Hơn 1,7 triệu học sinh TPHCM bước vào năm học mới
(Chinhphu.vn) - Cùng với học sinh cả nước, sáng 5/9, hơn 1,7 triệu học sinh TPHCM đã tham gia lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2024-2025.
Năm học 2024-2025, TPHCM có trên 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 24.000 học sinh so với năm học trước.
Năm học này, ngành giáo dục TPHCM lấy chủ đề: "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM", và đặt ra 15 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, thành phố xác định tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Đồng thời, ngành giáo dục TPHCM cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tiếp tục xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, năm học 2024-2025, Thành phố đưa vào sử dụng 23 công trình trường học mới, tăng thêm 475 phòng học mới. Đây là kết quả của Đề án 4.500 phòng học của ngành giáo dục thành phố trong thời gian qua, giúp giải bài toán về áp lực học sinh, giảm tỉ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày…, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo.
Năm học 2024-2025 cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục TPHCM triển khai Nghị định 84/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong đó, UBND Thành phố có thẩm quyền phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp thực hiện trong liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, bảo đảm tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành phố cũng được phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ; xây dựng thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Với việc áp dụng Nghị định 84 về thí điểm phân cấp đối với giáo dục trong năm học 2024-2025 được kỳ vọng giúp TPHCM đột phá trong giáo dục, để ngành giáo dục Thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn như liên kết giáo dục, hợp tác đầu tư, thu hút và tuyển dụng…
Là địa phương sớm đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở trường tiểu học và đặc biệt là hiệu quả của Đề án "Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" tại các trường công lập trên địa bàn TPHCM…, năm học 2024-2025, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng bộ tiêu chí trường học sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thữ 2.
Đáng chú ý, năm học 2024-2025, lần đầu tiên TPHCM tuyển dụng được gần 97% giáo viên so với nhu cầu cần tuyển. Trong đó, có nhiều môn hàng năm rất khó tuyển, thậm chí không có ứng viên dự tuyển như mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh, tin học.
Thành phố cũng tiếp tục mở rộng phân cấp tuyển dụng thêm cho 9 trường THPT ở huyện ngoại thành và TP.Thủ Đức, tăng số đơn vị tự chủ lên đến 29 đơn vị. Đồng thời tiếp tục phân cấp đến hơn 2.000 đơn vị trường học toàn Thành phố.
Năm nay lễ khai giảng của thầy trò tại TPHCM rộn ràng hơn trong không khí hướng về chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ngọc Tấn