Trao giải cuộc thi viết về Thương binh - Liệt sĩ

22/12/2022 6:37 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/12, Hội nhà văn TPHCM, Hội hỗ trợ gia đình Thương binh - Liệt sĩ và Tạp chí Văn nghệ TPHCM đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc vận động viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ.

Những người suốt đời “mua vé ngồi” đoạt giải cao cuộc thi viết về Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh 1.

Tác giả Huỳnh Dũng Nhân và đại diện tác giả Bùi Minh Tuệ nhận giải nhì tại lễ trao giải cuộc vận động viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Kết quả cuộc vận động: Không có giải nhất, hai giải nhì thuộc về tác giả Huỳnh Dũng Nhân với tác phẩm "Những người suốt đời "mua vé ngồi"" và tác giả Bùi Minh Tuệ với tác phẩm "Nước mắt rơi khi trùng khơi cuộn sóng". Ban tổ chức cũng đã trao ba giải 3, 6 giải khuyến khích cho các tác giả.

Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội bảo trợ gia đình Thương binh - Liệt sĩ cho biết, sau chưa đầy 10 tháng phát động (từ 17/12/2021 đến cuối tháng 9/2022), Ban tổ chức nhận được 200 tác phẩm của 150 tác giả gửi về tham gia. Điều đáng trân trọng trong số các tác phẩm gửi về, nhiều tác giả không phải là người viết chuyên nghiệp. Với sự tri ân, họ đã viết về chính cha, mẹ, anh chị em ruột thịt của mình.

Đơn cử, tác giả Kiều Quốc Túy viết về cha mình là liệt sĩ Kiều Tấn Lập, nguyên Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng (tác phẩm Con gái nhớ thương khâm phục và biết ơn ba). Đó là "Ngày đau thương đó" của tác giả Kim Quyên viết về cậu ruột của mình Liệt sĩ Trần Văn Dần, nguyên Phó ban Tuyên giáo huyện Cái Bè (Tiền Giang)…

Những bài viết về đề tài thương binh liệt sĩ còn chạm đến cảm xúc độc giả khi khắc hoạ chân dung của những người bạn chiến đấu đi tìm hài cốt và danh tính đồng đội.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tác giả đạt giải nhì cuộc thi, chia sẻ trước khi viết nên tác phẩm Những người suốt đời "mua vé ngồi" ông đã gắn bó tròn 30 năm với Khu điều dưỡng Thương binh Long Hải - đơn vị nơi ông thực hiện bài viết, thân với từng gia đình, thân nhân của họ. Tiêu đề bài viết cũng chính là một câu nói năm xưa một người thương binh từng nói với ông "chúng tôi suốt đời mua vé ngồi".

"Tôi bị ám ảnh bởi chi tiết này. Nếu không viết tôi sợ thế hệ sau không còn nhớ đâu. Cách đây không lâu, tôi mang mũ rơm đến một sự kiện nhưng nhiều người không biết mũ rơm là gì. Cảm ơn cuộc thi vì đã nhắc lại một thời kì oai hùng nhưng cũng rất đau thương của dân tộc. Nếu còn viết được tôi sẽ viết để thế hệ mai sau nhớ về lịch sử dân tộc về một thời kì không thể nào quên", tác giả Huỳnh Dũng Nhân trải lòng.

Những người suốt đời “mua vé ngồi” đoạt giải cao cuộc thi viết về Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh 2.

Tác giả Huỳnh Dũng Nhân, người đạt giải nhì với tác phẩm Những người suốt đời “mua vé ngồi” và Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội bảo trợ gia đình Thương binh - Liệt sĩ - Ảnh: VGP/Huy Phạm

Có mặt tại lễ tổng kết từ sớm là nữ cựu tù chính trị Trần Duy Phương - nhân vật trong tác phẩm "Trần Duy Phương - Người con gái kiên cường" của tác giả Quế Hà. Là thương binh đặc biệt, ra tù trên cáng, trải qua bao lần phẫu thuật mổ xẻ, nữ cựu tù chính trị chia sẻ: "Tôi sống vì những người đã khuất. Bạn bè tôi hi sinh nhiều lắm, mà không biết thân xác ở đâu. Người thân cha mẹ của họ luôn khắc khoải con mình giờ nơi đâu. Những cuộc vận động như vậy rất ý nghĩa. Chúng ta còn nợ những người nằm xuống nhiều lắm".

Cũng trong dịp này, Ban tổ chức chính thức ra mắt sách "Triệu ngày khắc khoải". Đây là tác phẩm có nội dung ca ngợi những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, bộ đội, gia đình liệt sĩ, thương binh... trong thời chiến và thời bình. Sách ra mắt nhân kỉ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022).

Huy Phạm

Top