Để mở cửa lại hoạt động du lịch đạt hiệu quả

16/02/2022 4:59 PM

(Chinhphu.vn) - Từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Để chuẩn bị mở cửa lại du lịch, không chỉ các cơ quan quản lý các cấp mà các doanh nghiệp du lịch cũng sẽ phải thực hiện rất nhiều việc.

Làm gì để mở cửa lại hoạt động du lịch đạt hiệu quả? - Ảnh 1.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn, ngày 19/9/2021, Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác, một điểm du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ (TPHCM) chính thức khôi phục hoạt động, mở cửa đón du khách - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp lãnh đạo các bộ, ngành của Chính phủ (ngày 15/2/2022), theo tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", những nội dung rất chi tiết, cụ thể để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 đã được đưa ra. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới phải dựa trên tình hình dịch bệnh của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo kết luận của cuộc họp, nhiều nút thắt về chính sách, thủ tục đã được tháo gỡ. Ngay lập tức, rất nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội trong và ngoài nước đã loan tin và nhận được sự quan tâm, đồng tình của đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Các bộ, ngành thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép từ thời điểm 15/3/2022, các biện pháp kiểm soát người đi lại thi hành từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ. Sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn, việc cấp visa sẽ thực hiện như trước: Miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân trả lời những câu hỏi quan tâm của nhiều người: Du khách đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch, nhưng cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19; phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR); từ 12 tuổi trở lên phải tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng; dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vaccine.

Với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam phải đóng phí hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét và rút kinh nghiệm từ thực tế thử nghiệm mở cửa du lịch trong thời gian vừa qua. Việc tổ chức xét nghiệm nhanh tại sân bay; tổ chức cách li và điều trị người bị bệnh tại các khu tập trung; việc khai báo và kiểm soát thời gian tự cách li tại nhà… cũng phải chấn chỉnh để không có tình trạng ùn ứ, gây khó khăn cho hành khách, nhất là những chuyến bay đông người.

Các cơ sở y tế khám, chữa, xét nghiệm COVID-19… cần tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng hơn và có các kịch bản ứng phó cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, khi chính sách đã ban hành thì phải thực hiện nghiêm túc, thống nhất trên toàn quốc. Không có lý do gì để các địa phương ban hành các quy định trái với quy định chung. Các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phải thống nhất trong điều hành và thực thi chính sách để không có tình trạng "tiền hậu bất nhất" như thời gian vừa qua.

Để chuẩn bị mở cửa lại du lịch, không chỉ các cơ quan quản lý các cấp mà các doanh nghiệp (DN) du lịch cũng sẽ phải thực hiện rất nhiều việc. Dù đã có những bước chuẩn bị từ trước, nhưng để mở thêm tour, tuyến, sản phẩm mới… trong điều kiện an toàn; để tìm kiếm và đào tạo lại nguồn nhân lực cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ… sau những năm dịch bệnh, các DN du lịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn.  

Việc chào bán các sản phẩm du lịch phải có nhiều thời gian. Các DN cần có thời gian lên kế hoạch và chuẩn bị nguồn lực. Các tour quốc tế nếu bị huỷ hoặc sự cố "ngoài kịch bản" sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Một tour du lịch, khách quốc tế vào Việt Nam… liên quan đến nhiều địa bàn, nhiều khâu, nhiều ngành. Không thể chỉ vì "Con sâu làm rầu nồi canh". Hình ảnh và ấn tượng của du lịch Việt Nam trong mắt du khách phải được nâng cao và gìn giữ.

Việc tuyên truyền, quảng bá chính sách, hoạt động du lịch phải được phổ biến sớm và sâu rộng, nhất là ở nước ngoài để tránh tình trạng người nước ngoài, cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu không đúng, không đầy đủ hoặc không được câp nhật kịp thời sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo, ăn chặn và bóp nghẹt những người có nhu cầu đi lại, ra vào Việt Nam.

Hiện tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn chưa nắm bắt được nhiều và kịp thời các thông tin chính thống. Chủ trương đã có, nhưng các văn bản chỉ đạo triển khai còn chậm hoặc chưa đồng bộ. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cần được cung cấp thông tin một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất bởi họ sẽ là những người làm cầu nối tốt nhất trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Việt Nam cho các nhà đầu tư và người nước ngoài.

Là thành phố kinh tế lớn, năng động và ảnh hưởng nhiều nhất vì đại dịch COVID-19, TPHCM hiểu rõ vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch… trong việc góp phần khôi phục kinh tế và vị thế của Thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn các kiều bào, với kinh nghiệm, lĩnh vực công tác của mình tiếp tục quan tâm, góp ý, hiến kế để cùng nhau xây dựng Thành phố phát triển. Thực sự là một đô thị năng động, là nơi đáng sống không chỉ cho nhân dân Thành phố mà còn cho bạn bè quốc tế. Chúng tôi xin cam kết sẽ thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận các ý kiến góp ý của các nhà đầu tư, của bà con cũng như của bạn bè thế giới".

Kim Ngân

Top