Giữ gìn ký ức lịch sử - Bài 2: Bức ảnh đặc biệt
(Chinhphu.vn) - “Lúc đó, bên trong Đài phát thanh Sài Gòn, nơi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, về phía làm báo, chỉ có một phóng viên người Đức và tôi. Phóng viên người Đức chỉ thu âm, tôi thì nhanh chóng lùi ra, lấy máy chụp lại khoảnh khắc quan trọng trong ngày 30/4 lịch sử”.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc gần 50 năm nhưng từ đó đến nay, chưa khi nào ông Phạm Kỳ - khi đó là phóng viên của Hãng thông tấn AP thường trú tại Sài Gòn quên thời điểm lưu lại bức ảnh đặc biệt ngày ấy.
Ngày lịch sử sang trang
Gần 90 tuổi, thế nhưng, nhìn vào bức ảnh do chính mình chụp cách đây 48 năm, ông Kỳ vẫn nhớ rõ tên, chức vụ của từng người. Cầm chặt khung ảnh trong tay, người đàn ông quê Quảng Nam bắt đầu câu chuyện về thời khắc lịch sử ngày 30/4 với chất giọng trầm.
Cựu phóng viên AP nhắc lại: "Ngồi chính giữa bàn ghi âm là Tổng thống Dương Văn Minh, kế bên là phóng viên người Đức Borries Gallasch. Đây là ông Cả, đây là ông Lâm. Ông này là Phạm Xuân Thệ, còn ông Hà Huy Đỉnh là người đang chỉ tay. Ông Bùi Văn Tùng và Vũ Văn Mẫu ở gần đó nhưng không có trong ảnh. Lúc tôi chụp bức ảnh này là vào trưa ngày 30/4, khoảng chừng 12 giờ 30 phút".
Ông Kỳ cho biết, những ngày cuối tháng 4/1975, tình hình tại Sài Gòn biến động mạnh mẽ, đặc biệt là từ ngày 28/4, sau khi ông Trần Văn Hương từ chức, chuyển giao chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho ông Dương Văn Minh.
Thời điểm này, trên nóc Tòa Đại sứ ở đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, quận 1), những người phục vụ cho chính quyền Sài Gòn xô đẩy, chen lấn, giành nhau leo lên trực thăng để được đưa ra Phao số 0 (ở Vũng Tàu) di tản. Bên dưới, xe cộ các loại nằm ngổn ngang ra đường, còn cắm cả chìa khóa. Những cuộc tháo chạy tiếp diễn trong âu lo.
"Người ta truyền tai nhau nếu không bỏ chạy sẽ gặp cảnh giết chóc, hành hạ, nhưng đâu phải vậy. Ban đầu tôi nghe cũng hơi hoang mang, đến khi trực tiếp gặp quân giải phóng, nghe họ nói chuyện, nhìn cách họ hành xử thì thấy mọi thứ rất ôn hòa, chừng mực. Quân giải phóng không nói lớn tiếng, không đàn áp bằng vũ khí hay gì cả", ông Kỳ tiếp tục mạch truyện.
Là phóng viên đam mê "săn" ảnh, ông Kỳ không cho phép mình vắng mặt trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử dù biết rằng có thể sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí thương vong.
Sáng ngày 30/4/1975, ông vào Dinh Độc lập và tiếp tục theo dõi những diễn biến lúc bấy giờ. Khi quân giải phóng tiến vào Dinh, đưa nội các Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng, ông Kỳ leo lên xe riêng cùng chạy theo để tác nghiệp.
Thời điểm khắc nghiệt của cuộc chiến, Đài phát thanh Sài Gòn bỏ ngỏ, các phòng thu không bóng người. Ông Kỳ quay sang đề xuất: "Muốn sử dụng phương tiện này, mấy anh hãy đi với tôi về "làng báo chí" ở Thảo Điền để mời các chuyên viên của đài phát thanh lên mở và điều khiến máy. Họ đồng ý và cử hai anh bộ đội cùng tôi lên xe đi về mời các chuyên viên. Lúc sau, chúng tôi cùng ba anh chuyên viên quay về Đài phát thanh Sài Gòn. Các anh mở máy, Tổng thống Dương Văn Minh ngồi vào bàn đặt trong phòng thu, sát micro. Mọi việc bắt đầu…", ông Kỳ nhớ đến kỷ niệm đặc biệt nhất cuộc đời.
Bức ảnh được AP tặng lại
Chính thức làm phóng viên ảnh cho Hãng thông tấn AP tại Sài Gòn từ năm 1972, đôi chân ông Kỳ đã đặt đến nhiều chiến trường ác liệt để chụp lại những bức ảnh có giá trị lịch sử. Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, ông có mặt tại Quảng Trị những ngày "Mùa hè đỏ lửa", chụp lại thời khắc ác liệt của cuộc chiến. Đôi chân ấy cũng tìm đến nơi trao trả tù binh ở Lộc Ninh (Bình Phước) và lưu lại những khoảnh khắc khó quên. Ông nói, mình không sợ chết vì lúc đó chỉ muốn chụp thật nhiều ảnh, đi đến nhiều nơi quan sát cụ thể vấn đề.
Vì yêu cầu công việc, sau khi tác nghiệp, ông Kỳ luôn nộp lại toàn bộ các cuộn phim mà tòa soạn phát ra trước đó, không giữ lại bất cứ gì cho riêng mình. Thế nhưng, với bức ảnh chụp khoảnh khắc Tổng thống Dương Văn Minh tại phòng thu âm Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, ông Kỳ lại được tòa soạn trao tặng làm kỷ niệm kèm theo rất nhiều lời khen.
"Lúc đó tôi canh chỉnh và bấm vài bức ảnh rồi khẩn trương gửi cuốn phim về cho tòa soạn. Theo quy tắc tôi không được nhận lại phim chụp. Tuy nhiên, Trưởng phòng AP coi đó là "bức ảnh lịch sử" đánh dấu hồi kết của cuộc chiến tranh đặc biệt tại Việt Nam nên muốn trao tặng lại cho người chụp một bức kèm phim. Họ nói, bức ảnh là dữ kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, tôi cần cất giữ nó cẩn thận. Bức ảnh đặc biệt ấy được tôi lưu đến tận bây giờ. Chiếc máy ảnh cũng trở thành kỷ vật của một thời đáng nhớ", ông Kỳ cho biết thêm.
Sau thời khắc quan trọng tại Đài phát thanh Sài Gòn, cùng chiếc máy ảnh Nikon lúc nào cũng đeo sẵn trên cổ, ông Kỳ tiếp tục hòa vào dòng người xuống đường mừng niềm vui chiến thắng. Cờ hoa rực rỡ, phố phường tấp nập người xe, tiếng reo hò hòa trong tiếng hát, dân chúng tràn hết ra đường hoan hô, chào đón giải phóng quân. Sài Gòn giải phóng! Đất nước thống nhất! Non sông liền một dải.
Sau khi tác nghiệp tại khu Bàn Cờ (quận 3), ông Kỳ cho xe chạy về hướng quận 1 và dừng lại trước Tòa Đô chính (nay là UBND TPHCM), Bưu điện Sài Gòn (nay là Bưu điện Trung tâm TPHCM) chụp vài bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của ngày trọng đại. Đồng hồ trước bưu điện chỉ ba giờ chiều. Ông tiếp tục xuôi về hướng Bến Bạch Đằng, ghé đến các điểm quan trọng chụp thêm nhiều bức ảnh miêu tả rõ nét diễn biến tại Sài Gòn lúc bấy giờ.
Bức ảnh, chiếc máy và bao ký ức khó phai của ngày 30/4 lịch sử cứ vậy theo cựu phóng viên AP Phạm Kỳ đi tiếp những năm tháng cuộc đời. Khi cầm máy, ông không chọn an toàn cho riêng mình mà xông pha tác nghiệp tại hiện trường để thuật lại thời khắc đặc biệt của Sài Gòn, của đất nước bằng những bức ảnh, bài viết thực tế, sống động.
Với một phóng viên thời chiến, được góp chút công sức tạo nên hình hài lịch sử là điều may mắn không thể bỏ qua. Để nay khi nhắc đến, ông vẫn thấy rất đỗi tự hào.
Nguyễn Trần
Bài 3: Thế hệ kế thừa