Trên 95% học sinh tiểu học đến trường

15/02/2022 8:23 AM

(Chinhphu.vn) - Trong ngày hôm nay - ngày đầu tiên đi học trực tiếp trở lại, trẻ mầm non đến trường đạt tỉ lệ 66,53%; học sinh tiểu học đạt tỉ lệ 95,99%; học sinh lớp 6 đạt tỉ lệ 94,64%.

Trên 95% học sinh tiểu học đến trường - Ảnh 1.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM chiều 14/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT cho biết, sáng cùng ngày, học sinh lớp 1-6 và trẻ mẫu giáo trên địa bàn đã đến trường với không khí háo hức, phấn khởi. Các cơ sở giáo dục cũng đã đảm bảo thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch.

Về khối mầm non, trẻ đến trường đạt tỉ lên 66,53%. Đối với khối tiểu học, có 670.366/698.386 học sinh đến trường, đạt tỉ lệ 95,99%. Đối với học sinh lớp 6, có 89.818/94.916 học sinh đến trường, đạt tỉ lệ 94,64%.

Đối với bậc mần non, nhiều cơ sở giáo dục đã tiến hành tổ chức dạy học bán trú, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh khi đi học trực tiếp. Tuy nhiên, cũng còn có những cơ sở giáo dục chưa tổ chức được hoạt động bán trú trong thời điểm hiện nay do còn lo ngại và chưa đáp ứng được điều kiện về phòng, chống dịch cũng như cơ sở vật chất.

Về tình hình ngày đầu tiên đến trường của khối mầm non và khối tiểu học, Thành phố ghi nhận có một trường hợp F0 tại trường mầm non, một F0 tại trường tiểu học và một F0 là học sinh lớp 6. Cả 3 trường hợp này đã nhận được sự hỗ trợ tích cực và chủ động của các trạm y tế địa phương và được xử lý theo quy định.

"Chúng tôi dự báo trong các tuần tiếp theo sẽ có những diễn biến phức tạp về phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, chính vì vậy, ngay sáng nay, Sở GD&ĐT đã ban hành một văn bản chỉ đạo về việc tổ chức tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sau Tết Nguyên đán trong các cơ sở giáo dục, trong đó chúng tôi tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch; tổ chức theo dõi và xét nghiệm tầm soát các ca nghi nghiễm tại các trường học; theo dõi kỹ lưỡng những trường hợp giáo viên, học sinh di chuyển ra khỏi thành phố trong dịp Tết…", ông Trọng thông tin.

Cũng theo Trưởng Phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT, để xử lý các F0, F1 thì các cơ sở giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế thực hiện đúng quy trình xử lý, trong trường hợp phát sinh những vấn đề phức tạp thì báo cáo ngay cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở các quận, huyện và Sở GD&ĐT để được chỉ đạo xử lý kịp thời.

Vấn đề một số cửa hàng xăng dầu kinh doanh cầm chừng hoặc nghỉ bán, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, trong 7 ngày qua, có sự việc liên quan đến công tác quản lý xăng dầu, cụ thể là điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới. Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương TPHCM cũng đã có văn bản gửi cho 15 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu để báo cáo về tình hình nhập khẩu xăng dầu trong những tháng tới đây.

"Qua theo dõi tình hình thì chúng tôi thấy vẫn còn một số khó khăn trong công tác kinh doanh xăng dầu, do đó, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi gấp cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố yêu cầu báo cáo ngay lập tức nếu có khó khăn trong việc tiếp nhận nguồn cung hàng hóa cũng như trong cung ứng, phân phối cho người tiêu dùng. Nếu gặp khó khăn, có đứt gẫy, gián đoạn nguồn cung thì báo cáo, nếu không báo cáo, khi các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm", ông Phương thông tin.

Ngoài ra, ông Phương cho biết thêm, Sở cũng đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, trong đó tổ chức 2 đoàn kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu và các địa bàn kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đối với đoàn kiểm tra các cửa hàng, đã phát hiện có duy nhất một cửa hàng đóng cửa, thông báo hết xăng dầu phân phối cho người dân, còn các cửa hàng thì đa số hết xăng, còn dầu. Sau khi kiểm tra thì tình hình chung là các cửa hàng này đều đã có phiếu xuất kho (đã đăng ký đặt hàng với các đầu mối).

"Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận, lập biên bản và làm việc với các đơn vị cung cấp để có báo cáo chính thức cho Bộ Công Thương xử lý", ông Phương khẳng định và cho biết thêm: "Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo các phòng kinh tế, tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn, bất cứ trường hợp cửa hàng xăng dầu trên địa bàn nào có dấu hiệu ngừng kinh doanh, kinh doanh không đủ thời gian theo quy định thì sẽ bị xử lý kịp thời".

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết thêm, lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM và Cục Quản lý thị trường đã có trao đổi thường xuyên, nhiều lần trong ngày để cùng nhau chia sẻ thông tin. Khi có thông tin liên quan đến việc thiếu hụt xăng dầu hay những cửa hàng kinh doan xăng dầu có dấu hiệu vi phạm thì ngay lập tức sẽ có những biện pháp để xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm, răn đe hoặc báo cáo cấp trên, không để sự việc tương tự xảy ra và đảm bảo hoạt động của các kênh phân phối xăng dầu trên thành phố, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, không gây xáo trộn cũng như đảm bảo niềm tin của người dân, người tiêu dùng đối với việc quản lý xăng dầu trên địa bàn.

Tại họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế TPHCM cho biết, tính đến 18h ngày 13/2, có 516.801 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố. Hiện thành phố đang điều trị 739 bệnh nhân, trong đó có 38 trẻ em dưới 16 tuổi, 72 bệnh nhân nặng đang thở máy, 12 bệnh nhân phải can thiệp ECMO. Trong ngày 13/2, có 90 bệnh nhân nhập viện, 86 bệnh nhân xuất viện; tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 317.800. Trong ngày, có một trường hợp tử vong; tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 20.399.

Anh Thơ

Top