các địa phương khác); xử lý các tồn đọng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao…; tính toán cải cách hành chính bằng công nghệ…

Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng được Bí thư Thành ủy TPHCM đề cập, đó là chuẩn bị nhân sự xứng đáng, đủ sức vận hành "con thuyền" Thủ Đức cho nhiệm kỳ tới.

Anh Thơ

Top