Văn hóa xã hội

26/07/2011 12:00 AM

Văn hoá – Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh

Đất Sài Gòn - Gia Định là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa,"cơ cấu kiến trúc" Việt - Hoa - Châu Âu. Vì trên 300 năm trước, Bến Nghé – Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ Trung, Bắc đến lập nghiệp, rồi các di dân người Hoa vào định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho cùng hội tụ với dân cư bản địa. Sau đó, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Tính giao thoa hội tụ của những người cần cù vượt khó, hội tụ tài năng và sức lực cả nước đã biến Sài Gòn thành một phức thể văn hóa thông qua phong tục tập quán, cách thức ăn uống, trang phục, sinh hoạt ma chay, cưới hỏi, tôn giáo tín ngưỡng; tinh thần đoàn kết dân tộc, năng động sáng tạo; kiên cường bất khuất, lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường; tinh thần tương thân tương ái; tính chất hòa đồng, nhạy cảm, dễ tiếp cận và hòa nhập; cá tính bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài... vốn là truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và con người Thành phố.

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm văn hóa mà còn là trung tâm báo chí - xuất bản của đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Thành phố này là nơi phổ biến chữ quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (Tờ “Gia Định báo”) của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường đào tạo chuyên ngành,  của đội ngũ văn nghệ sĩ, của các hoạt động giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật ... đã tạo cho Sài Gòn từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hóa.

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ nhưng cũng có không ít những tài nguyên du lịch nhân văn. Đó là những công trình kiến trúc cổ  như Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, Dinh Xã Tây (trụ sở UBNDTP), Nhà hát lớn, Bưu điện, hệ thống các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chùa Bà Thiên Hậu, Tổ Đình Giác Viên...), hệ thống các nhà thờ cổ  (Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức...).
Với vai trò vị trí là một Trung tâm Văn hoá của cả nước, thành phố hiện có 22 đơn vị nghệ thuật, 9 rạp hát, chiếm 15,5% và 18,6% số lượng của cả nước. Ngành Văn hóa Thông tin đã xây dựng quy hoạch phát triển ngành văn hoá thông tin đến năm 2010cũng như kế hoạch thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ văn hoá – xã hội theo hướng phát triển đô thị hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Trong năm 2003, Thành phố phấn đấu đào tạo nghề cho 180.000 người, giải quyết việc làm cho mới cho 210.000 người và cương quyết hoàn thành cơ bản chương trình XĐGN vào cuối năm. Tiếp tục thực hiện chương trình nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Để trở thành Thành phố văn minh, các phong trào chống các tệ nạn xã hội mà nổi bật là chương trình ba giảm đã được toàn dân thành phố tham gia. Thành phố đã đề ra kế hoạch theo một lộ trình rõ rệt để giải quyết đồng bộ các tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở , đổi mới phương thức trong hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm quảng cáo-->,tiếp tục phát triển hệ thống Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm Văn hóa..., tăng cường quản lý Nhà nước, cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hoá, tạo môi trường văn hoá xã hội lành mạnh.

Top