Du lịch TPHCM cần những bước đi bứt phá

24/12/2022 9:36 AM

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2022, tổng doanh thu lĩnh vực du lịch của TPHCM ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021, và tăng 33,33% so với kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn là sụt giảm so với thời kỳ trước dịch COVID-19.

Du lịch TPHCM cần những bước đi bứt phá - Ảnh 1.

Du khách quốc tế đến TPHCM du lịch sau khi Chính phủ cho phép mở cửa đón du khách quốc tế - Ảnh: VGP

Là đô thị lớn, với bề dày lịch sử, theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, Thành phố có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm: 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, Hệ thống giao thông đường sông trong lòng đô thị. Nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị. Truyền thống hoạt động văn hóa nghệ thuật. Công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển…

Về các cơ sở lưu trú, theo Thạc sĩ Nguyễn Lan Hương, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ: "Mặc dù tổng số luợng khách đến TPHCM đứng sau Hà Nội, nhưng khả năng cung cấp phòng tất cả các hạng đều lớn hơn Hà Nội từ 0,7 đến 10 lần. Trong danh sách khách sạn 4 và 5 sao đoạt giải thưởng du lịch Việt Nam thì đã có trên 50% đóng tại TPHCM". 

Nhưng từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách cũng như doanh thu du lịch của Thành phố sụt giảm đáng kể. Thời gian hơn một năm trở lại đây, sau đại dịch, ngành du lịch Thành phố đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để bứt phá.

Đẩy mạnh liên kết vùng và các chương trình quảng bá   

Từ năm 2019, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai. Nhưng chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian gần đây, nhờ những nỗ lực, cũng đang được dần phục hồi. Tuy nhiên, Chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa mới và thiếu hấp dẫn.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét: Chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý Nhà nước sau đại dịch COVID-19 tại các thị trường còn ít, dẫn đến thông tin chính thức về chính sách mở cửa du lịch Việt Nam đến khách quốc tế chưa đầy đủ.

Trước những yêu cầu mới, để thu hút nhiều hơn du khách đến TPHCM, nhìn rõ những yếu điểm, ngành du lịch Thành phố đang cố gắng phát triển chuỗi và các sản phẩm du lịch liên vùng. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Du lịch TPHCM cần những bước đi bứt phá - Ảnh 2.

Sở Du lịch TPHCM đang tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của Thành phố - Ảnh: VGP

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng

Trong năm 2022, ngành du lịch Thành phố đặt ra các nhiệm vụ: Tìm kiếm những sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử gắn với đặc trưng của TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện. Chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng; Phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch lễ hội, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE) và du lịch ẩm thực.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, một trong những sản phẩm đặc thù mà TPHCM đang hướng đến để tạo sự khác biệt so với các tỉnh, thành khác trong khu vực là sản phẩm "Du lịch không ngủ" hay Du lịch đêm. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel nhận định, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong tour của khách.

Còn theo ông Trương Hoàng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Quốc tế của Bến Thành Tourist thì du lịch về đêm của TPHCM có rất nhiều tiềm năng. Một trong những lợi thế để triển khai kinh tế đêm chính là ẩm thực. Vì thế, đặc trưng này đang được tập trung phát triển. Ngoài các nhà hàng, quán ăn, khu ẩm thực, những tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố "Tây" Bùi Viện… sẵn có. Hoạt động của Chợ Bến Thành (quận 1) được kéo dài đến 22h. Sở Du lịch đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn xây dựng kế hoạch xúc tiến những đề án các dịch vụ kinh tế, khu phố ẩm thực về đêm mới: Tổ chức lại phố Đông y, phố Ẩm thực, phố Vàng bạc - đá quý (ở Quận 5). Tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí đêm ở Công viên văn hóa Đầm Sen và dọc kênh Tân Hóa (Quận 11). Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (Quận 10) đang dần hấp dẫn với cả khách nội địa và quốc tế, nhất là các tối cuối tuần.

Xây mới hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển

Vẫn theo Thạc sĩ Nguyễn Lan Hương, so với các sân bay quốc tế trong khu vực thì hệ thống cơ sở vật chất của sân bay Tân Sơn Nhất tuy đã được từng bước hiện đại hóa, nhưng chưa đồng bộ và ngày càng xuống cấp. Trình độ và tính kỷ luật của bộ phận không lưu còn yếu. Sự lộn xộn trong sắp xếp đưa, đón khách chưa tạo được ấn tượng tốt với cả du khách  trong và ngoài nước. Điểm yếu này cần được các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ ngay, nhất là trong dịp cao điểm du lịch Tết Nguyên Đán sắp tới.

Theo đánh giá chung, tuy có hệ thống sông ngòi, kênh rạch, nhưng du lịch đường thuỷ của TPHCM chưa tương xứng với tiềm năng có tới 913 km đường thủy của Thành phố. Đấy là chưa so sánh với các quốc gia lân cận. Đại diện Công ty Cổ phần In Holdings cho rằng, TPHCM chưa có sản phẩm du lịch đường thủy hấp dẫn, chưa có hệ thống các cầu cảng du lịch chuyên dụng, chưa khai thác được các loại hình dịch vụ phụ trợ, lãnh đạo Thành phố đã nhìn thấy vấn đề. Về quy hoạch bến, UBND Thành phố đã có Công văn số 2001 giao UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cập nhật 411 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030.

Kim Ngân

Top