‘Đã qua giai đoạn thu hút đầu tư bằng ưu đãi giá thuê đất, thuế hay nhân công giá rẻ’
(Chinhphu.vn) - Loại bỏ thủ tục không cần thiết, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính như công bố với nhà đầu tư sẽ là một trong những giải pháp quyết liệt của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) để tăng năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư sau 20 năm phát triển.
Định vị lại Khu Công nghệ cao
Sự phục hồi trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao (Khu CNC) TPHCM nhanh hơn dự báo. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu của SHTP đạt 12,9 tỷ USD, tương đương tăng 14,7% so với cùng kỳ và đạt 49,6% kế hoạch cả năm 2022 là 26 tỷ USD.
Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu trong 20 năm qua ước đạt hơn 120,3 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt hơn 112 tỷ USD. Tổng thu ngân sách luỹ kế ước đạt 1,7 tỷ USD.
Phát biểu trước các nhà đầu tư tại sự kiện thu hút đầu tư vào Khu CNC năm 2022 mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, trong 20 năm qua có nhiều nhà đầu tư đã thành công khi chọn điểm đến là SHTP, đi đúng định hướng để công nghệ cao dẫn dắt sự phát triển kinh tế Thành phố và đất nước. Nhưng vẫn còn dư địa để Thành phố tiếp tục cải thiện, tái cơ cấu với tài nguyên sẵn có hiện nay, không chỉ tạo ra giá trị tại Khu mà còn nhằm tác động lan toả tích cực tới kinh tế Thành phố và cả nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, bên cạnh thu hút đầu tư mới thì vấn đề đặt ra hiện nay là tái cơ cấu những dự án đầu tư hiện tại như thế nào. "Thành phố có trách nhiệm trong việc tạo không gian, khuôn khổ pháp lý, những điều kiện hỗ trợ và trách nhiệm của nhà đầu tư trong tái cơ cấu, gia tăng giá trị trong không gian hiện hữu", ông Mãi nhấn mạnh và cho rằng, thời gian tới Khu CNC sẽ có hướng đi, trọng tâm khác, cần có định hướng và khuôn khổ pháp lý chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Về phía mình, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TPHCM cho biết, chủ trương thu hút đầu tư vào Khu CNC của Thành phố là "nói không" với các dự án đầu tư không có lợi trong việc xây dựng năng lực cạnh tranh trong dài hạn và tạo điều kiện phát triển năng lực nội sinh với cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư doanh nghiệp trong nước. Nếu dự án không cho phép nâng cấp trình độ nhân lực, không cho phép tiếp nhận công nghệ mới thì sẽ không thu hút những dự án như vậy. "Chúng ta đã qua giai đoạn thu hút đầu tư bằng ưu đãi giá thuê đất, ưu đãi thuế hay nhân công giá rẻ. Do vậy TPHCM phải định vị lại, bản thân Khu CNC cũng phải định vị lại, dũng cảm nói không với những dự án không có lợi trong xây dựng năng lực cạnh tranh của Thành phố trong dài hạn", ông Nguyễn Anh Thi khẳng định.
Quyết tâm thực hiện Một cửa liên thông
Một trong những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh của Khu Công nghệ cao TPHCM là quyết liệt triển khai cơ chế Một cửa liên thông. Cơ chế này được quy định tại Nghị định 61 và điều chỉnh bổ sung trong Nghị định 107. Khi triển khai Một cửa liên thông, Ban quản lý Khu CNC với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước sẽ là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ đối với mọi thủ tục hành chính (TTHC) của nhà đầu tư trong Khu và có cơ chế phối hợp với TP. Thủ Đức, với các sở ngành có liên quan để giải quyết các thủ tục đảm bảo thời hạn cho các dự án đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Thi nhận định, đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta cam kết được thời hạn giải quyết các TTHC như công bố sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu tái cơ cấu.
"Trong quá trình tiếp xúc với một số nhà đầu tư lớn, thì điều kiện đặt ra đầu tiên của họ là phải giải quyết TTHC nhanh chóng. Mà điều này chúng ta đang khó cam kết với nhà đầu tư", ông Thi chia sẻ.
Trước đây Khu CNC đã được thí điểm cơ chế Một cửa liên thông, có thẩm quyền giải quyết hầu hết các TTHC liên quan đến triển khai dự án của nhà đầu tư. Tuy nhiên khoảng 7 năm trở lại đây, khi ra đời các luật chuyên ngành mới thì thẩm quyền đó được giao về các cơ quan chuyên môn và địa phương. Theo ông Nguyễn Anh Thi, sự thay đổi này dẫn đến việc doanh nghiệp phải đi nhiều cửa để giải quyết TTHC dự án, kéo dài thời gian triển khai dự án. "Đó là một thực tế gây bức xúc cho doanh nghiệp", ông Thi nói. Trước đây tất cả thủ tục để khởi công xây dựng trung bình 6 tháng thì hiện nay phải từ 1,5 - 2 năm, gấp 3-4 lần. Theo ông Thi, trong ngắn hạn chưa tác động đến ưu thế thu hút đầu tư vào SHTP nhưng dài hạn thì chắc chắn ảnh hưởng bởi đây là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư xem xét ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, ông Thi cho rằng cơ chế Một cửa liên thông trước đây giao toàn bộ thẩm quyền giải quyết TTHC đầu tư về Ban quản lý Khu CNC cũng có hạn chế, đó là thiếu sự liên kết về mặt quy hoạch với TP. Thủ Đức. Do vậy, tới đây khi thực hiện cơ chế Một cửa liên thông, Ban quản lý Khu CNC là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, trong khi thẩm quyền giải quyết thuộc về TP. Thủ Đức. "Chúng tôi sẽ ngồi lại tìm điểm chung, tìm cơ chế phối hợp với TP. Thủ Đức trong giải quyết TTHC và tham gia sát trong khâu thẩm định để làm sao cắt hết những thủ tục không cần thiết, đảm bảo đúng thời gian cam kết với nhà đầu tư", ông Nguyễn Anh Thi khẳng định và nói thêm, chúng ta không cam kết được với doanh nghiệp thì mất lợi thế trong thu hút đầu tư.
Gỡ nút thắt làm đình trệ nhiều dự án
Bên cạnh vấn đề thời gian giải quyết TTHC thì việc triển khai dự án sau cấp phép đầu tư còn chậm, như vướng mắc trong chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước và nước thải… Đây là một trong những vướng mắc rất lớn với các dự án tại Khu CNC nói riêng và ngoài khu CNC. Ngoài ra, quy hoạch 1:2000 của TPHCM thực hiện cách đây hơn 10 năm, thời điểm đó chưa dự báo chính xác nhu cầu của các dự án trong khi hiện nay các dự án đầu tư vào Khu CNC vượt chỉ tiêu quy hoạch 1:2000.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Anh Thi, giải pháp tốt nhất vẫn là điều chỉnh quy hoạch. "Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2022 phải xong điều chỉnh quy hoạch nội dung liên quan đến chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật để các doanh nghiệp nhanh chóng được phê duyệt quy hoạch 1:500, nhanh chóng triển khai thủ tục xây dựng khác. Đây cũng là nút thắt làm đình trệ nhiều dự án trong Khu CNC, có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Ban quản lý Khu CNC". Ông Thi cho biết, hiện có 7 dự án đang trình phê duyệt 1:500 đang bị vướng chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật và Ban quản lý đang nghiên cứu nhiều cơ chế, giải pháp tháo gỡ.
Băng Tâm