TPHCM sẽ triển khai kinh tế giao thông

11/07/2023 11:18 AM

(Chinhphu.vn) - Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định điều này khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 sáng 11/7.

TPHCM sẽ triển khai kinh tế giao thông - Ảnh 1.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM trả lời chất vấn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo ông Trần Quang Lâm, giao thông TPHCM có nhiều tín hiệu vui. Trong những năm qua, giao thông Thành phố đảm bảo việc duy trì và phát triển kinh tế Thành phố, đặc biệt vẫn giữ vai trò đối với Vùng Đông Nam Bộ.

Không chỉ vậy, TPHCM vẫn là đầu mối giao thông lớn của vùng, của cả nước. Cảng biển Thành phố là cảng biển lớn nhất nước, chiếm 25% sản lượng cả nước, 55% Vùng Đông Nam Bộ. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có sản lượng trên 40 triệu hành khách/năm, chiếm 30% sản lượng cả nước.

Ngoài ra, trong những năm qua, các doanh nghiệp trong ngành vận tải, khai thác cảng biển, logistics dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dành niềm tin đối với Thành phố. Thành phố cũng đã thực hiện được nhiều chính sách tạo sự đồng thuận, hiệu quả, ví dụ như thu phí hạ tầng cảng biển. Hiện mỗi ngày, Thành phố thu được trung bình 6 tỷ đồng.

Ông Lâm cũng nhắc đến dự án Vành đai 3, dự án lớn nhất từ trước đến nay của Thành phố với 75.000 tỷ đồng, được Quốc hội giao cho Thành phố chủ trì và quyết định đầu tư. Thành phố đã tổ chức khâu chuẩn bị trong vỏn vẹn 01 năm với số lượng GPMB kỷ lục, cho thấy sự đồng lòng, ủng hộ của người dân rất lớn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội xung quanh thông tin về tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm khẳng định hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đã xây dựng giải pháp đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2023 và sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2024.

Ngoài ra, Thành phố đã ban hành Kế hoạch tổng thể để đảm bảo vận hành khai thác tuyến Metro số 1 an toàn và có hiệu quả, nhất là các tuyến giao thông kết nối cho đến các hệ thống vận tải.

Về thẻ vé cho tuyến này, Thành phố thống nhất ứng dụng công nghê thẻ vé mở như xu thế các nước trên thế giới. Với loại thẻ vé này, người dân có thể tự thực hiện các thình thức thanh toán từ điện thoại đến các loại thẻ như visa master hoặc qua Zalo pay.

Đề cập đến công tác PCCC cho tuyến Metro này, ông Lâm cho biết hiện Công an Thành phố đang chủ trì xây dựng các phương án và hoàn chỉnh quy chế PCCC cũng như các quy chế phòng chống khủng bố và cứu hộ cứu nạn, đồng thời tổ chức diễn tập các tình huống trước khi đưa vào khai thác.

TPHCM sẽ triển khai kinh tế giao thông - Ảnh 2.

Đại biểu HĐND Thành phố nêu câu hỏi tại phiên chất vấn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Phát triển mô hình TOD

Trước ý kiến cử tri về làm kinh tế giao thông, ông Trần Quang Lâm cho rằng, đây là khái niệm mới. Kinh tế giao thông là dùng giao thông kích thích sự phát triển kinh tế của khu vực và ngược lại, khi đầu tư thì có ngay nguồn khai thác thực tiễn.

Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn thì Thành phố đang học tập và triển khai kinh tế giao thông. Ví dụ đối với dự án rạch Xuyên Tâm hay kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên, Thành phố đang chỉ đạo tổ nghiên cứu rà soát quy hoạch dọc theo 2 bên sông để nghiên cứu điều chỉnh, phát huy hiệu quả, tạo thêm quỹ đất dọc theo tuyến đường ven sông, ven kênh rạch, vừa tạo cảnh quan vừa tạo không gian.

Cao hơn, Thành phố cũng đã thành lập tổ nghiên cứu phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), theo đó sẽ nghiên cứu quy hoạch xung quanh các nút giao của tuyến Vành đai 3 và các tuyến giao thông khác cùng quy hoạch xung quanh các nhà ga của các tuyến Metro.

TPHCM sẽ triển khai kinh tế giao thông - Ảnh 3.

Đại biểu HĐND Thành phố đặt câu hỏi chất vấn - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Thực hiện quy hoạch giao thông cần nguồn lực và thời gian

Ông Trần Quang Lâm cho biết năm 2022, Thành phố đã tổ chức hội nghị để rà soát đánh giá quy hoạch giao thông, qua đó nhận định quy hoạch giao thông của Thành phố cơ bản phù hợp với xu hướng phát triển của Thành phố, tương ứng với các quy hoạch ngành của quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng trong quy hoạch giao thông Thành phố cần nghiên cứu để bổ sung điều chỉnh, trong đó ưu tiên 2 vấn đề: Quy hoạch kết nối vùng (trong đó cần tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; bổ sung kết nối đường sắt, kéo dài tuyến Metro số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai).

Thứ 2 là giao thông phát triển đồng bộ cùng đô thị và phát huy hiệu quả chung, theo đó bổ sung các tuyến quy hoạch ven sông, các tuyến đường sắt đô thị.

Đối với ý kiến đại biểu về việc thực hiện quy hoạch còn chậm, theo Giám đốc Sở GTVT, để triển khai quy hoạch thì phải triển khai dự án, cần nguồn lực và thời gian. Vừa rồi, Thành phố đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ, cho thấy nguồn lực dành cho giao thông so với kế hoạch thực hiện chỉ đạt 30%, đó là nguyên nhân thực hiện các dự án chậm, thực hiện quy hoạch chậm.

Ngoài ra, một số dự án có nguồn lực nhưng triển khai thực hiện không đạt tiến độ. HĐND Thành phố đã có nhiều phiên giám sát các dự án và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất là khâu GPMB, bồi thường, tái định cư.

Để giải quyết các vấn đề này, ông Lâm cho biết trong Nghị quyết 98 mới được Quốc hội thông qua có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Ví dụ như đầu tư dự án theo hình thức BT - thanh toán bằng tiền (trước đây BT thanh toán bằng đất).

Ngoài ra, từ nay về sau, Thành phố sẽ thực hiện các dự án theo tinh thần và bài học từ Vành đai 3 để đẩy nhanh dự án.

Đối với vấn đề phát triển du lịch đường thủy, ông Lâm cho biết Thành phố xác định tiềm năng đường thủy trong vận tải hàng hóa, hành khách là rất lớn.

Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng thì Thành phố vẫn còn phải phấn đấu nhiều. Ông Lâm cho rằng  phải phát triển trên bờ, hai bên bờ sông phải có không gian xanh, đẹp thì mới thu hút được. Và để được như vậy thì cần phải có thời gian.

Ngoài ra, ông Lâm thông tin, từ nay đến năm 2025, Thành phố có ít nhất thêm 5 tuyến giao thông đường thủy, đồng thời sẽ phát triển các khu neo đậu, nhà hàng ở Cần Giờ.

Anh Thơ

Top