Giải trình kết quả thực hiện đầu tư công trên địa bàn TPHCM

24/08/2022 10:29 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng 24/8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức Phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện đầu tư công trên địa bàn TPHCM - Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ phát biểu khai mạc Phiên giải trình - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ chủ trì Phiên họp. Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi dự Phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong Phiên giải trình này, Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn nội dung "Kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TPHCM" để yêu cầu UBND Thành phố, lãnh đạo Sở KH&ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan giải trình bởi năm 2022 là năm thứ hai triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7 năm 2021, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố được HĐND Thành phố thông qua vào tháng 10 năm 2021) và cũng là năm Thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022 trên địa bàn.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND Thành phố thông qua là 35.516,968 tỷ đồng; UBND Thành phố đã giao kế hoạch vốn là 29.464,008 tỷ đồng, đạt 82,95% so với tổng kế hoạch vốn được thông qua.

Tuy nhiên, tính đến ngày 12/8/2022, Thành phố mới giải ngân đạt tỉ lệ 29% so với tổng kế hoạch vốn được giao. Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn có tiến độ giải ngân chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị chủ đầu tư trong việc lập, thẩm định, trình phê duyệt dự án và tổ chức thực hiện dự án đầu từ chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Ngoài ra, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án chưa được khắc phục, như có 16 dự án UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố (khóa X) tại Kỳ họp thứ 6 thông qua việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có tăng tổng mức đầu tư dự án. Một số dự án PPP đang thực hiện còn dở dang, chưa được xử lý dứt điểm các vướng mắc để dự án hoàn thành và đưa vào khác thác sử dụng. Nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư công khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố chưa được tháo gỡ kịp thời.

Từ đó, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm giải trình tập trung đánh giá những mặt tích cực và những mặt hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn; giải trình những nguyên nhân hạn chế, đi kèm là trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan của Thành phố cùng những giải pháp để để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Nhiều vướng mắc khi thực hiện đầu tư công trên địa bàn TPHCM - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi báo cáo về tình hình thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, về công tác bố trí vốn, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỷ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của Thành phố. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng 10%), vốn ngân sách Thành phố là 150.000 tỷ đồng.

UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 13 cũng như 6 nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết này để phân bổ nguồn vốn trên.

Trên cơ sở các nghị quyết của HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 là 138.472 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535 là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỷ đồng).

UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua Nghị quyết số 99 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm: Vốn từ nguồn bội chi ngân sách Thành phố là 14.873,1 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách Thành phố là 127.683,9 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố thông qua thêm 2 nghị quyết là Nghị quyết số 05 và Nghị quyết số 31 để phân khai chi tiết nguồn dự phòng trung hạn cho các đối tượng đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công và các nghị định, hướng dẫn có liên quan; đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND Thành phố thông qua.

Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, vẫn còn một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ.

Một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định; người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án nhưng không căn cứ vào kết quả giám sát, đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, qua quá trình theo dõi, kiểm tra, Thành phố xác định một số nguyên nhân chính chính ảnh hưởng đến dự án. Đó là, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan.

Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.

Vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục; chưa đôn đốc các nhà thầu liên quan hoàn thành đúng thời gian theo quyết định phê duyệt dự án; công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu hoàn thành.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư chậm đôn đốc, không theo dõi, chỉ đạo xử lý các vấn đề đã phát hiện của UBND Thành phố, của các cơ quan có thẩm quyền, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý dự án đầu tư công.

Anh Thơ

Top